Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá giao dịch trong năm 2022, sau khi đã tăng 6 lần kể từ đầu năm.
Lần gần nhất, vào ngày 24/10, tỷ giá tăng mạnh 490 đồng lên 24.870 đồng/USD.
Đây là tín hiệu về chính sách cho thấy Ngân hàng Nhà nước chấp nhận bán USD (ở mức giá thấp hơn) ra thị trường, khi tình trạng căng thẳng kéo dài kể từ đầu tháng 10 dường như đã qua.
Bên cạnh đó, tỷ giá trung tâm theo niêm yết của Ngân hàng Nhà nước giảm 3 đồng so với phiên trước, dứng ở mức 23.683 đồng/USD. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại phải tuân thủ là 22.499-24.867 đồng/USD.
Trên thị trường, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại sáng nay cũng giảm nhẹ so với phiên trước.
Trong hơn 1 tuần trở lại đây, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại, giá bán USD cũng liên tục được điều chỉnh giảm tuy nhiên vẫn luôn neo ở mức kịch trần cho phép.
Đáng chú ý, trong khi giá bán USD liên tục đi xuống thì nhiều ngân hàng thương mại lớn có động thái nâng mạnh giá mua USD thêm 120-130 đồng/USD từ đầu tuần đến nay. Theo đó, chênh lệch giá mua và bán USD đã thu hẹp từ khoảng 280 đồng xuống còn 150 đồng.
Cùng với tỷ giá, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã bớt căng thẳng. Lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 4,82%/năm trong phiên giao dịch hôm qua, thay vì mức 8% hồi tháng 10/2022. Các kỳ hạn khác cũng giảm 0,11%-0,44%.
Trên thị trường mở, trong phiên giao dịch hôm qua, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 2.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6,0%. Có 871,46 tỷ đồng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn.
Như vậy, trong 3 ngày qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hút ròng hơn 19.000 tỷ đồng từ thị trường qua kênh cầm cố.