Trong một bài viết do Bộ Ngoại giao Singapore công bố hôm thứ Năm, ông Lý cho rằng việc Trung Quốc đưa ra các yêu sách lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông đồng nghĩa với việc các nước trong khu vực sẽ luôn xem sự hiện diện của hải quân Trung Quốc như một nỗ lực nhằm thúc đẩy các yêu sách này.
Thủ tướng Singapore cũng khẳng định rằng nhiều quốc gia Đông Nam Á cực kỳ nhạy cảm về việc Trung Quốc gây ảnh hưởng đến các cộng đồng người gốc Hoa bản xứ.
“Mặc dù sở hữu sức mạnh quân sự ngày càng tăng, Trung Quốc sẽ không thể đảm nhận vai trò an ninh của Mỹ”, ông Lý nhận định và nói thêm rằng một cuộc rút quân của Mỹ ở Bắc Á sẽ buộc Nhật Bản và Hàn Quốc dự tính phát triển vũ khí hạt nhân để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên. Bài viết của Thủ tướng Sinpaore được đưa ra khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, khi hai nền kinh tế tỏ ra bất đồng ý kiến về các vấn đề như mạng 5G, Biển Đông và trách nhiệm đối với dịch COVID-19.
Singapore là một trong số quốc gia châu Á kêu gọi Mỹ và Trung Quốc tránh một cuộc đụng độ sẽ buộc các nước nhỏ hơn phải chọn phe.
“Các nước châu Á-Thái Bình Dương không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ muốn vun đắp mối quan hệ tốt với cả hai”, ông Lý cho biết.
Nhà lãnh đạo Singapore cảnh báo rằng nếu Mỹ cố gắng kiềm chế Trung Quốc, hoặc nếu chính quyền Bắc Kinh tìm cách xây dựng một phạm vi ảnh hưởng độc quyền ở châu Á, hai quốc gia sẽ khơi mào một cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ và đặt châu Á vào một thế kỷ bị đe dọa lâu dài.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa hai cường quốc này khó có thể kết thúc như Chiến tranh Lạnh. Để tránh điều này, một mối quan hệ hợp tác được hình thành trong khuôn khổ các quy tắc đa phương đã được thống nhất sẽ thúc đẩy một hệ thống áp đặt trách nhiệm và hạn chế đối với tất cả các quốc gia.
“Các lựa chọn chiến lược mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra sẽ định hình các diễn biến của trật tự toàn cầu”, ông Lý viết. “Đây là điều tự nhiên để các cường quốc cạnh tranh. Nhưng khả năng hợp tác mới là phép thử cho tài năng của các nhà lãnh đạo và nó sẽ quyết định liệu loài người có đạt tiến bộ về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, phổ biến hạt nhân và lây lan các bệnh truyền nhiễm hay không”.