Năm 2023, Bộ Nội vụ hướng dẫn UBND cấp tỉnh thực hiện trình tự phê duyệt, giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập của địa phương theo quy định. Năm học 2023-2024, các địa phương đề xuất biên chế giáo viên là 1.189.241 biên chế (tăng/bổ sung 104.656 biên chế so với năm học 2022 - 2023), trong đó, cấp mầm non 41.542 biên chế (chiếm 39,7%), cấp tiểu học 22.485 biên chế (chiếm 21,5%); cấp Trung học Cơ sở 27.818 biên chế (chiếm 26,6%); cấp Trung học Phổ thông 12.811 biên chế (chiếm 12,2%).
Theo đó, năm học 2023 - 2024 dự kiến bổ sung 27.868 biên chế giáo viên, số còn lại sẽ bổ sung đối với các trường hợp cần thiết trong các năm học tiếp theo đến năm 2026. Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ có ý kiến đề nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét, quyết định phương án cụ thể.
Theo Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; đồng thời xác định đối tượng và thực hiện chính sách tinh giản biên chế linh hoạt, hợp lý hơn theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế. Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người, trong đó khối Trung ương tinh giản 146 người; khối địa phương tinh giản 7.005 người.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã. Tổng số vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính là 866 vị trí; tổng số vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp là 615 vị trí; tổng số vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã là 17 vị trí.
Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu, phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ về phân cấp, phân quyền. Trong giai đoạn 3 năm qua (từ năm 2021 đến nay), hầu hết văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ ban hành (28 luật và trên 400 nghị định, hàng nghìn nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật) đã chú trọng các quy định về phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với địa phương gắn với kiểm tra, kiểm soát quyền lực, bước đầu đã có cải thiện nhất định, khơi thông điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật.