Sản xuất có thể bị đình trệ
Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng 2019 và xu hướng 2020” được công bố tại hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh biến động thị trường” cho thấy, năm 2019, ngành gỗ bỏ ra gần 2,55 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam, chủ yếu là gỗ nguyên liệu. Trung Quốc, châu Phi, Mỹ, EU là các nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, với tổng giá trị trên 1,7 tỷ USD.
Trong đó, Trung Quốc là quốc gia cung cấp các loại ván lớn nhất cho Việt Nam với giá trị nhập khẩu đạt 395,5 triệu USD, chiếm 60% trong tổng kim ngạch tất cả các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Dịch viêm phổi cấp Covid-19 đã làm cho luồng cung này hiện đang bị dừng lại. Lượng hàng đã nhập trước đó doanh nghiệp Việt đủ nguyên liệu sản xuất trong vòng 1 - 2 tháng nữa.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là nguồn cung phụ kiện quan trọng cho ngành gỗ của Việt Nam. Các doanh nghiệp tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng như dây đai, phụ kiện, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất và một số mặt hàng kim loại khác từ Trung Quốc. Trong các sản phẩm từ gỗ, nguyên liệu gỗ chiếm 35%, còn lại là các vật liệu phụ khác chiếm 65%. Điều đáng nói, hiện các vật liệu phụ mặc dù có xuất xứ từ Mỹ nhưng vẫn sản xuất tại Trung Quốc.
Theo đánh giá của ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, nếu hết giai đoạn này dịch chưa dừng lại, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ Việt Nam cần tìm kiếm nguồn hàng thay thế hoặc phải đình trệ sản xuất.
Không chỉ các doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng mà dịch Covid-19 còn tác động trực tiếp đến các nhà máy Trung Quốc và các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia khác hoạt động tại Việt Nam, phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung gỗ nguyên liệu và các mặt hàng phụ trợ khác. Chính sách phong tỏa phòng dịch khiến các nhà máy chưa được phép quay lại hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 2014 đến nay, Trung Quốc có 184 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động trong ngành. Năm 2019 có 93 doanh nghiệp của Trung Quốc tham gia xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam.
Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty LD Woodland cho biết: “Sự gián đoạn cung ứng này cũng gây ra tác hại lớn cho doanh nghiệp. Với một số khâu sử dụng kỹ thuật Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Hiện nay có nhiều nhà máy phải dừng lại vì chuyên gia Trung Quốc không sang được để tham gia vào quá trình hoàn thiện sản phẩm…”
Ông Bằng phân tích thêm, Woodland không xuất khẩu hàng sang Trung Quốc nhưng bị ảnh hưởng do một số nguyên liệu sử dụng nhà cung cấp Trung Quốc. Một số phụ kiện hay vật liệu phủ bề mặt như sơn được nhập từ Trung Quốc cũng gây ra ảnh hưởng mang tính cộng hưởng tới xuất khẩu của doanh nghiệp. Ví dụ, mặt hàng sơn chỉ chiếm 7% giá thành của sản phẩm nhưng chỉ vì không có loại sơn đang sử dụng toàn bộ lô hàng sử dụng vật liệu đó sẽ bị ảnh hưởng.
Ở góc nhìn khác, ông Bằng cho rằng, bên cạnh tác động tiêu cực do dịch Covid-19 gây ra hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng có ý nghĩa tích cực về lâu dài. Đó là giúp doanh nghiệp ngày càng có ý thức hơn trong sử dụng nguồn cung nội địa hóa. Với Woodland thời gian tới doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn nữa trong kiếm tìm các nhà cung cấp Việt Nam.
Chậm trễ xuất khẩu dăm gỗ
Dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát vào tháng 12/2019 đang và sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến mối quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia và các nguồn cung xuất khẩu khác của Việt Nam đi các nước.
Dăm gỗ là mặt hàng quan trọng nhất được xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc, với kim ngạch năm 2019 đạt 972,2 triệu USD, chiếm 79,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc trong cùng năm. Dịch viêm phổi cấp Covid 19 khiến cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng.
Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho hay, điều này đang và sẽ tiếp tục gây ra tình trạng chậm chễ trong việc xuất khẩu dăm của Việt Nam sang thị trường này.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã quyết định dừng dỡ hàng ở một số cảng và tăng cường biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng, bao gồm hàng vận chuyển bằng tàu biển và điều này cũng gây ra khó khăn trong xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam.
Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã chính thức được phê chuẩn. Thực thi Hiệp định trong tương lai có thể góp phần mở rộng thị phần cho các mặt hàng gỗ từ Việt Nam tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, với hầu hết các mặt hàng gỗ xuất khẩu vào EU hiện đang có mức thuế rất thấp (từ 6% trở xuống), và thực thi chính thức Hiệp định sẽ chỉ bắt đầu sau khi Quốc hội 2 bên phê chuẩn, trong năm 2020 sẽ khó có thể có những bước đột phá trong việc mở rộng thị phần cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam tại EU.
Chính phủ Mỹ vào đầu tháng 2 vừa rồi đã chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước đang phát triển. Điều này có thể tạo ra những tác động đến việc Việt Nam xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vào thị trường này./.