Sẽ hỗ trợ nếu các trường ĐH đề xuất
+ Thưa ông, những ngày gần đây, có thông tin thí sinh thi đỗ các trường An ninh, quân đội với số điểm rất cao, tập trung ở Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn- những tỉnh đang dính bê bối gian lận thi cử, quan điểm của Bộ GD&ĐT như thế nào?
- Đấy là thực tế và báo chí cũng đã đưa ra những con số tôi cho là rất xác đáng. Những như tôi đã từng nói, chúng ta đừng đặt vấn đề tất cả các thí sinh này đều gian lận thi cử. Nói như vậy rất tổn thương các em. Hiện tại, chúng tôi đang trong quá trình xử lý sự việc ở các địa phương. Thế nên, trước mắt chúng ta tạm thời chấp nhận kết quả để tuyển sinh và thực tế các em đã tuyển sinh.
Tuy nhiên khi có kết quả điều tra, chúng ta sẽ soi chiếu vào quy chế để xử lý. Lúc đó sẽ trả về thực tế, thậm chí sẽ xử lý ở mức độ cao nhất.
+ Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu một số địa phương khác, điểm thi hiện rất cao có “dính” gian lận hay không, thưa ông?
- Những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chắc chắn là cá biệt, không thể nói cả 63 tỉnh thành đều như vậy. Các sở GD&ĐT, những người trong cuộc cũng rất bất bình, phản đối, không thể tin có sai phạm như thế và quan điểm nếu có sai phạm thì phải xử lý.
+ Hiện tại có trường ĐH, CĐ nào đề xuất Bộ GD&ĐT rà soát lại kết quả thi chưa, thưa ông?
- Hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa nhận được thông tin trường nào có đề xuất rà soát lại kết quả thi THPT quốc gia. Chúng ta phải hiểu, việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ hiện nay trên tinh thần tự chủ. Chẳng hạn như phương thức thế nào, sử dụng những hình thức tuyển sinh nào, sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia ở mức độ nào… đó là quyền của các trường. Đương nhiên, chăm lo cho chất lượng, các trường có giải pháp riêng như: Sơ tuyển, đánh giá năng lực hoặc có hệ số điểm cho các môn chính… nói chung hình thức rất đa dạng. Nếu các trường đề xuất rà soát điểm thi của thí sinh, Bộ sẽ hỗ trợ tùy yêu cầu của từng trường.
Các trường ĐH, CĐ phải sàng lọc, siết chặt đào tạo
+ Như vậy có thể khẳng định lại lần nữa, nếu các trường yêu cầu rà soát lại kết quả thi, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ, tùy từng yêu cầu, thưa ông?
- Khi có kết quả cụ thể của các trường, chúng tôi sẽ xem xét. Tất nhiên, tôi vẫn khẳng định nếu nhà trường cần sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT thì chúng tôi sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu nói rộng ra, một giải pháp căn cơ và rất bài bản mà chúng tôi rất muốn làm đó là, các trường phải siết chặt đào tạo, sàng lọc chuẩn xác, để đến một lúc nào đó, việc tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng nên các con cũng không cần phải gian lận làm gì nữa.
+ Trong kỳ thi THPT 2019, Bộ GD&ĐT có kế hoạch như thế nào để kỳ thi trong sạch?
- Kỳ thi THPT quốc gia chúng ta đang trong lộ trình hoàn thiện hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo tinh thần của Nghị quyết 29. Hiện nay chúng ta đang trong bước chuẩn bị để thực hiện chương trình SGK mới với mục tiêu rõ ràng. Đó là hình thành phẩm chất và năng lực. Kéo theo đó là hoạt động kiểm tra đánh giá cũng phải thực hiện theo.
Chúng ta có bước chuyển và kỳ thi THPT quốc gia là trong bước chuyển đó.
Thứ hai chúng ta khẳng định nếu so sánh với kỳ thi trước đây thì kỳ thi hiện nay phù hợp. Sẽ không có một phương án thi nào hoàn hảo 100% mà sẽ có các phương án hoàn hảo, phù hợp nhất trong điều kiện cụ thể. Kỳ thi THPT quốc ga sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm tới.
Thứ ba, những gì chúng ta còn hạn chế đã nhìn thấy phải nghiêm túc, quyết tâm, hoàn thiện nó. Cụ thể là các vấn đề về đề thi, giải pháp kỹ thuật.
Về đề thi, những nước có nền giáo dục, thi cử phát triển cũng mất 70-80 năm để hoàn thiện hình thức thi. Chúng ta phải tiếp tục làm giàu thêm ngân hàng câu hỏi, số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi phù hợp với tính chất kỳ thi.
Về giải pháp kỹ thuật, sắp tới chúng tôi phải tiếp tục hoàn thiện, tăng cường bảo mật, làm sao hạn chế tối thiểu nguy cơ, lợi dụng sai phạm.
Về công tác phân cấp kiểm tra, giám sát, thanh tra: các khâu quan trọng như đề thi, coi thi, lưu trữ bài thi, chấm thi, chúng tôi sẽ đẩy lên một bước.
Tổng thể nữa đây cũng là dịp chúng ta rà soát lại toàn bộ quy trình, quy chế, kỹ thuật để hoàn thiện với tinh thần, quy chế nghiêm túc.