Nghệ sĩ Chí Tâm: Người gieo mầm lặng lẽ của nghệ thuật cải lương!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vào ngày 24/11 tới đây, nghệ sĩ Chí Tâm sẽ xuất hiện trong vai trò giám khảo cuộc thi “Tài tử miệt vườn” do đài truyền hình Đồng Tháp tổ chức. Đây là một chuỗi trong nhiều hoạt động mang tính truyền thụ nghệ thuật cải lương mà anh đã gắn bó nhiều năm qua, kể từ ngày trở về Việt Nam hoạt động nghệ thuật.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng anh về đời sống cải lương vào thời kỳ khốn khó. Nhưng trước khi đi vào câu chuyện, chúng tôi muốn nhắc qua một chút về anh.

Nghệ sĩ Chí Tâm: Người gieo mầm lặng lẽ của nghệ thuật cải lương! ảnh 1

Nghệ sĩ Chí Tâm

Nghệ sĩ Chí Tâm được xếp vào hàng ngôi sao thuộc thế hệ vàng của cải lương. Hình ảnh và tên tuổi của anh có thể không lung linh bằng thế hệ đàn anh, như: Minh Vương, Thanh Sang, Minh Phụng nhưng anh vẫn có những vai diễn để đời. Đến giờ, nhắc đến vai Điệp trong tuồng cải lương nổi tiếng “Lan và Điệp” của soạn giả Loan Thảo, khán giả cải lương vẫn nhớ như in hình ảnh trữ tình buồn của Chí Tâm. Chí Tâm vai Điệp và cố NSND Thanh Kim Huệ trong vai Lan đã hợp sức tạo nên một câu chuyện tình đầy trắc ẩn lấy bao nước mắt của khán giả nhiều thế hệ.

Nghệ sĩ Chí Tâm: Người gieo mầm lặng lẽ của nghệ thuật cải lương! ảnh 2

Nghệ sĩ Chí Tâm và nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền

Vở tuồng này có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức nó đã len lỏi một cách sâu sắc vào đời sống xã hội miền Nam, trở thành một trong những biểu tượng về bi kịch tình yêu. Từ cuối năm 2018 đầu 2019, từ Mỹ, nghệ sĩ Chí Tâm chính thức về nước và hoạt động nghệ thuật một cách âm thầm lặng lẽ, giản dị nhưng đầy đam mê trong vai trò nghệ sĩ trình diễn cũng như người đưa đò đầy trách nhiệm với bộ môn nghệ thuật truyền thống.

Anh đã ngồi giám khảo cuộc thi “Tài tử miệt vườn” đã nhiều kỳ, năm nay có gì khác hơn không, thưa anh?

Nghệ sĩ Chí Tâm: Cuộc thi “Tài tử miệt vườn” của truyền hình Đồng Tháp là một cuộc thi rất có ý nghĩa. Tuy không thể sánh ngang bằng “Chuông vàng vọng cổ” của HTV9 nhưng nó cũng có sức hút rất lớn, thí sinh của tất cả các tỉnh miền Tây, thậm chí cả miền Đông Nam bộ về tham dự. Năm nay, có điều đáng nói là ngoài đơn ca, còn có thêm nội dung song ca. Đây là một nội dung thách thức, vì tạo nên khó khăn cho thí sinh, mà cụ thể là gây khó cho thí sinh ca hay. Một thí sinh ca hay bốc thăm hát cùng một bạn ca dở, thế là bạn ca dở lại kéo điểm xuống thì hơi thiệt cho bạn ca hay. Tôi nghĩ ban tổ chức nên có một cơ chế đặc biệt để tránh đánh rớt thí sinh tài năng.

Điều gì khiến anh tâm đắc ở cuộc thi này, thưa anh?

Nghệ sĩ Chí Tâm: Cải lương đang rất yếu ớt. Nhiều người muốn duy trì sức sống của nó bằng nhiều hình thức, và tôi cho rằng tổ chức cuộc thi đờn ca tài tử hay mọi hình thức liên quan đến cải lương là cách để mọi người gắn kết với bộ môn nghệ thuật truyền thống. Tại cuộc thi này, tôi phát hiện ra có nhiều bé mới 11, 12 tuổi đã thể hiện giọng ca đặc biệt. Tạo ra sân chơi để người yêu thích đến và thể hiện tài năng là phương cách sống động duy trì sức sống của đờn ca tài tử. Từ đây, truyền bá và lan tỏa khuyến khích phong trào đờn ca tài tử phát triển, mà đờn ca tài tử là một phần nền tảng của cải lương.

Từ năm 2016, anh đã cộng tác với đài truyền hình Vĩnh Long thực hiện chương trình “Khơi nguồn nhạc cổ”. Chương trình kéo dài đến nay và có lượng thính giả ngày càng tăng. Mong muốn của anh qua chương trình này là gì?

Nghệ sĩ Chí Tâm: Người gieo mầm lặng lẽ của nghệ thuật cải lương! ảnh 3

Nghệ sĩ Chí Tâm và vợ là chị Minh Tuyền (đứng giữa) cùng khán giả hâm mộ

Nghệ sĩ Chí Tâm: Nhạc cổ được hiểu ở đây là âm nhạc dân tộc, cụ thể là cải lương. Đây là bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc đang có nguy cơ mai một. Nếu thế hệ trước không truyền thừa, chuyển tải những nét đẹp và độc đáo cho thế hệ sau thì đến một ngày nào đó chẳng còn ai trân trọng nữa, thậm chí là không biết nó từng tồn tại. Trong chương trình, tôi giới thiệu các bài bản cải lương, giới thiệu xuất xứ của từng bài ca, điệu hát để thính giả nắm rõ hơn và từ đây có thể khơi gợi sự yêu thích.

Có một thời kỳ, đời sống cải lương phía Nam xuất hiện nhiều nhà hàng, quán rượu có sự phục vụ của các nghệ sĩ cải lương. Ở đó, trong nhiều trường hợp, người nghệ sĩ phải hạ mình chiều ý thượng đế khiến nhiều khán giả trung thành với bộ môn nghệ thuật truyền thống này thấy buồn lòng. Anh nghĩ gì về điều này?

Nghệ sĩ Chí Tâm: Bản thân tôi không bị áp lực mưu sinh phải hát ở những quán rượu, nhà hàng nhưng tôi biết điều gì xảy ra ở đó. Tôi có buồn cho thân phận nghệ sĩ trong thời điểm khó khăn và thông cảm với họ. Nghệ sĩ ai cũng khát khao được đứng trên sân khấu lung linh, nhưng rạp hát không sáng đèn thì biết phải làm gì, họ phải tìm cách tồn tại. Nhưng tổ nghiệp sân khấu linh thiêng bạn ạ, tôi có cảm giác các vị đã xoay chuyển để sau này nghệ sĩ cải lương được mời hát trong các bữa tiệc gia đình và nhiều dịp khác nhau. Nhờ vậy, mà các quán rượu kiểu ấy đã không còn tồn tại nữa, dù sân khấu cải lương vẫn khó khăn.

Nghệ sĩ Chí Tâm: Người gieo mầm lặng lẽ của nghệ thuật cải lương! ảnh 4

Nghệ sĩ Chí Tâm thời trẻ

Hồi ở Pháp và Mỹ, anh cũng có hoạt động cải lương, cụ thể là gì thưa anh?

Nghệ sĩ Chí Tâm: Hồi mới qua Pháp, tôi không có cơ hội hoạt động nghệ thuật. Bà xã cũ Hương Lan đi hát cho các phòng trà, tôi phải làm việc khác để còn chăm lo con cái. Lúc đầu tôi làm thợ mộc, sau đó tôi xin được việc tại nhà máy sản xuất con chip cho ngành hàng không vũ trụ. Công việc giúp tôi có nguồn thu nhập ổn định rồi mới tính tới ca hát. Tôi cùng Minh Tâm – Tài Lương thành lập đoàn cải lương Năm Châu tại Paris. Chúng tôi dựng các trích đoạn ngắn, tuồng ngắn thuộc thể loại tuồng cổ kể về nguồn gốc Việt Nam. Trình diễn được thời gian thì ngưng. Sau đó, tôi qua Mỹ. Tại Mỹ, tôi sáng lập chương trình “Tiếng tơ đồng” chuyên giới thiệu về cổ nhạc Việt Nam kéo dài đến giờ. Ngoài ra, tôi ít khi tham gia các show diễn gì khác. Năm 2018, chính thức về Việt Nam.

Mong muốn hiện tại của anh là gì?

Nghệ sĩ Chí Tâm: Tôi nguyện cầu tổ độ cho cải lương sống mãi. Tôi vẫn hát bằng tất cả nhiệt huyết của mình. Bên cạnh đó, tôi tận dụng mọi cơ hội để truyền thụ lại cho giới trẻ tất cả tinh túy của cổ nhạc cải lương. Tôi hy vọng rằng từng hạt mầm đam mê cải lương mà tôi gieo xuống sẽ có lúc nảy mầm và đơm hoa kết trái trong một ngày không xa.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện & chúc anh luôn bình an!

Video: Nghệ sĩ Chí Tâm biểu diễn trích đoạn Lan và Điệp tặng bạn đọc Ngày Nay

Nghệ sĩ Chí Tâm tên khai sinh là Dương Chí Tâm, sinh năm 1952 trong gia đình kinh doanh tạp hóa khá giả tại thị trấn Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Cha anh là người mê cổ nhạc nên truyền đam mê này cho anh. Ông gửi anh đi học đờn và các bài bản cải lương tại địa phương, lúc anh 5-6 tuổi. Khi các thầy ở quê hết bài dạy dỗ, cha gửi anh lên Sài Gòn thọ giáo thầy Yên Sơn, cũng là tổng giám đốc hãng dĩa Continetal. Thầy Yên Sơn thu dĩa đá, dĩa nhựa cho Chí Tâm và phát hành số lượng lớn. Các đài truyền thanh cũng phát lại các bài hát do anh trình diễn. Vào khoảng 12 tuổi, anh đã nổi tiếng với nghệ danh Bé Chí Tâm. Đây là tiền đề để sau này anh lọt vào mắt xanh ông bầu đoàn Kim Chung và tỏa sáng tại đoàn Kim Chung 5.

Đến trường không chỉ để học
Đến trường không chỉ để học
(Ngày Nay) - Cùng với chương trình giáo dục phổ thông, rất nhiều trường học đang chú trọng phát triển các hoạt động ngoại khóa nhằm phát triển toàn diện cả thể chất, tinh thần và kỹ năng mềm cho học sinh.
Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi tăng cường viện trợ cho Gaza
Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi tăng cường viện trợ cho Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 18/11 (giờ New York), các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho những người dân đang gặp khó khăn ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo rằng tình hình ở khu vực này đang trở nên tồi tệ hơn.
An Giang: Nguyên cán bộ Tỉnh mất nhà ra chòi ở chờ công lý
An Giang: Nguyên cán bộ Tỉnh mất nhà ra chòi ở chờ công lý
(Ngày Nay) - “Ba mẹ tôi yêu dân tộc, yêu quê hương đất nước, yêu vùng đất An Giang này như hơi thở và tin tưởng tuyệt đối với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nên cứ giữ vụ việc mãi trong lòng mà thành tâm bệnh. Bổn phận người làm con, nhìn đấng sinh thành phải sống tạm bợ trong chòi lá xập xệ nhiều năm trời, tôi không chịu nổi…” - những lời lẽ thống thiết mà anh Nguyễn Kiên Cường (SN 1980, trú TP.Long Xuyên) gửi đến chúng tôi.
Ảnh minh hoạ.
Việt Nam tiếp tục đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng
(Ngày Nay) - Theo Bộ Y tế, kháng thuốc là một mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu. Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng. Việc phòng, chống kháng thuốc đòi hỏi sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm với cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau
(Ngày Nay) - Tiếp theo chương trình công tác tại Cà Mau, chiều 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025.