Theo Phó thống đốc của BoC Toni Gravelle, ngân hàng này sẽ sẵn sàng hành động trong trường hợp xuất hiện căng thẳng nghiêm trọng trên toàn thị trường và sẽ hỗ trợ thanh khoản cho toàn hệ thống.
Ông Gravelle cũng đề cập sự cố sụp đổ hệ thống lương hưu tại Anh năm ngoái và nói rằng BoC sẽ được chuẩn bị tốt hơn cho những cuộc khủng hoảng kiểu như vậy, cho phép họ cung cấp thanh khoản không chỉ cho hệ thống ngân hàng mà còn cho các quỹ hưu trí và các tổ chức khác phải đối mặt với những căng thẳng về tài chính.
Sự sụp đổ của các ngân hàng Silicon Valley và Signature tại Mỹ, tiếp đến là vụ ngân hàng đầu tư quốc tế UBS giải cứu ngân hàng Credit Suisse tại Thụy Sĩ khiến các chuyên gia trong Ngân hàng Trung ương Canada theo dõi chặt chẽ những khả năng căng thẳng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tín dụng. Hiện tại, tình trạng căng thẳng ngân hàng ở Mỹ dường như đã được kiểm soát. Hệ thống tài chính về tổng thể vẫn đứng vững bất chấp sự thất bại của các ngân hàng. Tuy nhiên, ông Gravelle nói rằng nếu có một cuộc khủng hoảng lớn khác mà ngân hàng không thể giải quyết thông qua các công cụ hỗ trợ của mình và bị cuốn vào những tình huống khẩn cấp, thì có thể phải nhờ tới những hoạt động có quy mô lớn hơn như việc mua bán trái phiếu của Chính phủ Canada.
Cũng theo Phó thống đốc của BoC, cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và sự khởi đầu của đại dịch COVID-19 là những ví dụ về việc ngân hàng có thể can thiệp và rút ra được những bài học cho tương lai. Về việc quản lý các biện pháp đặc biệt trong đại dịch COVID-19, ông Gravelle cho rằng BoC sẽ tìm cách truyền đạt tốt hơn chương trình nới lỏng định lượng của ngân hàng tới công chúng, phân biệt rõ ràng giữa việc mua tài sản cho hoạt động thị trường và mua tài sản cho chính sách tiền tệ.
Vào lúc cao điểm, Ngân hàng Trung ương Canada đã có 440 tỷ CAD trái phiếu chính phủ và hiện đang có khoảng 200 tỷ CAD (gần 149 tỷ USD). Ông Gravelle khẳng định việc siết chặt định lượng sẽ ngừng lại khi lượng trái phiếu được nắm giữ vào khoảng từ 20 tỷ đến 60 tỷ CAD.