Tại Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dành riêng một phần trong bài phát biểu khai mạc của mình để nói về vấn đề khoa học và công nghệ, ông mô tả đây là “nguồn lực sản xuất chính” và cũng là động lực phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Trong khi đó, Mỹ vẫn luôn muốn giữ vững vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đưa ra cam kết duy trì vị trí số một với khoảng cách lớn so với tiềm năng của Trung Quốc về các công nghệ chiến lược như chất bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng sạch. Nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang nỗ lực tìm mọi biện pháp ngăn chặn khả năng tiếp cận những công nghệ tiên tiến này của nền kinh tế lớn thứ hai.
Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng những tiến bộ công nghệ phụ thuộc rất lớn vào hoạt động nghiên cứu của giới chuyên gia, các nhà khoa học và học giả. Chính vì vậy, cả chính phủ cả hai nước này đều rất nỗ lực tạo mọi điều kiện nhằm thu hút những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực này đến quốc gia học làm việc.
Tuy nhiên, bất chấp những chiến lược đã đề ra với mục tiêu thu hút nhân tài, Trung Quốc vẫn tập trung nhiều hơn vào một số những ưu tiên khác, đáng chú ý trong số đó là chính sách “Zero - COVID”, cũng như chủ trương đổi mới hoạt động giáo dục tư tưởng tại các trường đại học. Chính điều này đã gây ra những hạn chế, bất cập trong hoạt động học tập, nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học.
Dù vậy, nhưng có một thực tế cần được nhìn nhận rằng trong 20 năm qua, Trung Quốc luôn là một nơi lý tưởng để các nhà nghiên cứu làm việc. Nước này đã đầu tư rất lớn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ, chiếm đến ¼ tổng chi tiêu toàn cầu cho hoạt động R&D, chỉ đứng sau Mỹ.
Việc chính quyền Bắc Kinh ưu tiên thu hút nhân tài đã khiến nhiều địa phương và trường đại học Trung Quốc đưa ra mức lương hấp dẫn, cũng như chế độ đãi ngộ hậu hĩnh nhằm thu hút giới nghiên cứu nước ngoài đến đây làm việc. Thành phố Bắc Kinh chi mức thưởng lên tới 1 triệu nhân dân tệ (tương đương 143.000 USD) cho mỗi cá nhân, trong khi đó, chính quyền Thượng Hải cung cấp nhà ở cho những đối tượng này. Tính đến tháng 3/2021, hơn 10% học giả tại các trường đại học Trung Quốc là người nước ngoài trở về.
Trong số đó, nổi tiếng nhất có nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) Zhu Songchun, ông đã rời Đại học California, Mỹ vào năm 2020 để trở về Bắc Kinh, sau đó tham gia thành lập Viện nghiên cứu AI thuộc Đại học Bắc Kinh. Vào tháng 11/2022, nhà nghiên cứu cấu trúc sinh vật học Yan Nieng cũng đã từ bỏ chức vụ giảng viên tại Đại học Princeton, trở về Thâm Quyến và sáng lập một trung tâm nghiên cứu mới.
Dù vậy, Trung Quốc tin rằng những nỗ lực của họ đến nay là chưa đủ và họ đang tiếp tục tạo mọi điều kiện nhằm thu hút nhân tài. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh “sự cạnh tranh quyền lực giữa các quốc gia về cơ bản chính là cạnh tranh về con người”. Theo lẽ đó, trong bối cảnh tình hình chính trị ở thời điểm hiện tại, nhân tài đang được “săn đón” hơn hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, chính sách “Zero-COVID” mà Trung Quốc theo đuổi đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc thu hút nhân tài của nước này. Việc phong tỏa kéo dài đi cùng với đó là những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt dẫn đến sự suy giảm rõ rệt về chất lượng cuộc sống đối với hầu hết người dân sống ở các thành phố lớn.
Những hạn chế này đã khiến nhiều người không còn muốn làm việc ở Trung Quốc, thậm chí một số nhà nghiên cứu đã quyết định rời đi. Trong những năm gần đây, người Trung Quốc cũng không còn chào đón người nước ngoài như trước, kể cả những người gốc Hoa.
Có thể thấy Trung Quốc sẵn sàng hy sinh tăng trưởng kinh tế, hoạt động hợp tác quốc tế và mục tiêu thu hút nhân tài nhằm đảm bảo an ninh quốc gia trong một thời điểm nhất định. Trên thực tế, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân giới chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học công nghệ hàng đầu, nếu như chú trọng đạt được những ưu tiên khác.
Đây không phải là vấn đề mà chỉ mình Trung Quốc phải đối mặt, Mỹ cũng đang phải đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự.
Trong nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia, chính quyền Mỹ đã có những động thái phản ứng cứng rắn trước thách thức được cho là bắt nguồn từ việc chiêu mộ, tuyển dụng các chuyên gia, nhà nghiên cứu người Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ đã mở rộng “Sáng kiến Trung Quốc” nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, trong đó tiến hành các cuộc điều tra, truy tố nhắm vào các học giả, nhà nghiên cứu gốc Hoa. Chính hành động này dẫn đến sự phân biệt đối xử, sự chia rẽ ngày càng sâu sắc hơn trong lòng nước Mỹ. Nhiều nhà nghiên cứu gốc Hoa sau đó đã rời Mỹ vì lo sợ bị giám sát và mất đi các chính sách đãi ngộ và quay trở lại Trung Quốc.
Năm 2021, Đại học Arizona đã thực hiện một cuộc khảo sát với sự tham gia của 658 nhà nghiên cứu gốc Hoa đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Kết quả cho thấy 42% trong số này đã cân nhắc quyết định rời khỏi nước Mỹ. Trong khi đó, một nghiên cứu của Diễn đàn học giả người Mỹ gốc Á cho thấy 1.490 nhà khoa học gốc Hoa do Mỹ đào tạo, thay vì làm việc một tổ chức hoặc cơ quan của nước này, họ đã chọn làm việc cho một tổ chức hoặc cơ quan của Trung Quốc tính riêng trong năm 2021.
Lĩnh vực khoa học công nghệ nhiều khả năng sẽ tiếp tục là một mặt trận chủ đạo trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược nhìn về dài hạn, chính vì vậy, việc các nước tập trung vào an ninh quốc gia và những ưu tiên khác, có thể gây bất lợi trong cuộc đua thu hút và giữ chân nhân tài. Cả Mỹ và Trung Quốc đều nên nhớ rằng con người chính là chìa khoá giúp thúc đẩy tiến trình phát triển khoa học công nghệ.