"Tôi tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Chúng ta không thể ngăn Tehran chế tạo bom hạt nhân với cơ cấu mục ruỗng của thỏa thuận hiện tại. Chúng ta không thể để các thành phố của Mỹ bị đe dọa và cho phép chính quyền Iran tiếp cận loại vũ khí nguy hiểm nhất thế giới", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay phát biểu tại Nhà Trắng.
Quyết định này đã chấm dứt những nỗ lực ngoại giao cẩn trọng kéo dài 15 năm giữa Iran, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và các chính quyền Mỹ trước đây. Tổng thống Mỹ kêu gọi xây dựng một "thỏa thuận mới và lâu dài", trong đó không chỉ đặt ra giới hạn sâu hơn với chương trình hạt nhân Iran, mà còn nhằm vào dự án tên lửa đạn đạo và việc nước này hỗ trợ hàng loạt nhóm vũ trang khắp Trung Đông.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tỏ ra giận dữ sau tuyên bố của Trump, cáo buộc Tổng thống Mỹ đang tiến hành "chiến tranh tâm lý". Những nước đã ký thỏa thuận hạt nhân Iran cùng với Mỹ gồm Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp, đều quyết tâm cứu vãn thỏa thuận vì cho rằng đây là cách tốt nhất để ngăn chặn Iran phát triển bom hạt nhân.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng chỉ trích người kế nhiệm, mô tả quyết định của Trump là "mất phương ". "Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Việc liên tục coi thường thỏa thuận mà Mỹ tham gia có nguy cơ làm tổn hại uy tín của chúng ta, cũng như đẩy nước Mỹ vào thế đối đầu với các cường quốc khác", ông Obama tuyên bố.
Ngược lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tỏ ra vui mừng với thông báo của Trump. "Israel hoàn toàn ủng hộ quyết định dũng cảm của Tổng thống Trump khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân thảm họa với Iran", Thủ tướng Netanyahu phát biểu trên truyền hình.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc được ký vào năm 2015 với tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Trump từng phê phán JCPOA từ trước khi đắc cử, cho rằng đó là "thỏa thuận tồi tệ chưa từng có" và hứa xé bỏ nó trong ngày đầu nắm quyền.
Các nhà phân tích cảnh báo hành động rút khỏi JCPOA của Mỹ sẽ gây ấn tượng xấu tới nhiều quốc gia, đặc biệt là Triều Tiên, về sự tin cậy của Washington với tư cách là một đối tác đàm phán. Trung Đông cũng có thể đối mặt với một cuộc chạy đua vũ trang nếu Tehran từ bỏ JCPOA và tái khởi động chương trình hạt nhân. Số phận của 4 người Mỹ bị Tehran bắt cũng trở nên không rõ ràng khi Washington mất đi lợi thế đàm phán.
Theo luật của Mỹ, cứ mỗi ba tháng, tổng thống phải xác nhận lại thỏa thuận. Điều khoản của JCPOA yêu cầu Tehran giảm trữ lượng urani để đổi lại việc bãi bỏ những biện pháp trừng phạt mà họ phải hứng chịu. Iran đồng ý hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân trong ít nhất 10 năm và chấp nhận sự gia tăng giám sát của cộng đồng quốc tế.