Mưu sinh trên mảnh đất "vàng" Thủ Thiêm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chiều tà, ông Tám “rà sắt” và con trai vẫn cặm cụi lượm từng thanh kim loại vụn trên chính mảnh đất từng là nơi chôn nhau cắt rốn, giờ đã thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM).
Ông Tám "rà sắt" mưu sinh trên chính nơi mình chôn nhau cắt rốn.
Ông Tám "rà sắt" mưu sinh trên chính nơi mình chôn nhau cắt rốn.

Lượm sắt vụn trên vùng đất hàng tỷ đô la

Tám “rà sắt” – cái tên thân mật mà những người hàng xóm mới ở Q.4 - gọi là mới nhưng thực ra cũng tối lửa tắt đèn có nhau đã gần 20 năm - đặt cho người đàn ông ngoài cái tuổi lục tuần làm nghề lượm sắt vụn.

Giữa những đại công trình xây dựng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, người ta không khó để bắt gặp hình ảnh người đàn ông gầy gò với nước da sạm màu nắng gió, gương mặt hằn lên những cơ cực ở cái tuổi xế chiều.

Trong bộ quần áo lấm lem bùn đất, luôn mang theo một cái cuốc, một cái xà beng và thiết bị dò kim loại, ông Tám lang thang trên khắp các bãi đất vừa san lấp để tìm từng mảnh sắt vụn còn sót lại.

Trời Sài Gòn những ngày cuối năm nắng nhẹ, tiết trời man mát nên ông Tám tranh thủ ăn cơm trưa với một khúc cá đồng mang theo từ nhà rồi quay lại nhặt sắt vụn. Xế chiều, nương mình theo bóng đổ của toà nhà cao tầng bên cạnh Đại lộ Vòng Cung, anh Thuận - con ông Tám tranh thủ ngả lưng ngay tại “nơi làm việc”.

Nghỉ tay trong chốc lát để trò chuyện với tôi, ông Tám thoạt tiên cũng rụt rè rồi ngập ngừng như cái vốn chân chất của một người dân quê vậy. Nhưng rồi mọi thứ cũng nhanh chóng được xua tan bằng câu chuyện về quãng thời gian điều trị ở bệnh viện dã chiến.

“Chú với cái thằng đó (anh Thuận – PV) mới hết bệnh, bây giờ khoẻ rồi nên đi làm lại. Nhà 6 người mà có 3 người bị bệnh. Chú cách ly ở bệnh viện dã chiến đó đó (Chung cư tái định cư Bình Khánh – PV)”, ông Tám không có vẻ gì là lo lắng khi kể về thời gian điều trị do nhiễm Covid-19.

Mưu sinh trên mảnh đất "vàng" Thủ Thiêm ảnh 1

Đôi bàn tay của người lao động nghèo.

Rồi ông kể về gia đình mình. Hai vợ chồng có với nhau 6 mặt con. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, những người con lớn dọn ra ở riêng. Hiện ông và vợ đang sống cùng hai người con và hai đứa cháu ngoại trong căn phòng trọ bên Q.4. Đều đặn mỗi ngày, ông Tám và anh Thuận di chuyển về khu vực bến phà Thủ Thiêm cũ để tìm sắt vụn.

Thời gian trước, mỗi ngày hai cha con kiếm được trên dưới 30kg sắt thép nhưng bây giờ được 20 - 25kg đã là mừng. Cuối ngày, ông Tám mang sắt bán lại cho các vựa, mỗi ký có giá chừng 7.000 – 8.000 đồng. Thu nhập như thế chỉ đủ nuôi sống mấy miệng ăn từng ngày chứ không dám nghĩ gì đến việc tích cóp.

Anh Thuận đã ngoài 30 nhưng vì hoàn cảnh nên không có cơ hội tìm được một công việc ổn định hơn để phụ giúp gia đình. Thế nên, hằng ngày anh phải “lang thang” ở nơi này.

Anh có vẻ ngại khi nghe tôi nhắc đến “người dân Thủ Thiêm”!

Mưu sinh

Đổ dốc cầu Thủ Thiêm 1 (hướng từ Q.Bình Thạnh về TP Thủ Đức) rẽ về bên phải vào khu chức năng số 3, số 4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm – nơi những lô đất tỷ đô la vừa được đấu giá, từ các chú bảo vệ đến chị bán nước công trình hay cả những người thợ xây đều biết đến sự hiện diện của ông Tám và con trai.

“Hỏi ông Tám ‘gà sắt’ (phương ngữ của người miền Tây, là rà sắt – PV) thì ai cũng biết à”, ông Tám cười nói!

Nhưng có một điều ít người được rõ, ông Tám là dân Thủ Thiêm chính gốc, sinh ra và lớn lên trên bán đảo này cho đến năm 2004 phải rời đi.

Vì phải bận mưu sinh nên câu chuyện đành dang dở! Ông hẹn tôi sang nhà trọ để có thể kể chuyện nhiều hơn cũng như biết hoàn cảnh gia đình hiện tại.

Mưu sinh trên mảnh đất "vàng" Thủ Thiêm ảnh 2

Căn phòng chật chội nơi gia đình ông Tám sinh sống ở Q.4

Ông không có điện thoại di động, anh Thuận mua được một cái đời cũ nhưng tài khoản cũng không có tiền nên anh cũng chẳng mang theo trong người làm chi, đến số anh còn nhớ trước quên sau.

Tìm theo địa chỉ ông Tám nói, tôi đến khu vực Bến Vân Đồn. “Đi đòi nợ hả?”, một người dân đầu hẻm nhỏ dưới chân cầu gặng hỏi khi tôi hỏi thăm ông Tám “rà sắt”.

Ở cuối con hẻm ấy là khu nhà trọ xập xệ dành cho lao động nghèo. Trong căn phòng chừng 12m2 chất đầy đồ đạc nhưng toàn những thứ ít giá trị, chỉ mỗi cái tủ lạnh nhỏ là đáng giá, ông Tám và người thân cùng tập giấy tờ đã hàng chục năm tuổi đang đợi sẵn.

“Không thoả đáng” – là lời vợ chồng ông Tám thốt lên khi nhắc lại câu chuyện đền bù giải toả cách đây gần 20 năm.

Vào năm 1996, hai vợ chồng mua lại miếng đất rộng hơn 38m2 ở khu Thủ Thiêm từ một người quen với giá 10 triệu đồng (đây là thời điểm Quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt) và sinh sống ổn định trong những năm sau đó.

Ở giai đoạn 1996 – 2008, TP tiến hành giải toả toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm với hơn 14.000 hồ sơ nhà, đất phải di dời và tài sản của gia đình ông Tám nằm trong số đó.

Trong bảng chiết tính đơn giá bồi thường do Trưởng ban bồi thường giải toả mặt bằng ký gửi năm 2007, diện tích đất nhà ông Tám chỉ còn lại 28,6m2 bởi hơn 9m2 là hẻm thuộc sở hữu nhà nước. Giá trị bồi thường khi đó là 1.950.000 đồng/m2. Tổng số tiền gia đình ông Tám nhận được (nếu đồng ý) là hơn 54 triệu đồng.

Hơn một năm sau, năm 2008, UBND Q.2 tiến hành bố trí nhà tái định cư (cũ) 47m2 cho gia đình ông Tám, đơn giá nhà không kinh doanh là 3.960.000 đồng/m2 (gấp đôi giá đền bù năm 2007). Tổng giá trị căn hộ là hơn 186 triệu đồng. Nếu nhận nhà, ông Tám phải đóng thêm hơn 132 triệu đồng nữa.

Không có tiền đóng thêm, gia đình ông Tám phải nhận tiền ra đi, như nhiều hộ dân khác ở Thủ Thiêm!

"Nhận tiền cũng có được nhận một lần đâu, họ chia nhỏ ra từng đợt. Nhiêu đó mang về trả nợ này kia cũng hết. Giờ nghe kể đấu giá ngàn tỷ đồng thật sự không biết nói gì và cũng không dám nói gì nữa... Mới đó mà chuyện cũng qua gần 20 năm rồi....", vợ ông Tám nghẹn giọng.

Kể từ khi không còn nhà cửa, không còn tư liệu sản xuất, gia đình ông Tám dắt díu nhau đi nơi khác, sống lay lắt qua ngày cho đến tận hôm nay!

Ông Tám “rà sắt” tên thật là Trần Văn Hoàng, sinh năm 1960, đang tạm trú ở khu vực P.1, Q.4, TP.HCM. Hình ảnh gia đình ông Tám sống tạm bợ trong căn nhà trọ và phải mưu sinh bằng nghề lượm sắt vụn trên những lô đất tỷ đô la là sự tương phản cho những gì đã và đang diễn ra ở Thủ Thiêm!

Ngày 10/12, TP.HCM hoàn tất buổi đấu giá 4 lô đất "vàng" trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích hơn 30.000m2 với số tiền hơn 37.000 tỷ đồng, cao gấp 7 lần so với giá khởi điểm 5.300 tỷ đồng. Tính bình quân mỗi m2 đất ở đây có giá hơn 1,24 tỷ đồng.


Cụ thể: Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây sốc khi đưa ra con số 24.500 tỷ đồng để thắng lô ký hiệu 3-12, rộng hơn 10.000m2, gấp 8,3 lần giá khởi điểm là 2.942 tỷ đồng.


Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh thắng lô ký hiệu 3-9 diện tích hơn 5.009m2 với mức giá 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần giá khởi điểm hơn 728 tỷ đồng.


Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô ký hiệu 3-8 rộng hơn 8.500m2 với mức 4.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với giá khởi điểm hơn 1.000 tỷ đồng.


Công ty Cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô có ký hiệu 3-5 diện tích 6.446m2 với giá 3.820 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần so với giá khởi điểm hơn 578 tỷ đồng.


Trong khi vào thời điểm bồi thường giải toả mặt bằng, số tiền đền bù cho đất nông nghiệp chỉ 150.000 - 200.000 đồng mỗi m2. Đất thổ cư từ khoảng 1,9 triệu đồng/m2 và cao nhất trong những năm tiếp theo khoảng 18 triệu đồng/m2.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.