Ngày mai ở Làng Nủ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Làng Nủ bình yên, làng Nủ xanh mát, làng Nủ… Cho đến cái ngày định mệnh 10/9. Cơn lũ từ đỉnh núi Voi đã san phẳng 37 ngôi nhà. Biến xóm làng bình yên trở thành một bãi bùn đất khổng lồ, tan hoang, tang tóc.
Ngày mai ở Làng Nủ

Ngày đại tang làng Nủ

Nủ nằm yên bình giữa thung lũng núi Voi, men bên suối Vằng Cuồng, nơi những người Tày bao đời nay sinh sống, gần như miễn nhiễm với bão lụt.

Nủ 35 hộ nghèo, nhưng không đói. Cây lúa đâm hạt nảy mầm bên cánh đồng trù phú hai bên bờ suối. Cuộc sống có thể còn chưa giàu có nhưng người dân nơi đây chan hòa với thiên nhiên, chưa từng biết đến lũ ống, lũ quét. Anh Hoàng Ngọc Xư, bí thư chi bộ thôn nói Nủ yên bình đến mức hồi lũ lụt lịch sử năm 2008 cũng không ai làm sao cả.

Cho đến hôm ấy!

Hiểm hoạ bắt đầu từ phía núi Voi, phía thượng nguồn. Hiểm hoạ đến trong những khối đá to bằng con bê, con nghé. Sau những ngày mưa liên miên, vào một sáng sớm tinh mơ, cả vạn triệu khối đất đá tan rữa trong nước như một thứ cháo đặc cuồn cuộn đổ về. Đất, đá, cây cối theo lũ nhào xuống nhanh đến quay đầu không kịp chạy giữa cuồn cuộn những tiếng sôi réo như thể động rừng. Những nhà cửa, ruộng vườn trâu bò của 37 hộ dân tức khắc chôn vùi trong đất lạnh.

41 người vĩnh viễn ra đi khi còn chưa kịp thức giấc.

Đó là buổi sáng ngày 10/9. Ngày đại tang của làng Nủ.

Ngày mai ở Làng Nủ ảnh 1

Buổi sáng hôm đó, Hoàng Văn Duân dậy từ 6 giờ sáng. Anh lội ra xem ruộng có bị ngập không. Hôm đó, vừa dứt bão Yagi, trời mưa như trút nước suốt từ ngày mùng Bảy. Nửa đường quay về từ nhà ông nội, Duân nghe tiếng nổ cực lớn. Từ phía thượng nguồn núi Voi, khối đen đen đang ầm ầm đổ tới. Duân, khi đó chỉ kịp hô mọi người chạy ngay đi.

Run rủi thế nào, tối trước Duân để vợ con đều ngủ lại nhà ông nội. Cả gia đình khi đó tháo chạy lên ven đồi không cả dám nhìn lại phía sau.

Cho đến ba ngày sau Duân mới trở về sau thảm hoạ. Sự trở về được mô tả như một “kỳ tích”, một “điều thần kỳ”. Nhưng Duân hoàn toàn không vui khi nghe những mỹ từ ấy. Người Tày có câu “Pỉ noọng bặng khen kha đúc nựa” (Anh em như thể tay chân xương thịt). Bà con chòm xóm kẻ còn người mất. Nhà cửa ruộng vườn đã bị san phẳng hết rồi.

Như Duân, cũng chỉ còn duy nhất một chiếc điện thoại.

Sáng đó, ông Hoàng Văn Nhớ thức dậy sớm sau một giấc ngủ ngắn đầy mộng mị. Nền nhà ông từ tối đã xuất hiện vết nứt như bị bửa bằng xà beng. Riêng ông Nhớ thấp thỏm thức đến 3 giờ sáng. Mệt mỏi! Ông thiếp đi. Và lúc tỉnh dậy thì giữa một vũng bùn đất cây cối ướt nhoẹt nhão nhoét và lạnh giá. Bằng một cách thần kỳ nào đó, ông Nhớ có thể đứng dậy. Nghe tiếng kêu cứu gần đó, ông lội thụt xuống kéo lên được một người. Và cũng thật thần kỳ, người được cứu chính là con gái ông Nhớ.

Sáng đó, Hoàng Văn Nhầm thức dậy sớm. Nước suối không hiểu sao bỗng lặng đi bất thường. Nhầm - trong một linh tính chưa từng có - giục vợ con dậy sớm để lên đồi xem thế nào. Vợ anh, chị Hoàng Thị Hương bế con gái nhỏ, Nhầm dắt hai đứa lớn. Cả nhà líu díu men theo phía vườn quế. Rồi bỗng như thể có người túm chân anh kéo xuống. Rồi tất cả tối sầm. Rồi cả cơ thể anh như trong một chiếc máy giặt. Rồi Nhầm bỗng dưng mắc lại ở một đâu đó và được một ai đó kéo lên. Anh may mắn “chỉ” bị đa chấn thương, chỉ gãy chân.

Nhưng cả vợ anh, cả ba con gái anh đều không có được may mắn ấy.

Cái Ngân 12 tuổi, cái Linh 10 tuổi, cái Lan… lẽ ra năm nay vào mẫu giáo. Chỉ cách nhau 3 bước chân mà giờ thì…

37 nóc nhà khi đó có 158 người. Đa số vẫn đang say giấc. Đa số không hề biết điều gì đã xảy ra. Và đa số không còn có thể kể lại được đời gì nữa. 41 người của bản bị lũ chôn vùi ngay tức khắc. Gà chó cũng không còn một con. Nhà cửa ruộng vườn ao chuồng giờ chỉ còn là một cánh đồng bùn đất.

Ngày mai ở Làng Nủ ảnh 2

Một chiếc máy xúc bị lũ vò nát, cuốn trôi hơn 1km

Chúng tôi xem đi xem lại tấm bản đồ đối sánh tại sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, rồi ngược lên phía núi Voi. Thật khó để hình dung nổi bức tranh làng Nủ với những mái nhà chiều chiều lên khói, tới tiếng bò trâu lục cục vào chuồng, với tiếng trẻ bi bô gọi cha gọi mẹ. Khi mà giờ đây tất cả chỉ còn lại những bầy hầy bùn đất. Dòng suối lũ ấy giờ xòe ra như một chiếc chổi sể rộng hàng trăm mét, trượt trôi suốt 1,3km trải rộng trên một diện tích ước tính 21ha.

Đang tiếp tục là những ngày tìm kiếm. Hơn 600 con người, thuộc đủ các sắc áo, quân đội, công an, dân quân… áo phao cuốn quanh mình, tay cầm cọc thăm, lê la dưới nắng gay gắt để bới, để tìm… đặng bù đắp về mặt tinh thần cho mất mát của những người còn chưa thấy người thân.

Đổi lại, chỉ là những thi thể có khi không còn nguyên vẹn, phải nhận dạng qua những dấu vết riêng.

Đổi lại, danh sách mất tích càng ngắn lại, danh sách nạn nhân càng dài thêm ra.

Trong vòng tay đồng bào

Suối Vằng Cuồng giờ vẫn lạnh lùng chảy. Như chẳng gì liên quan đến những mất mát đau thương.

Bao đời nay người làng Nủ đã dưới núi, bên suối. Với đầm ấm, thanh bình. Và giờ cũng vẫn những con người ấy, dưới chân núi ấy, bên bờ suối ấy… đang tan tác tuyệt vọng.

Vợ chồng Ních hai năm trước vay mượn tứ tung, dồn tiền tích cóp cả đời để dựng lên được một ngôi nhà.

Đó là một tổ ấm với bờ vai của chồng, với vòng tay, tiếng gọi mẹ của hai đứa nhỏ.

Ních, vì tổ ấm của mình phải đi làm công nhân may ở xa. Lương tháng 7 triệu đồng. Tằn tiện, tự mình bóp mồm bóp miệng mỗi tháng cũng gửi được một ít về nhà để nuôi con và trả nợ.

Giờ, Ních mất hai đứa con. Chồng Ních được đưa về Hà Nội cấp cứu. Nặng lắm. Mẹ chồng Ních cũng bị vùi lấp, còn chưa tìm thấy. Người em nữa, cũng đang thập tử nhất sinh ở bệnh viện.

Còn nhà cửa thì…

Giờ, Ních chỉ còn mỗi nợ nần và đau đớn.

Ngày mai ở Làng Nủ ảnh 3

Đặng Thị Ních đã mất cả hai đứa con trong trận lũ.

Khi tôi gặp Ních, cô hoặc không còn nước mắt để khóc. Cũng có thể đôi khi, người ta không còn có thể rơi nổi nước mắt nữa. Vì quá đau khổ.

Hôm chúng tôi thăm Hoàng Văn Nhầm ở bệnh viện, anh nói “ngày mai” chưa hình dung sẽ về đâu, sẽ như thế nào.

Nhà Nhầm có nhà sàn - dù cũ thôi, có 6.000 gốc quế, có 2 trâu, 2 sào ruộng, mỗi năm thu 60 bao lúa. Bất cứ ngày nào nông nhàn, anh cắp bay đi xây thuê, để tháng có thêm dăm triệu. Cái Lan, 3 tuổi, năm nay sẽ đi học mầm non.

Cuộc sống vậy cũng ổn. Chưa giàu nhưng không đói, không nợ nần ai. “À! Trừ món nợ 50 triệu đồng vay ngân hàng để trồng quế”.

0,2 “héc”, 6.000 gốc quế sang năm nhẽ ra đã có thể chỉa cành.

Nhầm ví anh giờ “như một đứa trẻ sơ sinh” (theo nghĩa trần trụi, không còn gì).

Chưa thể thống kê được hết những thiệt hại ở Nủ, hoặc đúng hơn, chẳng còn lại gì để mà thống kê. Huống chi nào ai đong đếm được những nỗi đau tinh thần.

Nhưng Nủ không vô danh, không hề bị bỏ rơi, cũng không vô vọng.

Buổi chiều 12/9, sau khi chống gậy lội bùn trực tiếp thị sát hiện trường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho địa phương, đã hứa với người làng Nủ sẽ sớm ổn định cuộc sống người dân trên tinh thần tái thiết lại Làng Nủ sau lũ, với một ấn định 31/12/2024.

Đất đã được khảo sát, đo vẽ ngay trong ngày 13/10.

Chiều qua 14/10, huyện đã tổ chức họp dân. Làng Nủ mới sẽ được xây dựng cách địa điểm cũ khoảng hơn 1,5km, tại một vị trí đảm bảo an toàn, điều kiện sống tốt hơn, có hệ thống giao thông thuận lợi. Ở đó, sẽ có những mái nhà sàn với khuôn viên và một diện tích cho người dân có thể chăn nuôi bảo đảm cuộc sống.

Chính phủ, chính quyền chắc chắn sẽ không để ai bị đói, không bỏ lại người dân nào phía sau.

Bữa ở Nủ, chúng tôi chứng kiến anh Mạnh - Chủ tịch xã - ở vào tình huống ngất xỉu. 4-5 ngày liền bám trụ địa bàn, lại tiểu đường tuýp 2 đến bữa chưa kịp ăn vì quá bận.

Hình như tất cả đều đang nỗ lực nhất, nhanh nhất vì một cuộc sống mới ở Nủ.

Những ngày vào Nủ, chúng tôi chứng kiến những đoàn xe tải căng băng rôn về Bảo Yên, tới Phúc Khánh, vào Nủ. Cả ngàn chiếc.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn, Quỹ Trò nghèo vùng cao, người cũng vào làng Nủ tìm cách giúp đỡ đồng bào - nhìn những đoàn xe ấy mà nhắc đến 4 chữ “tài nguyên đồng bào”.

Đất nước mình giàu lắm thứ tài nguyên không bao giờ cạn kiệt ấy.

Tính đến thời điểm 17 giờ ngày 14/9, lực lượng chức năng đã tìm thấy thêm thi thể của 3 nạn nhân mất tích tại Làng Nủ. Như vậy, thôn đã có 51 người chết, 33 người mất tích, 17 người bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.

Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.
Bão Beryl là cơn bão cấp 5 đầu tiên hình thành vào tháng 6 khi bắt đầu mùa bão Đại Tây Dương. Ảnh: Nasa
Nguyên nhân đẩy nhanh tốc độ gió bão Đại Tây Dương năm 2024
(Ngày Nay) - Viện nghiên cứu Climate Central công bố một công trình cho thấy nhiệt độ đại dương ấm lên do con người gây ra đã làm tăng tốc độ gió tối đa của mọi cơn bão Đại Tây Dương trong năm 2024. Điều này phản ánh cách thức mà biến đổi khí hậu đang khuếch đại sức mạnh hủy diệt của các cơn bão.
Núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia, phun trào ngày 8/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Indonesia cảnh báo nguy cơ lũ dung nham lạnh gần núi lửa Lewotobi
(Ngày Nay) - Ngày 20/11, giới chức Indonesia cho biết núi lửa Lewotobi Laki-laki tiếp tục hoạt động mạnh khiến 3 ngôi làng trong khu vực Đông Flores, tỉnh Đông Nusa Tenggara có nguy cơ cao phải hứng chịu lũ dung nham lạnh từ các con sông bắt nguồn từ đỉnh núi trên. Các ngôi làng này nằm trong bán kính 7 km tính từ miệng núi lửa.