1 Con mình giỏi. Con người khác cũng thế. Sẽ có 2 trạng thái cảm xúc. Một là, ơ sao con nhà người ta giỏi thế nhỉ? Hai là, ờ con mình giỏi quá, hơn đứt bọn khác.
Dù mình suy nghĩ thế nào thì cũng chả sao, nhưng đừng nói điều đấy với bọn trẻ. Bọn nó hoàn toàn không biết đến khái niệm đánh giá đâu, cho đến khi người lớn dạy cho chúng biết.
2 Con mình chưa giỏi. Con người khác cũng thế. Cũng sẽ có 2 trạng thái cảm xúc. Một là, đùa chứ chả hiểu học hành kiểu gì dốt thật. Hai là, ơ chả hiểu thày cô dạy dỗ cái kiểu gì? Cả 2 câu hỏi này thì đều có thể hỏi đúng đối tượng, là con mình, và thày cô của con.
Nhưng trước khi đi hỏi, thì tự hỏi câu này đã: Sao đến lúc họp phụ huynh mình mới biết?
3 Các loại tiền trường, nhiều ít, đừng thắc mắc với cô chủ nhiệm làm gì. Rất khổ tâm. Đó cũng là 1 dạng bắt nạt. Cô chủ nhiệm thì giải quyết được vấn đề gì? Tiền lương chằn chặn, thêm được đồng nào là mưa móc Ban giám hiệu chia cho, hoặc phụ huynh quà cáp. Chứ tiền trường, cô tiêu chẳng nổi một nghìn. Bức xúc, mời ban phụ huynh lên hỏi trường, trường ko đáp được thì lên hỏi phòng giáo dục quận, thành phố, Bộ. Chứ tôi thấy hả hê vì mắng vốn cô chủ nhiệm gãy gọn như chất vấn Bộ trưởng trước Quốc hội, thương lắm.
Ảnh minh họa: Kenh14.vn |
4 Ngược lại, các loại quỹ lớp, thì nên bảo nhau rạch ròi. Mỗi nhà mỗi cảnh, đóng góp phải đồng thuận và kín đáo. Nhiều Ban phụ huynh thiếu tế nhị, lôi ra bổ nhau ngay ở buổi họp phụ huynh. Thậm chí hơn nữa, cãi nhau mổ bò là tiền phong bì cho cô giáo bao nhiêu thì vừa làm cô giáo ngại quá phải vờ ra ngoài.
5Khi cô giáo hỏi câu chốt: Các anh chị có còn ý kiến gì không ạ? Thì đừng phàn nàn về tiền trường. Đừng phàn nàn về kết quả học của con. Đừng phàn nàn về cơ sở hạ tầng của trường. Mà cũng đừng im lặng. Hãy đề nghị các thày cô bớt bài tập cho bọn trẻ, thêm nhiều giờ sinh hoạt ngoại khóa hơn, và chính cô cũng nên nghỉ ngơi nhiều hơn. Đấy là những thứ thiết thực mà một buổi họp phụ huynh có thể giải quyết được.
Ảnh minh họa: Kenh14.vn |
6 Cuối cùng, dù kết quả thế nào, con học giỏi hay bình thường (thời bây giờ Bình thường lá Khá đấy, chứ ko như hồi chúng ta đi học đâu), thì ra khỏi lớp là bỏ qua. Mình quanh năm vứt con cho trường, bản thân chúng nó cũng phải nỗ lực hàng ngày, bây giờ sau mấy tiếng họp phụ huynh tự nhiên mình thấy mình quan trọng quá, thế có hợp lý ko? Dù thế nào thì cũng tỏ thái độ bình thản vừa đủ với con thôi. Con có những điểm tốt, và chưa tốt, nhưng dù thế nào thì cũng phải cố gắng hơn.
Cá nhân tôi thì không thưởng con vì thành tích học. Chưa bao giờ. Vì thưởng khi có thành tích, tức là cho nó thấy thành tích quan trọng. Cũng có nghĩa là khi thành tích nó không tốt, sẽ thành áp lực. Chả phải chúng ta vẫn nói: Không gây áp lực cho con đấy ư?