Việt Nam đang bước vào “thời chiến”, một cuộc chiến quyết liệt chống COVID-19. Khắp nơi, từ Nam chí Bắc, tinh thần phòng chống COVID-19 đều lên cao, nhưng đối với một số doanh nhân người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam, đất nước nhỏ bé hình chữ S vẫn luôn bình yên và an toàn giữa dịch bệnh COVID-19.
___________
Takita Hiroyuki, một doanh nhân người Nhật Bản, 71 tuổi, đang công tác tại công ty Twinstar Vietnam tại Hà Nội.
Số tuổi của ông là con số đáng lo ngại khi đối mặt với dịch COVID-19. Nhưng không vì thế mà doanh nhân này sợ hãi hay hoang mang khi không kịp về nước, đoàn tụ cùng gia đình.
Qua Việt Nam kinh doanh được gần 20 năm, những thăng trầm của thị trường vẫn đang là vấn đề đau đầu đối với ông Takita Hiroyuki. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 khiến thị trường chao đảo, biến động dữ dội cũng khiến ông trăn trở không ít.
Takita Hiroyuki chia sẻ, sự sụt giảm doanh thu cũng như việc phải huỷ hầu hết 8/10 giao dịch, cộng với việc phải ở nhà tránh dịch, tránh gặp mặt đối tác trong giai đoạn này không làm ông phiền muộn. Ông nghĩ đơn giản: “đó là vì sự an toàn, an toàn cho tất cả mọi người. Lỡ chẳng may tôi tiếp xúc với người nhiễm bệnh và lây bệnh cho mọi người xung quanh thì thật đáng trách, đó mới là điều tôi phiền lòng”.
Người đàn ông cao niên trầm ngâm nhìn ra phố vắng, không bóng người. Tinh thần người Nhật ở đâu cũng thế, luôn sống trách nghiệm và phải nghĩ cho cộng đồng.
Ông Takita chia sẻ, ông thấy công tác phòng chống dịch của thành phố Hà Nội nói riêng cũng như Việt nam nói chung đều rất chuyên nghiệp, hầu hết người dân đều có ý thức đeo khẩu trang khi ra đường, khi vào các trung tâm thương mại… Các nhà hàng đều để sẵn nước sát khuẩn tay cũng như phát khẩu trang miễn phí cho khách. Điều này khiến ông nhớ lại quãng thời gian “kinh khủng” ở HongKong năm 2003 khi dịch SARS hoành hành.
“Khi đó, tôi có chuyến đi công tác tại HongKong trong vòng 2 tuần, đúng thời gian bùng phát dịch SARS nhưng ý thức của người dân cũng như trang thiết bị đều không hiện đại như hiện nay. Trên xe bus có nhân viên kiểm tra y tế họ đo nhiệt độ hành khách bằng cách lấy một chiếc nhiệt kế cho tôi ngậm vào miệng dưới lưỡi sau đó rút ra nhúng vào nước rồi lại đưa tiếp cho người khác ngậm. Lúc ấy tôi thực sự sợ hãi, không phải vì nguy cơ mắc bệnh SARS mà còn nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm khác’’ – ông Takita nhớ lại.
Davit, 70 tuổi - một doanh nhân đến từ UK nhưng sinh ra và lớn lên tại Singapore. Ông mới tới TP HCM để công tác nửa tháng trước nhưng với sự ảnh hưởng của dịch COVID- 19 nên mọi kế hoạch đều bị thay đổi vào phút chót.
Hội nghị huỷ bỏ, mọi kế hoạch phải làm lại từ con số 0... “Mắc kẹt” ở TP HCM là cơ hội để ông chứng kiến người Việt Nam chống dịch như “chiến công” đã từng diễn ra hồi đương đầu với dịch SARS.
“Mọi thứ ở thành phố này đang ngưng đọng, nhà hàng, khách sạn quán ăn sang trọng không có lấy một bóng người” - ông Davit chia sẻ.
Ông đã từng rất ngạc nhiên khi đứng giữa đường Phạm Văn Nghị, quận 7, TP HCM – nơi được coi là một trong những con phố sầm uất nhất nhì TP HCM vì xung quanh đều là khu chung cư, biệt thự cao cấp của người HCM và người Hàn Quốc. Khu này tập trung khoảng gần 120.000 người Hàn sinh sống và làm việc, nhưng sau khi hỏi thăm, ông biết đa số nhà hàng quán ăn ở đây phục vụ người Hàn và một nửa trong số họ bị “mắc kẹt” tại Hàn Quốc, tạm thời chưa quay lại Việt Nam.
Số còn lại, nghe theo những khuyến cáo của chính phủ Việt Nam, họ hạn chế ra đường. Không khí đìu hiu vắng khách khiến ông ngạc nhiên vì Việt Nam đang dãn cách xã hội khá tốt.
“Đây có lẽ là chuyến đi dễ chịu nhất đối với tôi. Không đông đúc, không ùn tắc giao thông, không ồn ã còi xe. Dịch vụ khách sạn, nhà hàng tuyệt vời, nhân viên thân thiện với khách. Tuy không tham dự được hội nghị nhưng tôi thực sự rất vui khi khám phá Hồ Chí Minh ở những góc khác bình thường” – ông Davit mỉm cười.
Đứng giữa nhà hàng 5 sao tại HCM - một trong những nhà hàng nổi tiếng và được vinh dự đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia và quốc tế, vốn luôn tấp lập ngày thường nay lại mang đến cho ông Davit một trải nghiệm hoàn toàn mới, “cảm giác như được cả nhà hàng phục vụ riêng mình, rất đặc biệt” – ông bật cười.
Theo ông Davit, tại Singapo, “lần theo dấu vết” là nhiệm vụ chính và quan trọng nhất của cảnh sát, khi phát hiện một ca nhiễm COVID- 19 mới thì gia đình, nơi làm việc, nơi bệnh nhân từng đi qua trong hai tuần đều được điều tra ngay lập tức và cách ly kịp thời và thông tin rộng khắp để người dân tránh khu vực nguy hiểm. Chính phủ còn phát khẩu trang miễn phí cho mọi người, TV báo đài cùng nhiều khẩu hiệu vận động người dân cách đề phòng hữu hiệu tránh virus cũng nhưng phát triển ứng dụng trên điện thoại và website để người dân có thể được cập nhập và trả lời bất kì thắc mắc nào.
Ông Davit khẳng định, TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang triển khai công tác phòng chống lây lan dịch một cách kịp thời và dứt khoát.
Bài: X.Đạt
Thiết kế: Mẫn San