Nắng tháng 5, tháng 6, cái nắng khốc liệt, ghê gớm nhất của mùa hè miền Bắc. Mùa này ở quê những năm chưa có điện, lũ trẻ chúng tôi cả ngày chỉ trốn dưới bóng mát của những tán cây xanh hoặc đẵm mình trong dòng nước phù sa mát lạnh mỗi buổi chiều hè.
Nắng tháng 6, cái nắng cua ngoi lên bờ, cua tôm, ốc chết đỏ cả gọng. Nắng tháng 6 cũng không ai xuống đồng để cấy như Trần Đăng Khoa tả trong bài thơ kinh điển năm nào. Hầu hết những người nông dân miền Bắc nếu có cấy, gặt hay làm đồng mùa này, họ sẽ phải chọn những khung giờ mát nhất, từ tờ mờ đất hoặc buổi chiều muộn, khi mặt trời đã lặn.
Nếu đi làm đồng vào khi mặt trời rực lửa, sẽ không ai chịu được cái nắng như thiêu đốt, nhiệt độ như muốn “phá hủy” luôn hệ thần kinh của nhiều người. Nói thẳng ra nhiệt độ này nó đốt mọi thứ, khiến người ta phát điên khùng, ai cũng chỉ muốn ngâm mình dưới nước mát. Sau tắm mát thì đàn ông, trẻ nhỏ ở trần hết. Nhưng tất thảy vẫn bị nắng đốt cho đen nhẻm, rôm sảy khắp cả người.
Tôi còn nhớ trong những đêm mùa hạ, bố tôi bê nhiều chậu nước mát để quanh giường, mong cho lũ trẻ nhà mình ngủ ngon. Mẹ tôi gần như không ngủ suốt đêm, luôn tay quạt phành phạch cho mấy đứa con đang trằn trọc vì mồ hôi túa ra trong cả giấc ngủ mơ.
Bây giờ thì cái nắng cũng bớt sợ những năm tháng khó khăn đó. Hầu hết mọi gia đình cũng đều có điều hòa. Thứ thiết bị rất cần thiết này giúp người dân ngủ được ngon giấc, giúp họ nhanh chóng tái tạo năng lượng đã bị mùa hè làm cho kiệt quệ.
Nhưng trong những ngày nắng nóng rã rời này, cả ngàn y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bắc Giang, Bắc Ninh dù có muốn hưởng cái nắng nóng khắc nghiệt đó cũng không thể được.
Họ phải đối đầu với cường độ làm việc với cái nắng nóng khốc liệt hơn rất nhiều, trong bộ đồ “nuôi ong” kín mít. Bộ đồ như để xông hơi, không thể thoát nhiệt, thậm chí là tích thêm rất nhiều nhiệt lượng từ mặt trời, từ không khí oi nồng, từ chính mồ hôi và cả nước mắt mặn chát của họ.
Họ đang chiến đấu cật lực, gục ngã rồi lại phải đứng lên, quệt mồ hôi, vắt khô những cái áo quần sũng nước để lao vào trận chiến, một trận chiến ai cũng biết cực kỳ khó khăn, nhưng họ, những người lính đang đứng ở tuyến đầu, bắt buộc phải hướng đến một chiến thắng.
Nhiều y bác sĩ đang kiệt sức giữa tâm dịch Bắc Giang |
Họ không được phép để thua, vì đằng sau là gia đình và cả đất nước đang chờ đợi với rất nhiều hy vọng. Ai cũng mong, cũng hy vọng cuộc chiến ở vùng đất vải thiều, vùng đất quan họ sẽ sớm kết thúc.
Nhưng cuộc chiến với Covid này, chúng ta chưa thể thắng, thậm chí cần phải hiểu, đây mới đang là giai đoạn cam go nhất.
Anh rể tôi ở Viện Quân y 10, thành phố Bắc Ninh, mấy chục ngày đã qua anh cùng với hàng trăm đồng đội gần như không ngày nào bỏ được bộ đồ “nuôi ong” kín mít ra khỏi người, để hưởng một cơn gió trời đúng nghĩa. “Anh đã hao 6kg từ đầu dịch đến nay. Hầu như ai cũng vậy. Nhưng vẫn phải chiến thôi”.
Vâng, chiến thôi chứ đâu còn cách nào khác. Nhiều ngày qua, những hình ảnh các y bác sĩ gục xuống, phờ phạc, hốc hác, kiệt quệ dưới cái nắng khốc liệt mùa hè khiến nhiều người ứa nước mắt.
Hôm nay một bác sĩ đang chỉ huy trên “phòng tuyến” Núi Hiểu, huyện Việt Yên, Bắc Giang nhắn với đồng nghiệp của mình: “Bọn anh đang cố làm cho xong. Quân của anh gục hết rồi”.
“Quân của anh gục hết rồi”… Bạn có quay đi đâu đó, giấu đôi mắt của mình không? Tôi cũng đã làm như vậy khi đọc cái tin nhắn ngắn ngủi này. Tôi tin đó là thực tế rất khốc liệt mà những người lính ở tuyến đầu đang thực sự phải đối mặt.
Nhưng tôi cũng tin, đây chỉ là một tin nhắn trong giây phút yếu lòng nhất của người chỉ huy vì thương lính của mình. Đã ra trận, khi trận chiến chưa kết thúc thì bằng giá nào, họ cũng vẫn sẽ cố gắng đứng lên như những lần chiến đấu kiên cường khác.
Những hình ảnh nhói lòng của y bác sĩ ở vùng dịch Bắc Ninh |
Những ngày cuối tháng 5, nhiều cánh quân ở khắp nơi đang kéo về chi viện cho vùng “hỏa tuyến” Bắc Ninh, Bắc Giang. Có cả những cô cậu sinh viên đã xung trận như những thanh niên xung phong thủa nào.
Họ về đây để chia bớt cái “nắng vỡ đầu”, trong bộ đồ “nuôi ong” ngộp thở, để những đồng đội đã sắp kiệt sức ở đây được nghỉ ngơi đôi chút.
Nhìn những “chiến lũy” được dựng lên để ngăn đường, quây chặt khu phố trong những ngày hè bỏng lửa tại Bắc Ninh, Bắc Giang thực lòng thấy thương nhiều quá. Thời bình mà có những tháng ngày Việt Nam của tôi, của bạn vất vả, khó khăn đến mức này.
Nhưng tôi tin rằng, với những người con ưu tú của đất nước đang cật lực chiến đấu ở đây, chúng ta sẽ sớm vượt qua.
Cái nắng dù khốc liệt đến mấy cũng chưa bao giờ làm khó được người Việt Nam, trong mọi cuộc chiến.