TP.HCM vừa hoàn tất đấu giá 4 lô đất "vàng" Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích hơn 30.000m2 tại Khu dân cư phía Bắc với số tiền hơn 37.000 tỷ đồng, cao gấp 7 lần so với giá khởi điểm 5.300 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp trúng đấu giá thực sự với giá cao hơn giá khởi điểm gấp nhiều lần đã khiến dư luận đặt nhiều hoài nghi về tiềm lực cũng như khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Cũng bởi, có công ty chỉ mới thành lập được vài tháng với vốn điều lệ ban đầu "hạn chế".
Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã từng trúng đấu giá khu đất ở trung tâm TP.HCM rồi xin hủy kết đấu giá hoặc kết quả đấu giá có những bất thường là không hiếm. Hoặc, đã từng có doanh nghiệp “chây ì” nộp tiền theo tiến độ khiến cơ quan chức năng buộc phải ra “tối hậu thư” để đòi nợ không còn là chuyện lạ.
Những chiêu trò của từng “bước giá”
Luật sư Đào Kim Lân (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, theo quy tắc đấu giá, người trúng đấu giá cao nhất sẽ có thời gian nộp tiền trúng đấu giá theo quy định của từng thương vụ. Nếu trong thời hạn, người trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ thì tự mình từ bỏ quyền lợi đã trúng đấu giá.
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức trúng đấu giá cao nhất sẽ còn bị mất tiền cọc nếu không thực hiện đúng theo nghĩa vụ đã cam kết. Sau đó, lô đất sẽ được ưu tiên cho người ra giá liền kề trúng đấu giá theo quy định. Rõ ràng về mặt nguyên tắc đấu giá, người sau phải trả mức giá cao hơn người trước.
Luật sư Lân nhận định, do chưa nắm hồ sơ về buổi đấu giá, nên chưa thể bình luận nhiều về việc có hay không sự “khó hiểu” giữa người trúng đấu giá cao nhất với người ra giá liền kề. Mặc khác, những người tham gia đấu giá phải luôn đưa ra mức giá hợp lý và sát với người ra giá liền kề để tối đa hóa lợi nhuận. Trong đấu giá, cũng có những trường hợp đưa ra bước giá bất thường để “gian lận” là không tránh khỏi.
Khi xác định kết quả đấu giá có gian lận, cơ quan chức năng sẽ đưa ra quyết định hủy kết quả đấu giá. Trong đó, có thể sai về thủ tục hành chính, liên quan đến các vấn đề dân sự… Nếu xác định những trường hợp “bắt tay” với nhau để làm giá, hạ giá hoặc đưa giá lên cao để trục lợi thì có thể bị xử lý hình sự. Tùy theo nội dung đấu giá, có những “chân gỗ” để làm giá để “đè” hoặc “đẩy” mức giá để triệt hạ đối thủ khác là bình thường.
Luật sư Đào Kim Lân đưa ra ví dụ, có nhiều người tham gia đấu giá, các bước giá sẽ là 100, 110, 120....tuy nhiên để “triệt” đối thủ trả 130, “chân gỗ” sẽ thổi lên cao bất thường là 300. Thế thì, người đưa ra mức giá 110 sẽ không còn cơ hội kêu giá 130 mà chỉ có thể bỏ cuộc hoặc kêu 310. Sau đó, người trúng mức giá 300 sẽ viện cớ gì đó để không mua và chấp nhận mất tiền cọc. Do vậy, đồng bọn sẽ trúng mức giá liền kề là 120.
Còn 1 chiêu nữa là các “chân gỗ” sẽ dàn xếp, kể cả hù dọa cho không còn ai tham gia đấu giá và chỉ còn người của “phe ta”. Thế là chỉ cần đấu lên 1 bước giá là mua được mà thậm chí không ai “đấu” để lần sau phải hạ giá sàn. Để làm rõ được vấn đề, các cơ quan chức năng chỉ cần đối chiếu, so sánh giữa giá cao nhất và cao nhì xem chênh lệch thế nào.
Ngoài ra, cần xem mối quan hệ của các cá nhân, tổ chức tham gia buổi đấu giá này. Nếu có căn cứ xác định bất thường của cuộc đấu giá thì kết quả sẽ bị hủy và thực hiện lại việc đấu giá.
Doanh nghiệp đấu giá càng cao, càng có lợi cho ngân sách nhà nước
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) lạc quan với kết quả đấu giá 4 lô đất vàng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã khẳng định lãnh đạo TP.HCM quyết tâm làm thật và đấu giá thật, đứng về phía ngân sách và về phía cuộc sống của người dân. Đấu giá giả có trăm nghìn phương pháp. Có thể tổ chức “quân xanh, quân đỏ”, tổ chức sân sau… Nếu thực sự như thế thì không có kết quả tốt như vậy được.
Tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp chứng minh được năng lực thực hiện của doanh nghiệp đối với dự án. Trong việc giao đất để triển khai dự án thì chắc chắn có thời hạn để thực hiện dự án đó. Trong hồ sơ thầu cũng đã đầy đủ thông tin về các lô đất đưa ra đấu giá, gồm: Hệ số sử dụng đất, được xây công trình gì, công năng ra làm sao, công trình bao nhiêu tầng…
Cận cảnh lô đất vàng khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh minh họa). |
Việc nộp tiền có quy định theo từng giai đoạn. Nếu doanh nghiệp trúng đấu giá vi phạm thì sẽ bị phạt, cụ thể: Tiền cọc, lãi suất… Hoặc nếu vi phạm nghĩa vụ tài chính ở mức độ cao hơn sẽ bị mất luôn phần tiền đã thanh toán trước đó. Đến thời hạn, nhà nước có quyền thu hồi đất để tiếp tục thực hiện việc đấu giá lại theo quy định. Đối với những doanh nghệp tham gia đấu giá
Luật sư Bùi Quang Nghiêm đưa ra giả thuyết liên quan đến việc đền bù thỏa đáng cho người dân ở những khu đất đang bị khiếu nại thì không phải vì quyền lợi người dân chưa đảm bảo mà phải dừng lại việc đấu giá và chuẩn bị thực hiện dự án. Đó là việc cản trở đến ngân sách và phát triển của thành phố.
Trên thực tế, đất ở Thủ Thiêm đã được giải tỏa nhưng người dân chưa đồng ý với mức giá được đền bù. Lô đất nếu có chỉ xảy ra khiếu nại giữ chủ cũ và nhà nước thì sẽ được giải quyết bằng hành chính hoặc theo con đường tư pháp.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm nhận xét, chúng ta không nên quá lo lắng về kết quả đấu giá doanh nghiệp trúng ở mức cao vì doanh nghiệp bỏ giá cao sẽ càng có lợi cho ngân sách nhà nước.