Nhiệm vụ đón người Việt từ vùng dịch về nước có gì đặc biệt?

Nhiệm vụ đón người Việt từ vùng dịch về nước có gì đặc biệt?

“Trời mưa rét buốt, thức trắng đêm chờ đợi nhưng lịch bay lại hủy, hay những chuyến bay hạ cánh dồn dập... đó là điều bình thường mà những người làm trong lĩnh vực hàng không đều trải qua. Là người Sun Group, chúng tôi muốn biến những khó khăn thành động lực, kể cả trong thời điểm dịch Covid-19”.

 * * *

Tâm sự này của anh Ngô Thanh Tùng, nhân viên phục vụ hành khách tại Sân bay Vân Đồn đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu về những con người ở mặt đất đã lặng thầm phụng sự nhiệm vụ đón đồng bào từ vùng dịch về nước.

Nhiệm vụ đón người Việt từ vùng dịch về nước có gì đặc biệt? ảnh 1

Tờ mờ sáng 16/3, chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ, từ 5h20’ đến 6h22’, liên tiếp 3 chuyến bay chở 159 hành khách từ Anh, Pháp, Đức hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Trong đó có 2 chuyến hạ cánh cách nhau chỉ 14 phút – khoảng thời gian gấp rút đến mức không đủ để bất cứ ai trong đội phục vụ có thể ngơi tay lấy nửa phút – anh Ngô Thanh Tùng, nhân viên phục vụ hành khách tại Sân bay Vân Đồn nhớ lại.

Đón các chuyến bay đặc biệt nên đội hậu cần mặt đất cũng thường xuyên có những tình huống nhớ đời. “Có hôm xong việc,lên xe về nhà, nhưng khi báo có chuyến bay khác sắp hạ cánh là chúng tôi lại lập tức quay lại. Tuy nhiên, khi vào vị trí làm việc thì được thông báo chuyến bay hủy”, anh Tùng kể. Những tình huống đột ngột như thế thường xuyên diễn ra suốt 2 tháng trời nay. Với đội hậu cần mặt đất, cứ nhận lệnh là sẵn sàng vào vị trí, bất kể đêm hôm, mờ sáng, gió mưa hay giá rét.

Nhiệm vụ đón người Việt từ vùng dịch về nước có gì đặc biệt? ảnh 2

Anh Nguyễn Hoàng Mỹ, Trưởng phòng An ninh hàng không trải lòng: trong chiến dịch này, anh được chứng kiến tận mắt những hình ảnh thực sự xúc động. “Ví dụ như bạn nữ nhân viên vừa vệ sinh khử khuẩn, thay đồ xong, đang ăn dở ổ bánh mỳ thì nghe tin có một em bé sơ sinh không có bố mẹ về cùng cần chăm sóc. Cô ấy liền bỏ bánh mỳ xuống, mặc đồ bảo hộ, thay khẩu trang và găng tay mới, nhanh chóng đến hiện trường để chăm sóc và cho em bé uống sữa. Tôi thấy đó là tấm gương, là sự hết mình vì công việc, vì đồng bào của người trẻ.”

Hình ảnh hành khách vừa thực hiện quy trình hàng không, vừa trao ánh mắt thầm cảm ơn những người đã ân cần đón tiếp mình không quản ngại nỗi lo dịch bệnh… khiến những người như anh Tùng, anh Mỹ và cả đội hậu cần mặt đất như được tiếp thêm động lực.

“Có một cặp vợ chồng du học sinh và người vợ đang mang thai. Khi đã lên xe, tôi nhìn thấy chị ấy rơm rớm nước mắt. Trước đó tôi có hỏi thăm sức khoẻ và chị đã trả lời rất thành thực: hạnh phúc lắm, mẹ con tôi được sống rồi. Về sân bay Vân Đồn, được mọi người đón tiếp rất chu đáo, nữ hành khách này đã bày tỏ lòng biết ơn” – anh Hoàng Mỹ nói.

Nhiệm vụ đón người Việt từ vùng dịch về nước có gì đặc biệt? ảnh 3

Còn đối với Thanh Tùng: Nhờ có những chuyến bay đặc biệt mới thấy tình cảm biết ơn của đồng bào khi thấy Tổ quốc dang rộng vòng tay đón về từ vùng dịch lớn thế nào.

“Có những hành khách vì niềm vui và sự an tâm được trở về đã quên cả hành lý. Khi chúng tôi liên hệ để trao lại hành lý, vị khách ấy đã nói những lời cảm ơn tận đáy lòng, khiến chúng tôi thấy nghẹn ngào”.

Hay chuyện hành khách Thành Trần sống và học tại Pháp, đi về từ Đức, hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn đã viết trên trang Facebook cá nhân: “Ngay khi máy bay đáp xuống Vân Đồn, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm: “Sống rồi!”. “Cảm ơn Tổ quốc đã dang tay”…

Nhiệm vụ đón người Việt từ vùng dịch về nước có gì đặc biệt? ảnh 4
Nhiệm vụ đón người Việt từ vùng dịch về nước có gì đặc biệt? ảnh 5

Chúng tôi đều hiểu rằng, để có được hạnh phúc giản dị đó, những người làm công tác hậu cần mặt đất đã phải vượt qua nỗi lo sợ lây nhiễm chéo, những khó khăn về tâm lý và áp lực, căng thẳng khi phải đón những chuyến bay đột ngột, đêm hôm và nối tiếp nhau.

Anh Nguyễn Hải Linh, Tổ trưởng Tổ bốc xếp hành lý, hàng hoá chia sẻ: ban đầu, một số anh em hoang mang, nhưng khi hiểu rõ  quy trình ai cũng sẵn sàng và chủ động để hoàn thành nhiệm vụ. “Lúc đón những chuyến bay đặc biệt từ vùng dịch trở về, chúng tôi rất thoải mái bởi đã được trang bị kiến thức, mặc trang phục bảo hộ, các đơn vị khác như Sở Y tế, phòng Y tế hỗ trợ rất nhiệt tình. Đồng thời, việc được kiểm tra sức khoẻ thường xuyên khiến chúng tôi rất an tâm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì biết công việc của mình đảm bảo an toàn, không xảy ra nguy cơ lây nhiễm chéo.”

Nhiệm vụ đón người Việt từ vùng dịch về nước có gì đặc biệt? ảnh 6
Sân bay quốc tế Vân Đồn (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) có tổng vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên do Sun Group - một tập đoàn tư nhân đầu tư tại Việt Nam và hoàn thành chỉ sau 2 năm thi công xây dựng.

Sân bay Vân Đồn đã xây dựng một quy trình thuần thục và chuyên nghiệp với tính chủ động ở mức cao nhất. Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc sân bay Vân Đồn cho biết: quy trình của sân bay là hoàn toàn tối ưu để tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên và hành khách khác. Theo đó, quy trình được thực hiện hoàn toàn ngoài trời, tại sân đỗ máy bay nên không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà ga. Máy bay  đậu ở bãi đỗ xa, sau đó xe bus chở lần lượt hành khách vào làm thủ tục: kiểm tra thân nhiệt, làm tờ khai y tế điện tử, thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, lấy hành lý để lên các xe quân sự, sau đó chở thẳng đến các khu vực cách ly.

“Thời gian làm thủ tục mỗi chuyến bay giờ đây chỉ khoảng  tối đa 1 tiếng đồng hồ, sau đó sẽ khử trùng tàu bay và xử lý rác thải nguy hại. Vừa qua sân bay cũng đã đón 3 chuyến bay từ châu Âu trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Đến nay chúng tôi có thể tin tưởng và đảm bảo việc lây nhiễm khó xảy ra đối với nhân viên và hành khách khác. Việc lây chéo giữa các hành khách với nhau khi xuống sân bay cũng hạn chế ở mức thấp nhất” – ông Sáu nói.

Nhiệm vụ đón người Việt từ vùng dịch về nước có gì đặc biệt? ảnh 7

Về “an toàn tuyệt đối”, anh Trương Văn Hiếu- Phó Phòng An toàn Hàng không chia sẻ, có hành khách là bệnh nhân số 18 mới đây đã có 3 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính sau 2 tuần điều trị. Bệnh nhân này từ Hàn Quốc về đến sân bay Vân Đồn sau đó đã được chuyển đi cách ly ngay, phát hiện dương tính với COVID-19 hôm 7-3, không lây lan ra cộng đồng.

Quy trình an toàn, tâm thế vững vàng và sự nhiệt tâm, nhiệt thành, thấu hiểu niềm hạnh phúc của những người con xa quê được trở về đất mẹ tránh dịch, đội ngũ những “người lính” hậu cần mặt đất đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ, sẵn sàng đón những chuyến bay tiếp theo. Như cách nói của anh Nguyễn Hải Linh: “Chúng tôi làm việc không chỉ với tâm thế là người phục vụ các chuyến bay cho những hành khách bình thường mà là cho đồng bào mình. Chúng tôi thấy được từ sâu bên trong mình sự gắn kết này, thấy mình đang làm những việc không đơn thuần là nhiệm vụ mà còn là tình cảm, tình người. Do đó chúng tôi cố gắng phục vụ nhanh, hiệu quả, an toàn nhưng ấm áp tình người, để tất cả người Việt từ vùng dịch được an toàn trở về đất mẹ.”

Nhiệm vụ đón người Việt từ vùng dịch về nước có gì đặc biệt? ảnh 8

Bài: Phan Khánh

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
Đường sắt Việt Nam tiếp tục xảy ra sự cố tàu hoả trật bánh
(Ngày Nay) - Ngày 1/11/2024, trên tuyến đường sắt vào ga Hải Vân Nam (TP. Đà Nẵng) tiếp tục xảy ra vụ trật bánh tàu khiến 3 toa hàng lật, gây ách tắc đoạn tuyến qua đèo Hải Vân. Trước đó, đường sắt Việt Nam đã liên tiếp xảy ra nhiều sự cố tương tự, mà các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cần xem xét về yếu tố chất lượng, niên hạn toa tàu, nhất là toa tàu hàng.