Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển và các lực lượng khác

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Ngoài Cảnh sát biển Việt Nam, còn có các lực lượng khác cũng thực hiện nhiệm vụ trên biển. Việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trong quản lý, bảo vệ biển đảo Tổ quốc là nhu cầu tất yếu khách quan.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Cảnh sát biển và các lực lượng khác

Trước khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác phối hợp giữa Lực lượng Cảnh sát biển và các lực lượng khác đã được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện.

Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác phối hợp còn chung chung, có tính nguyên tắc, không quy định rõ trách nhiệm các bên khi phối hợp (chủ trì, phối hợp, cơ chế chỉ huy, điều hành, bảo đảm kinh phí, vật chất khác …) nên khi áp dụng, triển khai còn gặp khó khăn.

Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới, nhằm bảo đảm công tác phối hợp giữa các lực lượng được chặt chẽ, nhịp nhàng hơn, phát huy được sức mạnh tổng hợp để xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc, tình huống xảy ra trên biển đòi hỏi phải xây dựng các văn bản pháp quy có hiệu lực pháp lý cao hơn ở tầm Luật.

Chính vì vậy, Luật Cảnh sát biển Việt Nam (được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019) đã dành riêng một chương (Chương IV) để quy định rõ phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp hoạt động giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, ngành, chính quyền địa phương. Trong đó, các nội dung phối hợp được quy định gồm:

1. Trao đổi thông tin, tài liệu; đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

2. Bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

3. Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hoạt động hợp pháp trên biển.

4. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đấu tranh, phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.

5. Phòng, chống thiên tai; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển.

6. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân.

7. Thực hiện hợp tác quốc tế.

8. Thực hiện các hoạt động phối hợp khác có liên quan.

Việc Luật Cảnh sát biển Việt Nam dành riêng một chương để quy định rõ về hoạt động phối hợp của Lực lượng Cảnh sát biển với các cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng thuộc Bộ, ngành, chính quyền địa phương thể hiện tầm quan trọng của công tác phối hợp; tạo nền tảng pháp lý cho các lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trên biển.

Sau khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam được thông qua và có hiệu lực thi hành, Bộ Quốc phòng đã chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Trong đó, Chương V đã quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam của cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương trong từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực quản lý nhà nước; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc để Cảnh sát biển Việt Nam cũng như các lực lượng chức năng khác phát huy sức mạnh tổng hợp, phối hợp hiệu quả trong quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Có thể nhận thấy, cùng với sự ra đời của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam và các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng khác đến nay đã tương đối hoàn chỉnh; tạo cơ sở vững chắc cho Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng khác phối hợp hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả trên biển.

Quá trình triển khai trong thực tiễn, công tác phối hợp giữa các lực lượng cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trên biển; tạo bước chuyển biến quan trọng, phát huy được sức mạnh tổng hợp các lực lượng trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo Tổ quốc.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).