Ngã rẽ quan trọng trong thập kỷ cầm quyền của Chủ tịch Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - "Quá trẻ, quá thiếu kinh nghiệm", đó là những nhận xét mà các nhà quan sát nhận định về Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un khi ông mới lên nhậm chức năm 2011. Chỉ sau một thập kỷ, ông Kim Jong-un đã xóa tan những định kiến trên và chứng tỏ bản thân có tầm vóc ngang ngửa với hai nhà lãnh đạo tiền nhiệm.
Ngã rẽ quan trọng trong thập kỷ cầm quyền của Chủ tịch Triều Tiên

Những dự đoán ban đầu về một chế độ "nhiếp chính", một tập thể lãnh đạo hoặc một cuộc đảo chính quân sự tại Triều Tiên vào mười năm trước đã không xảy ra.

Theo thời gian, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un đã tiến hành hàng loạt động thái cải tổ nhân sự, ban hành chính sách cải cách kinh tế trong nước, kết hợp với các hoạt động đối ngoại "vô tiền khoáng hậu" với Mỹ và Hàn Quốc. Tất cả những yếu tố đó cho phép ông Kim củng cố quyền lực tuyệt đối của mình.

Ông Kim Jong-un kỷ niệm 10 năm đầu cầm quyền trong bối cảnh Triều Tiên đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, từ các lệnh cấm vận quốc tế, cho tới thiên tai gây ra tình trạng thiếu lương thực và đại dịch COVID-19 buộc nước này đóng cửa các tuyến biên giới.

Nhiều chuyên gia nhân định, nếu ông Kim không thể duy trì cam kết phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và nền kinh tế của mình, vốn rất khó thực hiện song song, thì điều đó có thể gây rắc rối cho sự cai trị lâu dài của nhà lãnh đạo 37 tuổi.

Ngã rẽ quan trọng trong thập kỷ cầm quyền của Chủ tịch Triều Tiên ảnh 1

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cùng người cha quá cố Kim Jong-il tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 65 năm Đảng Công nhân cầm quyền ở Bình Nhưỡng năm 2010. Ảnh: AP

Dưới thời ông Kim Jong-un, nền kinh tế Triều Tiên đã đạt được một số cột mốc tăng trưởng khiêm tốn thông qua cải cách thương mại và định hướng thị trường. Tuy nhiên, Triều Tiên đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế từ năm 2016, khi ông Kim thúc đẩy các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa nhằm vào Mỹ và các nước láng giềng.

Sau khi gây chú ý toàn cầu tại các hội nghị thượng đỉnh với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018 và 2019, ông Kim hiện đang phải tập trung vào việc giải cứu nền kinh tế đang trên đà khủng hoảng do phải đóng cửa biên giới trong thời gian dài.

Các cuộc đàm phán với Washington đã rơi vào bế tắc trong hơn hai năm qua, sau khi Bình Nhưỡng không thể đạt được thỏa thuận chấm dứt cấm vận với chính quyền Trump sau hai hội nghị thượng đỉnh.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden dường như không vội vàng quay trở lại bàn đàm phán, trừ khi phía Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, vốn được ông Kim coi như "thanh bảo kiếm" bảo đảm cho sự sống còn của mình.

Dù vẫn kiểm soát được quyền lực trong nước, nhưng ông Kim dường như ngày càng khó đạt được các mục tiêu đã cam kết, đó là vừa phát triển vũ khí hạt nhân vừa mang lại sự thịnh vượng cho người dân.

Ông Kim đã đặt ra mục tiêu này trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng với tư cách là nhà lãnh đạo đất nước hồi đầu năm 2012, tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ “không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng nữa.”

Park Won Gon, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha Womans, cho biết cách ông Kim Jong-un vực dậy nền kinh tế trong những năm tới có thể quyết định vị trí của ông và có thể là tương lai của cả gia tộc nhà họ Kim.

“Chương trình vũ khí hạt nhân, nền kinh tế và sự ổn định của chế độ đều có mối liên hệ với nhau. Nếu vấn đề hạt nhân không được giải quyết, nền kinh tế sẽ không khá hơn và điều đó có thể mở ra khả năng xảy ra bất ổn trong xã hội của Triều Tiên”, giáo sư Park nói.

Triều Tiên rất cần được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế để xây dựng nền kinh tế của mình, vốn đã chịu ảnh hưởng tiêu cực sau nhiều thập kỷ quản lý yếu kém và chi tiêu quân sự mạnh tay.

Mỹ và Triều Tiên đã không gặp gỡ công khai kể từ sau cuộc họp giữa các quan chức cấp cao vào tháng 10 năm 2019. Hai tháng sau đó, ông Kim tuyên bố tại một hội nghị chính trị trong nước rằng sẽ mở rộng hơn nữa kho vũ khí hạt nhân trước sức ép “kiểu xã hội đen” của Mỹ, đồng thời kêu gọi người dân kiên cường trong công cuộc tự lực kinh tế.

Nhưng đại dịch COVID-19 đã cản trở một số mục tiêu kinh tế lớn của ông Kim do Triều Tiên phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc, khiến huyết mạch kinh tế bị tê liệt.

Báo cáo từ giới tình báo Hàn Quốc chỉ ra rằng quy mô thương mại hàng năm của Triều Tiên với Trung Quốc đã giảm 2/3 xuống còn 185 triệu USD tính đến tháng 9 năm 2021.

Triều Tiên cũng lo lắng về tình trạng thiếu lương thực, giá hàng hóa tăng cao và thiếu hụt nhu yếu phẩm.

Ngã rẽ quan trọng trong thập kỷ cầm quyền của Chủ tịch Triều Tiên ảnh 2

Hàng loạt các cuộc gặp mặt với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thể giúp ông Kim Jong-un đưa Triều Tiên thoát khỏi khó khăn. Ảnh: AP

Giáo sư Andrei Lankov từ Đại học Kookmin (Hàn Quốc), cho biết: “Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, cho dù có thế nào đi nữa. Chủ đề duy nhất mà họ sẵn sàng nói đến không phải là giấc mơ phi hạt nhân hóa mà là các vấn đề liên quan đến kiểm soát vũ khí."

Tuy nhiên, ông Kim có thể được hưởng lợi từ cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh, vốn làm tăng giá trị chiến lược của Triều Tiên đối với Trung Quốc, giáo sư Lankov nói. Trung Quốc sẵn sàng viện trợ lương thực, nhiên liệu cho Triều Tiên, điều này giúp làm giảm áp lực buộc ông Kim phải đàm phán với Mỹ.

“Thay vì tăng trưởng, Triều Tiên sẽ trì trệ, nhưng không phải là một cuộc khủng hoảng cấp tính. Đối với Kim Jong-un và đội ngũ thân cận, đó là một thỏa hiệp có thể chấp nhận được", ông Lankov chỉ ra.

Triều Tiên đã và đang thực hiện các động thái tích cực để tái khẳng định sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, trong bối cảnh biên giới đóng cửa. Điều này làm đảo ngược những cải cách trước đó của ông Kim, bao gồm đầu tư tư nhân và để nền kinh tế hoạt động theo hướng thị trường.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy các quan chức Triều Tiên đang ngăn chặn việc sử dụng đô la Mỹ và các loại ngoại tệ khác trên thị trường, một phản ánh rõ ràng của lo lắng về việc cạn kiệt dự trữ ngoại tệ.

Khôi phục quyền kiểm soát của trung ương đối với nền kinh tế cũng có thể là yếu tố quan trọng đối với việc huy động các nguồn lực của nhà nước để ông Kim có thể mở rộng hơn nữa chương trình hạt nhân của mình.

Trong khi Triều Tiên đã đình chỉ việc thử nghiệm các thiết bị hạt nhân và tên lửa tầm xa trong 3 năm qua, thế nhưng nước này đã tăng cường thử nghiệm các loại vũ khí tầm ngắn hơn, qua đó đe dọa các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Go Myong-hyun, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nhận định: “Vũ khí hạt nhân đã đẩy ông Kim đến với mớ hỗn độn này, nhưng ông ấy đang duy trì một chính sách mâu thuẫn là thúc đẩy hơn nữa để thoát khỏi nó.”

“Các lệnh cấm vận sẽ vẫn tồn tại và việc quay trở lại nền kinh tế do nhà nước kiểm soát chưa bao giờ là câu trả lời cho Triều Tiên. Vào một thời điểm nào đó, Kim Jong-un sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn về việc ông ấy sẽ níu kéo được vũ khí hạt nhân trong bao lâu và điều đó có thể xảy ra tương đối sớm", theo giáo sư Go.

Theo AP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.