Theo quân đội Nepal, từ khi bắt đầu chiến dịch dọn dẹp khu vực dãy núi Himalaya, đặc biệt là đỉnh núi nổi tiếng Everest từ năm 2019 - 2023, họ đã thu gom được 110 tấn rác thải. Với sự hợp tác của thương hiệu đa quốc gia Unilever, quân đội nước này sẽ tiếp tục tiến hành chiến dịch thu dọn rác thải trên đỉnh Everest trong năm nay.
12 thành viên quân đội, với sự hỗ trợ của 18 người Sherpa (một dân tộc phía đông Nepal giỏi việc leo núi) sẽ đến Everest Base Camp (trại căn cứ ở Everest) vào ngày 14/4 để bắt đầu công việc.
Ngoài việc loại bỏ khoảng 10 tấn rác, quân đội cho biết họ còn có kế hoạch đưa 5 thi thể ra khỏi núi. Những thi thể này là của những nhà leo núi đã thiệt mạng khi cố gắng chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới.
Vào năm 2023, 12 nhà leo núi được xác nhận đã chết trên Everest, cùng với 5 người nữa vẫn đang mất tích.
Những người cố gắng chinh phục đỉnh Everest cao 8.849 mét phải đăng ký giấy phép leo núi với Nepal, cùng mức phí 11.000 USD (hơn 270 triệu đồng) mỗi người.
Năm ngoái, chính phủ Nepal đã cấp số giấy phép leo núi Everest cao kỷ lục cho 478 người. Tuy nhiên, đó không phải là tổng số người sẽ lên núi vì vẫn còn hướng dẫn viên người Sherpa, nhân viên hỗ trợ và những người khác đồng hành cùng các nhóm leo núi.
Do đó, tình trạng người quá tải và rác thải là hai trong số những vấn đề lớn nhất xảy ra với Everest trong những năm gần đây. Một trong những vấn đề gây ảnh hưởng đến môi trường lớn nhất là chất thải của con người.
Mùa leo núi năm 2024 sẽ là mùa đầu tiên Nepal yêu cầu tất cả những người leo núi sử dụng túi đựng chất thải do chính phủ phát và họ phải tự mang theo chúng từ các trại căn cứ xuống núi.
Diwas Pokhrel, Phó chủ tịch Hiệp hội Những người leo núi Everest cho biết: "Mỗi người thải ra 250 gram chất thải mỗi ngày và thông thường họ sẽ dành hai tuần ở các trại căn cứ cao hơn trước khi lên đến đỉnh núi".
Ngoài ra, năm 2024 cũng sẽ là năm đầu tiên tất cả những người leo núi Everest được cấp chip theo dõi, việc này sẽ giúp giảm thời gian tìm kiếm và cứu hộ trong trường hợp xảy ra tai nạn.