Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, nhận định thời tiết cả nước vào tháng 4 năm nay sẽ thay đổi rất thất thường, khó nắm bắt và dự báo đúng như ngạn ngữ phương Tây là "đỏng đảnh như thời tiết tháng tư".
Thời tiết nguy hiểm xuất hiện nhiều nhất năm
Ông Hải nói rằng tháng 4 là tháng giao giữa mùa lạnh sang mùa nóng, giữa mùa xuân sang mùa hè nên xuất hiện nhiều yếu tố không ổn định như thời tiết không lạnh hay nóng hẳn, thay đổi thất thường. Đồng thời, trong bối cảnh biến đổi khí hậu nên cái “đỏng đảnh”, khó nắm bắt của thời tiết càng khốc liệt hơn.
Cụ thể, trong tháng 4, nắng nóng sẽ đến với Tây Nguyên, Tây Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ. Các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá sẽ xuất hiện nhiều ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Không chỉ vậy, thời tiết xấu, biển động có thể xảy ra ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo ông Hải, riêng với TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ, các trận mưa dông trái mùa sẽ dữ dội và nguy hiểm.
Nửa cuối tháng 4 là giai đoạn đầu mùa mưa (mùa mưa thường bắt đầu vào nửa cuối tháng 5 do gió mùa mang lại) ở các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào. Vì vậy, khả năng các đợt mưa, dông, lốc, mưa đá mạnh có tính chất cục bộ sẽ xuất hiện trên diện rộng.
Trong khi đó, tại Hà Nội, thời tiết sẽ thay đổi rất nhanh từ lạnh sang nóng và oi bức chỉ trong một ngày. “Khi có không khí lạnh hay mưa rào, sự thay đổi này sẽ khủng khiếp hơn”, ông Hải nói.
Ông Hải dự báo, trong tháng này, Bắc Bộ sẽ đón 3 đợt rét nàng Bân. Nhiệt độ sẽ giảm đến 10 độ C trong thời gian ngắn. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ tạo nên những tương phản rất lớn kèm theo mưa rào và dông, mưa đá, tố và lốc xoáy.
Kiểu thời tiết gắn với từng mùa giờ không còn quy luật
Vị lãnh đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia còn nói rằng thời tiết tháng 4 năm nay thay đổi thất thường một phần do sự cực đoan của biến đổi khí hậu. Nó làm thay đổi các quy luật vốn có của mùa, những kiểu thời tiết gắn với từng mùa giờ không còn theo quy luật.
Hệ quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam rõ nhất là hạn hán khốc liệt năm 2015, mùa đông không lạnh năm 2016. Ngoài ra, ở nhiều nơi, mùa khô mưa nhiều trong khi mùa mưa lại mưa rất ít, các đợt lũ cũng tương tự.
Ông Hải đưa ra dẫn chứng vào tháng 3/2015, dù đang là mùa khô, nước trên sông Vệ ở Quảng Ngãi về gây ra đợt lũ lớn nhất năm trong khi mùa mưa, lũ lại không về.
Theo ông Hải, hiện nay, nhiều dự báo về hiện tượng El Nino có sự thay đổi so với trước đây. Gần đây nhất, một cảnh báo được đưa ra cho rằng có nhiều khả năng El Nino sẽ quay lại từ giữa tháng 6 đến hết năm 2017. Nó sẽ đi kèm nóng bức và mưa cục bộ. Đây là những yếu tố cực đoan mà tháng 4 năm nay cần đề phòng.
“Hệ quả của El Nino điển hình là trận mưa tại Quảng Ninh vào tháng 7/2015. Đó là một cơn mưa lớn nhưng cục bộ. Trong vòng 10 ngày, lượng mưa tại Quảng Ninh lên đến 1.500 mm, bằng 3/4 tổng lượng mưa một năm của tỉnh (2.000 mm). Điều đó cho thấy sự cực đoan, khủng khiếp của nó như thế nào”, ông Hải nói.
Người có 30 năm kinh nghiệm dự báo thời tiết tâm sự tháng 4 luôn luôn là tháng khó dự báo nhất với đội ngũ những người làm dự báo thời tiết. Sự biến đổi thất thường của thời tiết cho thấy sự khó khăn, thách thức của việc dự báo thời tiết.