Ông Trump muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng lại vừa quay lưng với một thỏa thuận tương tự nhằm kiềm chế Iran thực hiện tham vọng hạt nhân.
Đối với những người phản đối, việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận này sẽ chỉ chứng tỏ với Triều Tiên rằng không thể tin Mỹ trong bất kỳ thỏa thuận nào. Nhưng ông Trump tin rằng việc hủy bỏ nó sẽ chứng tỏ ông ấy là người giữ lời hứa.
Tín hiệu từ ông Trump rất rõ ràng: Sau khi những phản ứng ban đầu bớt đi, ông ấy sẽ đánh cược với việc Iran trở lại bàn đàm phán. “Hành động hôm nay gửi đi một thông điệp quan trọng: Mỹ không còn đưa ra những lời đe dọa trống rỗng nữa. Khi tôi hứa, tôi sẽ giữ lời”, ông Trump nói.
Mỹ đã xây dựng một liên minh toàn cầu để triển khai các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Triều Tiên, những biện pháp mà chính quyền Mỹ tin là chìa khóa khiến Bình Nhưỡng phải thay đổi thái độ sang sẵn sàng đàm phán từ bỏ vũ khí hạt nhân. Không phải ngẫu nhiên mà ông Trump đưa ra tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang trên đường đến Bình Nhưỡng để lên kế hoạch chi tiết cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Quyết định của ông Trump thể hiện cách tiếp cận của ông với thế giới: Không quan tâm đến lo ngại của phe Dân chủ, các đồng minh nước ngoài và những đảng viên Cộng hòa ôn hòa rằng Mỹ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu.
“Tôi không nghĩ ông Kim Jong-un đang nhìn vào thỏa thuận hạt nhân Iran và nói: ‘Ôi chúa ơi, nếu họ từ bỏ thỏa thuận đó, tôi sẽ không nói chuyện với người Mỹ nữa’”, ông Pompeo nói với báo giới hồi đầu tháng này. “Có những ưu tiên cao hơn mà ông Kim phải nghĩ đến hơn là việc người Mỹ có giữ lại thỏa thuận với Iran hay không”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Nhưng cách tiếp cận của ông Trump chứa đầy rủi ro. Triều Tiên được cho là đã chế tạo được hàng chục vũ khí hạt nhân, trong khi Iran chưa đạt tới năng lực này. Và dù đồng ý gặp ông Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa cam kết điều gì thực chất.
Một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ nhìn việc Trump rút khỏi thỏa thuận với Iran bằng con mắt ngờ vực.
“Giờ đây ông ấy đã từ tỏ thỏa thuận, ông Kim Jong-un chắc chắn sẽ không bao giờ từ bỏ bất kỳ phần nào trong kho hạt nhân của họ chỉ vì lời hứa của Mỹ”, ông Mark Fitzpatrick, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington, nhận định. “Mất tín là một trong những cái giá lớn nhất mà Mỹ phải trả cho hành động bất cẩn của ông Trump”, ông Fitzpatrick nói.
Chuyên gia này cho rằng logic trong hành động của ông Trump cho thấy bất kỳ thỏa thuận nào mà ông ấy đạt được với Triều Tiên “cũng phải tốt hơn”.
“Ông ấy đã nâng mức thành công với Triều Tiên, có thể lên tầm cao không thể đạt được. Thực sự nếu Triều Tiên chấp nhận các biện pháp thẩm tra can thiệp sâu như trong quy định của thỏa thuận hạt nhân Iran thì đã là một thỏa thuận quá tốt đối với Mỹ và các đồng minh. Nhưng nay bất kỳ thỏa thuận nào với Triều Tiên cũng phải tốt hơn thế”, ông Fitzpatrick nhận định.
“Nhưng ông Trump không đi theo logic thông thường. Có thể với ông ấy, gần như bất kỳ thỏa thuận nào với Triều Tiên cũng sẽ ổn, vì ông ấy sẽ làm điều gì đó mà cựu Tổng thống Barack Obama chưa làm”, chuyên gia Fitzpatrick nói.
Ông Van Jackson, một nhà nghiên cứu về Triều Tiên và là cựu cố vấn chính sách trong văn phòng bộ trưởng quốc phòng Mỹ, nói rằng dù quyết định của ông Trump đối với thỏa thuận hạt nhân Iran là mối bận tân thứ cấp đối với Bình Nhưỡng nhưng sẽ càng củng cố mối ngờ vực của Triều Tiên rằng Mỹ là một đối tác không đáng tin cậy.
“Duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không làm tăng cơ hội đạt được thỏa thuận với Triều Tiên, nhưng rút khỏi thỏa thuận với Iran sẽ là sự xác nhận đối với Triều Tiên. Ông Kim đã có lý do tốt để không tin vào sự bảo đảm của Mỹ, nên việc chấm dứt thỏa thuận với Iran đơn giản sẽ củng cố điều đó”, ông Jackson nói.
Ngoài ra, việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận với Iran chắc chắn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng lên các quan hệ đồng minh của Mỹ.
“Nhật Bản và Hàn Quốc dù không ảnh hưởng trực tiếp từ việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận...nhưng sẽ chịu tác động khi thỏa thuận với Triều Tiên khó thành hiện thực hơn, hệ quả là khiến tình hình Đông Bắc Á tồi tệ thêm”, ông Jackson đánh giá.
“Nếu tôi là Nhật Bản hay Hàn Quốc, tôi sẽ thấy lo ngại rằng ông Trump đang bắt đầu thực hiện những gì ông ấy tuyên bố từ hồi tranh cử. Ông ấy từng nói ông ấy không thấy ý nghĩa gì trong quan hệ đồng minh của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Liệu ông ấy có tiếp tục làm theo bản năng như thế nữa không?” ông Jackson đặt câu hỏi.
Nhật Bản hôm nay bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
“Sẽ rất đáng tiếc nếu quyết định của Mỹ khiến việc duy trì thỏa thuận này khó khăn hơn. Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận theo cách thức mang tính xây dựng”, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói trong một tuyên bố.