Chỉ 3 điểm/môn vẫn có thể đi học sư phạm
Vừa qua, trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh đã công bố mức điểm chuẩn các ngành, đáng chú ý như ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ Văn chỉ lấy mức điểm chuẩn là 9,0 ( điểm thi TH PTQG).
Thông báo trúng tuyển đợt 1 của CĐ Sư phạm Bắc Ninh. Ảnh: Infonet |
Tương tự, CĐ Sư phạm Lào Cai lấy điểm trúng tuyển hệ chính quy là 9,5. CĐ Sư phạm Hà Nam, Hải Dương có điểm chuẩn của tất cả ngành học là 10.
Không chỉ bậc cao đẳng có điểm chuẩn "lẹt đẹt", ở đại học, không hiếm trường sư phạm lấy điểm trúng tuyển ngang điểm sàn của Bộ GD&ĐT.
Trong đó, ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ Sư phạm Mầm non.
ĐH Sư phạm Thái Nguyên lấy điểm chuẩn nhiều ngành như Sư phạm Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Âm nhạc là 15,5.
Đây cũng là điểm chuẩn vào nhiều nhóm ngành của ĐH Vinh và ĐH Tây Nguyên.
3 điểm/môn "là thảm họa của ngành giáo dục"
Trao đổi với báo Infonet về vấn đề này, GS-TS Đinh Quang Báo cho biết:
"Đó là thảm họa của ngành giáo dục. Bởi lẽ, theo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển thì giáo viên chính là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của một quốc gia.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo viên phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đầu vào cũng như quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Để đào tạo một giáo viên có năng lực và phẩm chất tốt thì chất lượng đầu vào phải tốt.
Khi chúng ta lấy điểm đầu vào quá thấp thì chắc chắn sẽ không một cơ sở đào tạo nào có thể đào tạo được những giáo viên có chất lượng.
3 điểm/môn là đỗ ngành sư phạm là điều không thể chấp nhận. Theo tôi được biết, có những trường sư phạm còn không có thí sinh đăng ký. Nếu đầu vào quá thấp như thế thì chúng ta không nên đào tạo nhất là khi giáo viên chúng ta còn thất nghiệp nhiều mà cứ đào tạo chất lượng thấp như vậy chỉ tạo thêm cho xã hội gánh nặng."
GS-TS Đinh Quang Báo-nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Infonet |
Trong khi đó, TS Vũ Thu Hương- Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng:Mức điểm trúng tuyển vào ngành chỉ hơn 3 điểm một môn ở hệ cao đẳng và bằng điểm sàn với hệ đại học là điều đáng suy ngẫm, lo ngại so với trình độ dân trí hiện tại.
“Với những ngành có điểm chuẩn quá thấp, chất lượng giáo dục không thể cao. Tôi từng gặp những sinh viên sư phạm không biết ký hiệu hóa học của các nguyên tố đơn giản như sắt (Fe), đồng (Cu), nói Nguyễn Huệ là vua cuối cùng của nhà Nguyễn hay đinh ninh vận tốc của ôtô là 5m/h… “, bà Hương chia sẻ với Zing news.
Giải pháp nào để thu hút thí sinh chọn ngành sư phạm?
Là một người lâu năm trong ngành, lại có kinh nghiệm quản lý đầu ra, GS-TS Báo có những băn khoăn trăn trở trước thực trạng của ngành hiện nay:
"Hiện tại, có thể nói đầu vào ngành sư phạm không thu hút được thí sinh có điểm số cao. Hay nói cách khác, thí sinh có điểm cao đang quay lưng với sư phạm.
Để nâng cao chất lượng giá dục trong tương lai chúng ta phải có những giải pháp đột phá để thu hút thí sinh giỏi. Bên cạnh đó chúng ta phải có giải pháp để điểm chuẩn ngành sư phạm phải thuộc top cao nhất trong các ngành.
Đầu tiên, chế độ đãi ngộ phải tốt để giáo viên sống thoải mái bằng lương. Hơn nữa, sinh viên trường sư phạm ra trường phải đảm bảo cho các em có việc làm như khối ngành công an, quân đội.
Trước mắt, khi chúng ta chưa có chế độ đãi ngộ cao thì phải khẩn trương thực hiện quy hoạch đào tạo và sử dụng giáo viên để việc đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng, không đào tạo quá nhiều dẫn đến dư thừa trầm trọng như hiện nay. Có như vậy chúng ta mới thực hiện được chiến lược “đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu”.