Mức lương tối thiểu: Cách tính vẫn xa rời thực tế

Trải qua hai phiên đàm phán, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 trung bình 5,5%. Theo tính toán, mức này được cho là sẽ đáp ứng 100% nhu cầu sống của người lao động. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chính sách lại cho rằng, cách tính mức sống tối thiểu hiện nay đang thấp hơn thực tế.
Mức lương tối thiểu: Cách tính vẫn xa rời thực tế
ảnh 1Lao động ngành may phải tăng ca liên tục để đảm bảo cuộc sống

Thu không đủ chi

Năm 2019, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng trung bình 5,3% (tăng từ 160.000 - 200.000 đồng/tháng), với mức tăng này, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động được đáp ứng khoảng 95%. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát thực tế về tình hình tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động  từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những năm gần đây, thu nhập của người lao động đã có chút cải thiện nhưng đa số vẫn gặp khó khăn.

Dẫn số liệu về mức chi tiêu trung bình của người lao động năm 2018, ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, mức chi trung bình của 1 người lao động trong năm 2018 là 7,38 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền lương cơ bản mà doanh nghiệp trả người lao động (nếu làm đủ ngày, giờ công) trung bình là 4,67 triệu đồng/tháng. Nếu tính thêm các khoản tiền làm thêm giờ, chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác thì tổng thu nhập trung bình của người lao động năm 2018 là gần 5,53 triệu đồng/tháng. Như vậy là “thu không đủ chi”.

Nếu không có biến động về việc làm thì có 32,1% người lao động cho biết sẽ dành lại được một khoản tiền tiết kiệm trung bình 1,5 triệu đồng/tháng từ lương và thu nhập. Nhưng có tới 43,7% người lao động cho biết thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% không đủ sống.

Trong nghiên cứu với chủ đề “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” do Viện Công nhân công đoàn và tổ chức Oxfam thực hiện tại một số doanh nghiệp dệt may (thuộc 5 tỉnh, thành phố) khẳng định, tình trạng vay nợ xảy ra khá phổ biến với công nhân may. 37% công nhân được phỏng vấn cho biết, họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng. Họ vay gối nhau, vay tháng này, tháng sau trả.

Không thể tái tạo sức lao động

Theo quy định của pháp luật, việc làm thêm là tự nguyện và người lao động phải ký vào đơn tự nguyện làm thêm. Nhưng trên thực tế, “tự nguyện” làm thêm là việc cực chẳng đã. Nếu lương đủ sống, không người lao động nào lại muốn làm thêm giờ cả. 

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp có chi trả lương cho người lao động trên mức lương tối thiểu vùng, song thực tế đời sống của người lao động vẫn chồng chất khó khăn. Họ phải dốc sức làm thêm, sống tằn tiện mới đủ trang trải. Có những công nhân phải thuê trọ trong các căn phòng chỉ 10m2 kê vừa đủ cái giường, nhưng cũng phải ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ. Nhiều người lựa chọn làm thêm cả ngày lẫn đêm chỉ để đỡ được bữa ăn, đỡ tiền điện ở nhà và để tránh nóng. 

Nhìn nhận thực tế tiền lương không đủ sống, công nhân phải “bào mòn” sức khỏe để tăng ca, làm thêm giờ, bà Văn Thị Thu Hà - đại diện nhóm nghiên cứu “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” cho rằng, thực tế mức lương của công nhân lao động đang rất thấp, đặc biệt lương của lao động ngành dệt may thì… cực thấp. Theo một khảo sát đối với nhóm công nhân ngành dệt may, có tới 69% công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt; 68% hiếm khi có thời gian rảnh để đi thăm bạn bè, người thân; 53% không có đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh và thuốc men, không dám đi khám bệnh; 96% không bao giờ hoặc rất hiếm khi đi ăn hàng. Tình trạng lương thấp, không đủ sống buộc công nhân phải thường xuyên tăng ca, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ.

Cần một cơ quan độc lập để xác định mức sống tối thiểu

Bàn về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, Tiến sỹ Đỗ Quỳnh Chi (Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động) - một chuyên gia độc lập về tiền lương chia sẻ, cần phân biệt 2 loại “mức sống tối thiểu” gồm: Mức sống tối thiểu để tồn tại và mức sống tối thiểu cơ bản đủ sống. Cơ quan quản lý nhà nước cần phân biệt giữa 2 mức này. Nếu tính lương theo mức sống tối thiểu để tồn tại thì về lâu dài sẽ làm nhân rộng đói nghèo, tăng khoảng cách thu nhập giữa các nhóm xã hội. Việc xây dựng một lộ trình nâng mức lương tối thiểu lên mức lương đủ sống có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong việc cải thiện đời sống của người lao động mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội, đảm bảo công bằng xã hội. 

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, những mâu thuẫn về việc điều chỉnh lương tối thiểu đều xuất phát từ cách xác định mức sống tối thiểu. Hiện nay chưa có cơ quan chính thức được pháp luật quy định có thẩm quyền nghiên cứu và công bố mức sống tối thiểu của người lao động mà nhiệm vụ này đang được giao cho bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia tính toán để tham khảo. Kết quả tính toán này thường không dễ được các bên chấp nhận và mỗi bên sẽ lập luận để đưa ra một con số khác nhau. Trong bối cảnh đất nước bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, các chuyên gia về tiền lương cho rằng, cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi cho nên nhu cầu sống tối thiểu cũng sẽ phải thay đổi. Quốc gia càng phát triển, nhu cầu sống tối thiểu càng cao. Ví dụ, hiện nay xem truyền hình, dùng Internet, điện thoại động,… phải được coi là mức sống tối thiểu. Muốn đạt được như vậy, cần thay đổi phương pháp tính toán mức sống tối thiểu ở Việt Nam. 

Phương pháp tính của Việt Nam được áp dụng từ 10 năm trước và không còn phù hợp với nhu cầu cuộc sống, trình độ phát triển hiện nay. 

Theo An ninh Thủ đô
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Ban lãnh đạo Viettel chúc mừng đồng chí Cao Anh Sơn và đồng chí Nguyễn Đạt được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
(Ngày Nay) - Sáng 2/11, tại Văn phòng Quân ủy Trung ương, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quyết định số 420/QĐĐ-BQP và Quyết định số 468/QĐĐ-BQP ngày 1/11/2024 về việc bổ nhiệm cán bộ cho Thượng tá Cao Anh Sơn và Trung tá Nguyễn Đạt giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.
Đường sắt Việt Nam tiếp tục xảy ra sự cố tàu hoả trật bánh
(Ngày Nay) - Ngày 1/11/2024, trên tuyến đường sắt vào ga Hải Vân Nam (TP. Đà Nẵng) tiếp tục xảy ra vụ trật bánh tàu khiến 3 toa hàng lật, gây ách tắc đoạn tuyến qua đèo Hải Vân. Trước đó, đường sắt Việt Nam đã liên tiếp xảy ra nhiều sự cố tương tự, mà các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cần xem xét về yếu tố chất lượng, niên hạn toa tàu, nhất là toa tàu hàng.