Nằm lại mùa nước nổi

Nằm giữa mênh mông trời nước vùng Đồng Tháp Mười là một gò đất cao, nơi đó là miếu thờ của khoảng 200 người lính ngã xuống trong trận chiến đẫm máu tháng 10-1973. Nhiều người trong số họ là những chàng sinh viên của Trường đại học Xây dựng, Giao thông vận tải, Bách khoa Hà Nội mới nhập ngũ. Họ đi không hẹn ngày về để rồi vĩnh viễn nằm lại giữa mùa nước nổi Đồng Tháp Mười.
Nằm lại mùa nước nổi

Trận chiến giữa rừng tràm

Tháng 10-1973, Trung đoàn 207 hành quân về Đồng Tháp Mười từ căn cứ Svay Rieng (Campuchia). Vượt Vàm Cỏ Tây tới Thạnh Hoá (Long An), trung đoàn 207 ém quân tại rừng tràm rạch Đá Biên chờ đêm xuống để tiếp tục hành quân. Bị máy bay trinh sát của chính quyền Sài Gòn phát hiện, những chàng sinh viên Hà Nội mới nhập ngũ đã phải chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi ngã xuống. Rừng tràm thưa thớt giữa mùa nước trắng đồng không thể che chở họ tránh được đạn pháo bắn phá dữ dội.

Khoảng 200 chiến sĩ đã ngã xuống giữa rừng tràm trong trận chiến khốc liệt ngày 3-10-1973 (tức ngày 8-9 âm lịch). Nhưng suốt 12 ngày đêm sau đó, đồng đội và người dân địa phương không thể quay lại tìm thi thể vì quân đội chính quyền Sài Gòn vẫn tiếp tục càn quét, lùng sục. Những người dân ở đây nói rằng, một số thi thể tìm được đành phải bọc lại treo lên cây tràm, đợi qua mùa nước nổi mới có đất chôn cất. “Người ta gọi đó là phong táng. Vì lúc đó, giữa biển nước này lấy đâu ra đất để chôn”, một cựu chiến binh Trung đoàn 207 chia sẻ.

“Ngày đó tôi nghe kể pháo bắn ác lắm, mà chỗ này là rừng thưa, làm gì có chỗ trú đâu nên các anh ra đi hết. Hồi mới giải phóng bà con về đây làm ăn còn thấy cà-mèn, mũ cối cả xương cốt dưới lớp bùn”, chú Ba Dền, một người dân ở ấp Đá Biên (Thạnh Hóa, Long An) chia sẻ.

Nằm lại mùa nước nổi - anh 1

Rừng tràm ngày nay (Ảnh minh họa).

Năm nào chú Ba Dền cũng tấp ghe ngoài rạch rồi vào miếu thắp hương cho các chiến sĩ hy sinh. “Giỗ nào tụi tôi cũng vào đây nhậu tới đêm. Các anh chết trẻ rất linh, mình cầu gì cũng được các anh phù hộ”, chú Ba Dền cười, rót rượu vào ly đặt lên bàn thờ.

Điểm hẹn trời nam

Miếu Bắc Bỏ gắn liền với đôi vợ chồng vào khai hoang ở rạch Đá Biên nhiều năm về trước: vợ chồng anh Tư Tờ. Vợ chồng nghèo nên ngôi miếu do anh chị dựng lên ban đầu chỉ là bốn cái cọc gỗ với mái lá. Dần dần, anh Tư Tờ kiếm thêm gạch, cất cái chòi cho căn miếu tươm tất hơn. Nhà anh Tư Tờ cách miếu không xa, ngày ngày vợ chồng anh vẫn qua nhang khói. Dần dần, người rạch Đá Biên rồi những vùng lân cận cũng ghé qua thắp hương, đặc biệt là ngày giỗ 8-9 âm lịch.

Đám giỗ năm nay, ghe tấp ngoài kênh đông nghẹt. Người đến sau phải băng qua mấy ghe khác mới vào tới nơi. Miếu Bắc Bỏ xưa cũng đã được xây thành một toà miếu lớn. Miếu được xây trên phần đất của gia đình anh Tư Tờ. “Mong mỏi bao năm làm cái miếu tử tế, nhưng mà không đủ lực. Có mạnh thường quân ủng hộ tiền thì tôi hiến đất xây miếu”, anh Tư Tờ nói. Cứ đến ngày giỗ là cả nhà anh Tư Tờ lo lắng như đám giỗ người nhà.

Không chỉ anh Tư Tờ, người dân rạch Đá Biên đều góp một chút để thắp hương rồi tụ tập với nhau, người con gà, người con vịt, nhóm góp heo quay. Những ngày giỗ, đội văn nghệ người cao tuổi cũng chuẩn bị những tiết mục biểu diễn góp vui với bà con. Vừa tấp ghe vào, chị Hai Thành bận cả hai tay với trái cây, gà cúng, xị rượu thắp hương. “Giờ cũng hông hiểu sao tự dưng thành ngày giỗ nữa. Nhưng mỗi năm bà con về mỗi đông, ăn uống trò chuyện mấy chục năm trước”, chị Hai Thành nói.

Không chỉ có người dân rạch Đá Biên, năm nào cũng có những chiếc ghe chở hàng đoàn người về miếu Bắc Bỏ ăn giỗ. Họ là những đồng đội cũ, những thế hệ sau của Trường đại học Xây dựng, Giao thông vận tải về thắp hương cho những người anh khoá trên đã hy sinh trên mảnh đất này. PGS, TS Phạm Duy Hòa, Hiệu trưởng trường Đại học Xây Dựng bày tỏ: Chúng tôi có lời hẹn trở về đây mỗi mùa nước nổi. Nhưng năm nay sẽ khảo sát để xây một tượng đài tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống, không chỉ là các sinh viên Trường đại học Xây dựng mà còn là sinh viên của các trường khác nữa. Tháng sau, chúng tôi sẽ quay trở lại để tiếp tục kế hoạch của mình.

Cùng với những lần trở về ấy, một cây hoa sữa cũng được trồng ở góc miếu. Một phần Hà Nội lãng mạn của những chàng sinh viên tuổi đôi mươi đang hiện diện ở giữa đồng nước mênh mông này. Nó vẫn nhắc rằng, ở dưới lớp bùn đất phèn chua Đồng Tháp Mười, 200 người lính đã ngã xuống trước ngày hòa bình.

Hợp tác cùng Thời Nay

Xem thêm:

Khúc nhạc đêm biên cương

Dự thảo Luật Dân số: Cân nhắc việc hỗ trợ tiền

Chuyện ghi ở Gia Vài

Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.