Hãng tin RT ngày 28/4 dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao của Nga cảnh báo rằng tổ chức khủng bố IS hiện có một đội quân hùng hậu được thiết giáp hạng nặng và hệ thống phòng không ở Trung Đông.
Hơn nữa, nhóm này không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động sang châu Âu, châu Phi, Trung và Đông Nam Á với hy vọng trở thành một tổ chức "khủng bố quốc tế".
Phiến quân Hồi giáo IS.
"Sức mạnh tổng thể của IS gồm khoảng 3.000 chiến binh, trong đó 19.000 người ở Iraq và 14.000 người ở Syria", RT dẫn lời Sergey Afanasiev - Phó Giám đốc cục Tình báo Liên bang Nga (GRU) cho biết trong một hội nghị an ninh tại Moscow ngày 27/4.
Trong khi đó, theo ước tính của tình báo Mỹ, số lượng các chiến binh IS hiện nay là khoảng 20-25 nghìn người. Năm ngoái, con số này là khoảng 19-31 nghìn chiến binh.
Các chiến binh IS được trang bị "xe tăng, xe bọc thép, tên lửa chống tăng và tên lửa chống máy bay, cả hệ thống phòng không vác vai di động", ông nhấn mạnh.
Hội nghị an ninh quốc tế Moscow, do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức, thu hút sự tham gia của các quan chức quân sự và ngoại giao cấp cao từ 80 quốc gia. Hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận về những thách thức an ninh quốc tế, chẳng hạn như chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.
Đại diện của Nga tham gia hội nghị gồm có Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, Tham mưu trưởng Valery Gerasimov, các quan chức quân sự hàng đầu khác và Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
"Mối đe dọa khủng bố ở châu Âu đã tăng lên đáng kể", ông Afanasiev tiếp tục và lưu ý tới các mối đe dọa từ việc các công dân châu Âu ủng hộ IS ở nước ngoài trở về và sử dụng "kinh nghiệm" của họ để gây ra các cuộc tấn công khủng bố trong khu vực.
Theo đánh giá của GRU, hơn 800 chiến binh thánh chiến đã trở về Đức trong bốn năm qua. Trong khi đó, tình hình căng thẳng kéo dài trong khu vực sinh sống của người di cư Hồi giáo ở Áo, Bỉ, Pháp và các nước Tây Âu khác đang gia tăng.
"Hơn nữa, họ cố gắng tài trợ cho các hoạt động của họ... bằng cách di cư và tăng cường buôn bán ma túy bất hợp pháp tại châu Âu", ông nhấn mạnh.
IS đang muốn vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu.
Ngoài châu Âu, IS cố tìm cách hiện diện ở Trung Á, nơi mà môi trường an ninh không bền vững do cuộc xung đột cường độ thấp ở Afghanistan. Các thủ lĩnh IS đang cố gắng đạt được quyền kiểm soát trên mặt đất bằng cách lợi dụng các cuộc xung đột trong khu vực và khuấy động mâu thuẫn sắc tộc. IS cũng đang xây dựng các căn cứ trong khu vực và thiết lập mạng lưới trại huấn luyện trên khắp Afghanistan và xa hơn nữa, ông cảnh báo thêm.
Afanasiev cũng lưu ý rằng Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, Hizb ut-Tahrir, Laskhar-e-Tayba và các phe phái Hồi giáo khác đã cam kết trung thành với IS. Sức mạnh tổng thể của IS, bao gồm các lực lượng liên kết, bao gồm khoảng 4.500 quân.
Tại châu Phi, IS dựa vào đồng minh của mình là nhóm Boko Haram, một nhóm Hồi giáo mạnh gồm 8.000 chiến binh ở Nigeria. Tại Mali, Algeria, Mauritania và Niger, nhiều nhóm liên kết với al-Qaeda đã quay sang ủng hộ IS sau một cuộc cạnh tranh tiền và ảnh hưởng.
Nếu các cuộc đàm phán liên kết với các nhóm Hồi giáo khác tiếp tục thành công, chúng ta có thể không loại trừ khả năng IS sẽ tạo ra được một tổ chức "khủng bố quốc tế".
Một xu hướng khiến tình báo Nga đặc biệt quan tâm hiện nay là sự mở rộng ảnh hưởng của IS tại khu vực Đông Nam Á. Theo lãnh đạo GRU, các lãnh đạo cấp cao của IS rất muốn mở rộng biên giới của nhà nước Caliphate tới Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines và qua đó đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng của họ "trên toàn bộ khu vực".
Để đối phó với nguy cơ trên, ông Gerasimov kêu gọi cộng đồng quốc tế phải đoàn kết các lực lượng và thoát khỏi "cách tiếp cận khối trung tâm chính trị để đấu tranh chống khủng bố". Sự thành công hay thất bại của động thái này sẽ phụ thuộc vào nỗ lực hợp tác của tất cả các nước liên quan.
Hoàng Hải