Trong thời điểm nhiệt độ thời tiết xuống thấp như hiện nay, để bàn chân lạnh có thể dẫn đến một loạt các bệnh tật.
Các bác sĩ khuyên rằng ngoài gừng, có thể ngâm chân bằng giấm pha với nước ấm, không chỉ giúp loại bỏ mệt mỏi, mà còn giảm được bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.
Lý do bàn chân quan trọng là vì các cơ quan nội tạng của cơ thể có phản chiếu tương ứng trên bàn chân, kết nối 12 đường kinh trên cơ thể, trong đó có 6 đường kinh đi từ các tạng phủ xuống chân. Chân là sự khởi đầu của 3 đường kinh âm đi lên tận cùng của ổ bụng và ngực. Ngoài ra, hai bàn chân có hơn 60 huyệt quan trọng liên hệ với cơ thể.
Ngâm nóng bàn chân, có thể tăng tốc độ tuần hoàn máu của cơ thể và kích thích những huyệt vị này sẽ giúp cải thiện sức khoẻ. Y học hiện đại cho thấy, khi ngâm chân vào nước ấm, sẽ cảm thấy thoải mái, thư giãn và giảm mệt mỏi, giúp ngủ sâu hơn, nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Dấm có khả năng diệt khuẩn của axit axetic, làm mềm da, giãn nở mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn máu, làm giảm lạnh giá bàn tay bàn chân, làm dịu tay chân khô nứt nẻ, làm tinh thần sảng khoái, nâng cao thể chất và giảm cảm giác ớn lạnh, làm mềm các vết chai sần, khử mùi hôi chân…
Cách thực hiện như sau:
Dùng một lượng nước khoảng 2,5 lít pha với 150 ml giấm trắng, nước ấm ở nhiệt độ thích hợp khoảng 45 độ C. Ngâm chân trong chậu không để ngập mắt cá chân.
Sau khi ngâm được khoảng 5 đến 10 phút cho chân mềm và ấm, có thể mát xa chân để kích thích các huyệt đạo. Nếu nước nguội bớt, có thể cho thêm nước nóng và ngâm khoảng từ 25 đến 30 phút là được. Sau đó lau khô chân và đi tất, giữ ấm chân trong mùa đông.
Các bác sĩ khuyến cáo không nên ngâm quá 30 phút một lần bởi khi ngâm chân, cơ thể sẽ tăng tuần hoàn máu, nhịp tim sẽ nhanh hơn bình thường, lâu quá sẽ hại tim. Nên ngâm chân sau bữa ăn khoảng một giờ và trước khi đi ngủ là tốt nhất.
Ngâm chân với dấm và nước ấm có công dụng tốt nhất với người già. Không nên ngâm chân khi đói, đặc biệt là với những người có cơ thể yếu, vì khi đó máu dồn mạnh xuống chi dưới, làm thiếu máu lên não, gây đau đầu chóng mặt.
Người có tiền sử tim mạch hoặc não cũng cần chú ý, nếu có cảm giác tức ngực chóng mặt nên dừng ngay lại và nghỉ ngơi. Những người bị bệnh ngoài da hoặc chấn thương cũng không nên sử dụng cách này.