Tiềm lực của 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - TP.HCM vừa hoàn tất đấu giá bốn lô đất "vàng" với tổng diện tích hơn 30.000m2 tại Khu dân cư phía bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng số tiền hơn 37.000 tỷ đồng, cao gấp 7 lần so với giá khởi điểm 5.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dư luận đặt nhiều hoài nghi về tiềm lực cũng như khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp trúng đấu giá. Bởi có công ty chỉ mới thành lập được vài tháng với vốn điều lệ ban đầu "hạn chế" và trong quá khứ cũng đã từng có công ty “chây ì” nộp tiền buộc TP phải ra “tối hậu thư” đòi nợ!

Tiềm lực của 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm? ảnh 1

Các lô đất đấu giá thuộc Khu chức năng số 3, Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh trực tiếp đấu giá

Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất có ký hiệu 3-12 với mức giá cao ngất ngưỡng là 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá khởi điểm là 2.942 tỷ đồng.

Công ty này được thành lập vào ngày 20/4/2016 với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, do hai cổ đông sáng lập góp vốn là ông Nguyễn Mạnh Hùng 70 tỷ đồng và Đỗ Trung Kiên 30 tỷ đồng.

Đến tháng 12 cùng năm, Ngôi Sao Việt tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Mạnh Hùng sở hữu 1.500 tỷ đồng.

Sau nhiều lần thay đổi, đến tháng 9/2021, Ngôi Sao Việt rơi vào tay hai cổ đông mới là Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Hoàng Hải Phú Quốc với vốn góp hơn 308 tỷ đồng và ông Lê Mạnh Dũng gần 1.300 tỷ đồng.

Ngôi Sao Việt là cái tên còn khá mới trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đây là một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Bất động sản Tân Hoàng Minh. Trong phiên đấu giá ngày 10/12, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh là người trực tiếp tham gia đấu giá và giành phần thắng với số tiền như đã nêu.

Trong quá khứ (2015), Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng trúng đấu giá lô đất tại số 23 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM), có diện tích khoảng 3.000m2 với giá 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm là 550 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi TP.HCM phê duyệt kết quả đấu giá thì Tân Hoàng Minh lại có văn bản đề nghị hủy kết quả rồi lại đề nghị được mua.

UBND TP.HCM phải phát "tối hậu thư" thì Tân Hoàng Minh mới vội chuyển toàn bộ số tiền trúng đấu giá khu đất vàng này vào Kho bạc Nhà nước TP để chính thức sở hữu đất vàng 23 Lê Duẩn.

Tiềm lực của 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm? ảnh 2

Để thực hiện KĐTM Thủ Thiêm, TP giải toả hơn 14.000 hồ sơ nhà đất.

Công ty Bình Minh mới thành lập gần 3 tháng

Lô đất có ký hiệu 3-9 diện tích hơn 5.009m2 có mức giá khởi điểm hơn 728 tỷ đồng. Phiên này có 140 lượt trả giá và doanh nghiệp trúng đấu giá là một cái tên khá bí ẩn - Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh với số tiền 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần so với giá ban đầu.

Thông tin về công ty này khá hạn chế. Đại diện Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm cho hay, đến nay vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ Trung tâm đấu giá nên chưa thể cung cấp thêm thông tin về công ty trúng đấu giá này.

Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh có địa chỉ ở phố Yên Phụ, P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, Hà Nội do bà Thân Thị Liên (SN 1992) làm Giám đốc.

Công ty này đăng ký thành lập vào ngày 24/9/2021 với tổng vốn điều lệ là 100 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là “Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính”.

Hơn hai tháng sau (12/2021), Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh tăng vốn lên 200 tỷ đồng, đồng thời thay đổi ngành nghề kinh doanh sang “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.

Liên hệ qua điện thoại theo thông tin đăng ký kinh doanh, một người phụ nữ nhận là Giám đốc, xác nhận với Phóng viên rằng: “Đúng là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh vừa trung đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm”. Tuy nhiên, người này sau đó từ chối cung cấp thêm thông tin.

Thật khó lý giải vì sao một doanh nghiệp mới thành lập với tiềm lực tài chính như trên lại “mạnh dạn” đưa ra con số hơn 5.000 tỷ đồng để sở hữu lô đất “vàng” ở Thủ Thiêm?!

Tiềm lực của 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm? ảnh 3

Tổng số tiền đấu giá hơn 37.000 tỷ đồng, cao gấp 7 lần so với giá khởi điểm 5.300 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Sheen Mega có tiềm lực ra sao?

Lô đất thứ 3 được đấu giá thành công có ký hiệu 3-8 rộng hơn 8.500m2, giá khởi điểm là hơn 1.000 tỷ đồng. Sau 67 lượt trả giá của các doanh nghiệp tham gia, Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá với mức 4.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với giá khởi điểm.

Công ty cổ phần Sheen Mega có địa chỉ tại P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM được thành lập ngày 20/11/2019 với vốn điều lệ là 500 tỷ đồng, do bà Nguyễn Thị Huyền (SN 1985) làm Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Các cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Ngọc Hiếu góp 125 tỷ đồng, Đặng Thị Hồng Hạnh góp 50 tỷ đồng và Nguyễn Thị Huyền 325 tỷ đồng.

Ngành nghề hoạt động chính của doanh nghiệp này là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Công ty cổ phần Sheen Mega là một cái tên khá mới trên thị trường bất động sản TP.HCM. Một vài thông tin thể hiện Sheen Mega có mối liên hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tiềm lực của 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm? ảnh 4

Bán đảo Thủ Thiêm nhìn từ trên cao - Ảnh: Dân Trí

Công ty Dream Republic do doanh nhân gốc Hoa đứng đầu

Công ty Cổ phần Dream Republic là doanh nghiệp trúng đấu giá lô đất có ký hiệu 3-5, diện tích 6.446m2 với giá 3.820 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần so với giá khởi điểm hơn 578 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này hiện đặt trụ sở tại P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM, thành lập ngày 4/10/2017 với vốn điều lệ là 300 tỷ đồng do nữ doanh nhân gốc Hoa Trần Thị Mộng Linh (SN 1979) làm Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Ngành nghề hoạt động chính của công ty này là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Ba cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Dream Republic là ông Đặng Minh Thắng góp 90 tỷ đồng, Trương Ích Quốc góp 90 tỷ đồng và Trần Thị Mộng Linh góp 120 tỷ đồng. Được biết, doanh nhân Đặng Minh Thắng đang đảm trách nhiều pháp nhân trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Theo quy định, các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải nộp trước số tiền tương ứng 20% so với giá khởi điểm tài sản đấu giá. Trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để đảm bảo thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Theo đó:


1/ Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt phải nộp trước số tiền hơn 588 tỷ đồng.


2/ Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh phải nộp trước số tiền hơn 145 tỷ đồng.


3/ Công ty cổ phần Sheen Mega phải nộp trước số tiền hơn 203 tỷ đồng.


4/ Công ty Cổ phần Dream Republic phải nộp trước số tiền hơn 115 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?
Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.