Chị Vân Anh (Tư Mắt Kính) lạc quan trong quá trình điều trị bệnh. Ảnh: NVCC |
Chị Tư tên thật là Lương Thị Vân Anh, 44 tuổi. Chị Tư là viên chức trong ngành công tác xã hội, trực thuộc sở lao động thương binh xã hội TP.HCM.
Một buổi chiều năm 2017, chị phát hiện bản thân mắc bệnh Carcinom tuyến vú di căn hạch nách giai đoạn 3 khi cảm thấy có một khối u bất thường ở ngực trái. Lúc nhận được tin, chị hoang mang vì bản thân vẫn luôn đi khám định kì nhưng các kết quả trả về đều bình thường.
Trước khi bị bệnh, chị chỉ biết rằng ung thư là một bệnh rất khó chữa trị và sẽ dẫn đến cái chết. Chị không hề biết rằng rất nhiều khó khăn đang chờ mình phía trước…
Những nỗi lo của bệnh nhân ung thư
“Chiến binh” là tên mà mọi người dùng để gọi những bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Bởi họ phải trải qua và chiến đấu với những đau đớn về thể xác, tinh thần lẫn thể chất. Và chị Tư cũng là một chiến binh như vậy.
Năm 2017, khi phát hiện bệnh, chị quyết định giấu bệnh và chữa trị một mình.
“Mình rất ngu ngơ, nghĩ rằng ung thư chỉ cần phẫu thuật, cắt đi là được”, chị kể lại.
Chị lưỡng lự, không biết phải thông báo đến gia đình thế nào bởi cha mẹ thì đã già, con gái thì còn nhỏ, chị lại là mẹ đơn thân. Gia đình sẽ xáo trộn nếu nhận được tin này.
Sau 10 ngày làm tất cả xét nghiệm và chẩn đoán, chị nhận được kết quả chính xác. Đó là lúc chị quyết định nói với gia đình: “Mới đầu, mình định giấu bệnh để cuộc sống gia đình không bị sáo trộn. Nhưng khi đi sâu vào cuộc chiến này, mình biết được rằng mình không thể một mình. Thứ nhất là vì tư liệu căn bệnh này quá nhiều và mình cần phải tìm hiểu; thứ 2 là tinh thần; thứ ba là tài chính”.
Nhận kết quả bệnh khiến chị “nặng đầu” nhưng chị chỉ thực sự suy sụp khi nhận phát đồ điều trị với chi phí lên đến 1 tỷ đồng. Là một viên chức, lúc đó, túi của chị chỉ có vỏn vẹn 10 triệu đồng.
“Mẹ đưa mình 10 triệu. Đó là tất cả tiền dành dụm của mẹ. Mình không đành lòng. Cả gia đình mình gom góp lại chắc chỉ được khoảng 100 triệu đồng. Lúc đó, mình xác định “chẳng lẽ mình chết” nhưng mình không chấp nhận chết kiểu này. Sau một đêm trắng suy nghĩ, mình nói rằng mình phải sống”, chị chia sẻ.
Sau đó, chị tìm đến sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp. Có người giúp tiền bạc, có người ủng hộ tinh thần. Chỉ cần một ly trà, một cuộc gặp gỡ cũng khiến chị có niềm tin hơn. Cũng từ đó, gia đình chị Tư gắn kết với nhau hơn.
Chị nhớ lại: “Từ đó, những cơn hóa trị đau đớn của mình luôn có người bên cạnh”.
Con gái là người bạn đồng hành cùng chị trong quá trình chữa bệnh. Ảnh: NVCC |
“Bà nhớ nha, bà phải tự cứu lấy bà”
Kể từ năm 2017 đến nay, chị Tư đã trải qua tổng cộng 18 toa hóa – sinh. Song song đó là 14 tia xạ. Chị kết thúc liệu trình xạ vào 6/2018 và liệu trình truyền thuốc sinh học vào 1/2019. Chị uống thuốc và “sống chung với lũ”, theo cách nói của chị Tư, đã được 2 năm.
Mặc dù quá trình trị bệnh đau đớn và mệt mỏi, chị vẫn luôn vui tươi và lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người.
“Nhiều người khi đến thăm tỏ ra bất ngờ vì mình không ủ rủ, tiều tụy nhưng lại tràn đầy sức sống. Có nhiều bệnh nhân như vậy lắm, nhưng mình chọn sống vui tươi và sống chất lượng. Mọi người đã rất yêu thương mình thì mình phải càng cố gắng, phải tự cứu lấy mình”, chị chia sẻ.
Facebook của chị Tư thường xuyên đăng tải hình ảnh của những chuyến đi từ thiện, những hoạt động cộng đồng hoặc thời gian bên gia đình. Chị kết nối và tham gia hoạt động cùng các bệnh nhân ung thư khác ở Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam.
Khi được hỏi về nguồn năng lực tích cực này, chị cười nói rằng trong suốt những năm qua, tâm trí luôn bảo chị phải tỉnh táo, nhưng tâm can lại vô cùng lo lắng “lỡ mình chết thì sao?”. Vì thế, việc “sống chất lượng”, mỗi ngày trôi qua thật vui vẻ và ý nghĩa là điều mà chị luôn nhắc nhở mình.