Hôm nay (24/9), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm "Đối thoại An ninh bốn bên" - cùng với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison. Theo Nhà Trắng, các nguyên thủ quốc gia sẽ thảo luận về vấn đề "thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".
Đối thoại An ninh bốn bên (QUAD) là một diễn đàn chiến lược không chính thức giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, được duy trì bằng các hội nghị thượng đỉnh, trao đổi thông tin và diễn tập quân sự giữa các nước thành viên. Trung Quốc cho rằng QUAD được lập ra để ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh, dù QUAD luôn phủ nhận điều này.
Cạnh tranh với Trung Quốc
Cuộc họp diễn ra vào thời điểm Mỹ đang thay đổi nhiều chính sách tại khu vực châu Á, đặc biệt là việc cùng Anh ký thoả thuận an ninh AUKUS với Úc. Mối quan hệ ngày càng xấu đi với Trung Quốc đã khiến Úc quyết định về phe Mỹ trong cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng tại châu Á.
|
James Curran, chuyên gia về Quan hệ đối ngoại tại Đại học Sydney (Úc), gọi AUKUS là “canh bạc chiến lược lớn nhất trong lịch sử Úc”. "Úc đang đánh cược số phận của mình vào quyết tâm và ý chí của Mỹ tại châu Á," Curran nhận định.
Với thoả thuận AUKUS, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Úc công nghệ và khả năng triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân - hứa hẹn sẽ là một bước nhảy vọt về quân sự của nước này.
Không chỉ Úc, Nhật Bản cũng hưởng ứng Mỹ tăng cường ảnh hưởng tại châu Á. Từng theo đuổi những chính sách mềm mỏng với Trung Quốc, nhưng Tokyo đang ngày càng cảnh giác với Bắc Kinh hơn. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN tháng 9 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết Nhật Bản sẽ "kiên quyết bảo vệ" lãnh thổ của mình ở Biển Hoa Đông "trước những hành động của Trung Quốc.
Từng bị coi là thành viên kém nhiệt tình nhất của nhóm tứ cường, nhưng hiện nay Ấn Độ đã hăng hái tham gia hơn sau cuộc đụng độ biên giới giữa nước này và Trung Quốc giữa năm 2020.
"Ấn Độ muốn theo dõi chặt chẽ về hoạt động quân sự dọc biên giới Himalaya và sự hiện diện ở Ấn Độ Dương của Trung Quốc," Amrita Jash, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Đường bộ ở New Delhi, Ấn Độ nhận xét.
Đầu năm nay, Tạp chí Các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (JIPA) cho biết, Mỹ và Ấn Độ đang xích lại gần nhau về mặt quân sự hơn. Thời gian gần đây, hai nước đã cùng nhau tập trận, mua bán vũ khí và chuyển giao công nghệ quân sự.
Ấn Độ triển khai tàu chiến Shivalik và máy bay tuần tra hàng hải tầm xa P8I tham gia tập trận PASSEX với nhóm tàu sân bay tấn công USS Theodore Rosevelt của Mỹ ở khu vực Đông Ấn Độ Dương. Nguồn: Hải quân Ấn Độ |
Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall của Hoa Kỳ, cho rằng tham vọng ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy của QUAD phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của New Delhi. Ngoài ra, những hành động của Trung Quốc trong tương lai cũng là một yếu tố quan trọng.
"Nếu Trung Quốc tiếp tục đe dọa lợi ích và cưỡng ép kinh tế với các nước khác, thì sẽ càng có nhiều quốc gia chống lại Trung Quốc," bà Glaser phân tích.
Điểm nóng Đài Loan
Căng thẳng Trung Quốc - Đài Loan cũng là một vấn đề quan trọng được QUAD thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Năm qua, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo này. Tháng 6/2021, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố chiến tranh sẽ nổ ra nếu Đài Loan tiếp tục đòi độc lập.
Mỹ là quốc gia ủng hộ Đài Loan mạnh nhất trên trường quốc tế. Dưới thời Tổng thống Trump và hiện tại là Tổng thống Biden, Mỹ đã đồng ý bán vũ khí lớn và cử các nhà ngoại giao cấp cao đến thăm hòn đảo này.
Phái đoàn Mỹ và các quan chức Đài Loan tại sân bay Tùng Sơn của thành phố Đài Bắc ngày 6/6. Ảnh: AP. |
Bên cạnh đó, Úc cũng thường xuyên cùng Mỹ lên tiếng ủng hộ Đài Loan. Tháng 7/2021, Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso phát biểu rằng Tokyo nên hợp lực với Washington để bảo vệ Đài Loan khỏi bất kỳ cuộc xâm lược nào.
1 tháng sau, trong một cuộc họp của nhóm tứ cường, những lãnh đạo cấp cao đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh đến "tầm quan trọng của hòa bình và an ninh ở eo biển Đài Loan." Bonnie Glaser dự đoán, trong cuộc họp ngày hôm nay, rất có thể Ấn Độ cũng sẽ theo chân Úc và Nhật Bản ủng hộ tuyên bố trên.
"Trung Quốc sẽ phải dè chừng nếu Ấn Độ cũng ủng hộ Đài Loan đòi độc lập, bởi đây là sự kiện chưa từng xảy ra," bà Glaser nói.
Ben Scott, Giám đốc dự án An ninh và Trật tự dựa trên Quy tắc của Úc tại Viện Lowy ở Sydney, cho rằng sự đoàn kết của QUAD có thể ngăn chặn những xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan sau này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, QUAD phải cân nhắc kỹ về thái độ trong những thông điệp của mình, để tránh rơi vào thế đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.
Tiếp tục trấn an Đông Nam Á
Sau khi thoả thuận AUKUS được ký kết, một số nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tỏ ra không hài lòng. Họ lo ngại AUKUS sẽ làm xáo trộn tình hình an ninh tại Đông Nam Á - trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thủ tướng Úc Scott Morrison từng nhận định, "Đông Nam Á là trung tâm của cuộc cạnh tranh (Mỹ-Trung)," theo CNN.
Ngày 17/9, Indonesia cho biết họ "quan ngại sâu sắc" về một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi Australia tôn trọng luật pháp quốc tế và cam kết vì hòa bình và ổn định. Một ngày sau, Malaysia cho biết thỏa thuận AUKUS có thể kích động các cường quốc khác "hành động mạnh mẽ hơn trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông."
"Là một quốc gia trong ASEAN, Malaysia giữ nguyên tắc duy trì ASEAN như một Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOFPAN)", văn phòng Thủ tướng Malaysia tuyên bố.
Indonesia lo ngại kế hoạch mua tàu ngầm hạt nhân của Australia có thể khiến cán cân quân sự trong khu vực mất đi sự cân bằng. (Ảnh: Getty Images) |
Đáp lại những lo lắng trên, Đại sứ Úc tại ASEAN Will Nankervis đã khẳng định AUKUS không làm thay đổi cam kết của Úc đối với ASEAN cũng như những hỗ trợ liên tục của chúng tôi đối với cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt.
Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng nhấn mạnh, Úc không hề theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân của nước này không hề mang vũ khí hạt nhân. Ông Morrison cho biết thêm, qua thoả thuận AUKUS và nhóm "tứ giác kim cương", Mỹ sẽ tạo ra những thoả thuận "tích cực và bao trùm" không chỉ về quân sự mà còn cả kinh tế và chính trị tại Đông Nam Á.
"Nếu bạn muốn giành được sự ủng hộ tại châu Á - Thái Bình Dương, có 2 việc cần phải làm: một là giúp chúng tôi đánh bại đại dịch COVID-19, hai là giúp ổn định tình hình kinh tế và an ninh trong khu vực."