Gặp nghệ sĩ ngoại giữa lòng Thủ đô ngày càng… dễ
Trung tâm Hội nghị Quốc gia tối chủ nhật mới đây nườm nượp người, 4.000 chỗ trong khán phòng lấp kín chỗ. Sự có mặt của Thomas Anders – một thành viên gạo cội của ban nhạc Modern Talking đình đám những năm 80 đã khiến nhiều gia đình Hà Nội cuống quýt, bỏ cả ăn để đến sớm.
Mỗi lần Thomas Anders trình bày những bản hit của Modern Talking, đám đông ngồi dưới lại bật dậy, giơ tay cao, cùng nhau đung đưa nhảy. Khán phòng như “vỡ tung” ra dù phần lớn đều là người trung niên, đã là ông, là bố của một lũ trẻ. Đây là lần đầu tiên Thomas Anders - giọng ca năm xưa của nhóm Modern Talking - đặt chân tới Việt Nam để biểu diễn. Nhóm nhạc trung niên đã đưa 4.000 người trở về quãng thời gian 1980-1990, khi những bữa tiệc đám cưới “xập xình” nhạc Modern Talking. Cái thời mà phần lớn người dân Thủ đô nghe nhạc qua băng từ VHS hay băng cassette.
Cách đây chưa lâu, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa 2016 diễn ra ở Hoàng Thành Thăng Long chỉ có 3 nghệ sĩ Việt tham gia MMF là ca sĩ Mỹ Linh, Tùng Dương và nhóm PB Nation – con số quá ít ỏi so với hàng chục nghệ sĩ quốc tế: nhóm Scorpions (Đức), SaveUs (Đan Mạch), Last Train (Pháp), Rukhsama Merries (Anh), Kite (Thụy Điểm), DJ Julien Sato (Nhật Bản), Idiotape (Hàn Quốc)… Khi thị trường âm nhạc trong nước đang ngày càng bão hòa thì những cái tên mới mang yếu tố nước ngoài là “nam châm” có từ trường cực mạnh hút được hàng nghìn khán giả. Những năm gần đây, người dân Thủ đô đã mạnh dạn chi tiền cho cả gia đình, thậm chí rủ bạn bè đi nghe nhạc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho chính mình.
Nhóm Scorpions tại lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa 2016 |
Trước đó, năm 2015, Việt Nam cũng đã từng chào đón khá nhiều những ngôi sao quốc tế ghé thăm. Có thể kể đến như nhóm nhạc T-ara, hoa hậu Honey Lee, diễn viên Haha (Hàn Quốc), ca sĩ Katy Perry và Katharine McPhee (Mỹ), ban nhạc Michael Learns To Rock (Đan Mạch), “huyền thoại” Peabo Bryson (Mỹ)… Giữa Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Mỹ Đình, người dân Hà Nội – nhất là những trái tim thế hệ 6x, 7x được “phen” xốn xang, hạnh phúc.
“Cuộc chơi” hên - xui với nhà tổ chức, người dân hưởng lợi
Cách đây đã lâu, khi chia sẻ với báo chí về việc mời nghệ sĩ Peabo Bryson trình diễn tại chương trình In The Spotlight, ông Trần Thanh Tùng (Giám đốc chuỗi chương trình) từng thừa nhận: “Chúng tôi suy nghĩ đến việc hợp tác giữa các nghệ sĩ nước ngoài để tạo cơ hội cho các nghệ sĩ Việt Nam và Quốc tế có sự giao lưu cũng như giao thoa nghệ thuật. Đây thực sự là một “cuộc chơi”, còn bài toán kinh tế của những chương trình như thế này chúng tôi sẽ để ở vị trí thứ 2”.
Tương tự, khi họp báo về đêm nhạc của “ông hoàng tình ca” Peabo Bryson nổi tiếng, đại diện công ty Mỹ Thanh – nhà tổ chức chương trình tiết lộ: “Nếu như các chương trình trong nước chúng tôi luôn đầu tư ở mức tiền tỉ thì chắc chắn một chương trình tầm cỡ quốc tế sẽ phải tốn gấp nhiều lần hơn thế”.
Việc bỏ ra một khoản tiền “khủng” đồng nghĩa với “cuộc chơi” xa xỉ, mạo hiểm, nằm ngoài câu chuyện tiền bạc vì rất khó có thể có doanh thu lớn bù đắp được kinh phí mời nghệ sĩ quốc tế sang Việt Nam. Vì quá xa xỉ nên đêm nhạc của Peabo Bryson ở Hà Nội không cháy vé, đêm nhạc khác của Peabo Bryson ở TP HCM phải tuyên bố hủy vì không bán được vé.
Danh ca Peabo Bryson biểu diễn ở Hà Nội |
Không riêng Peabo Bryson, lịch sử cũng đã cho thấy, nhiều nghệ sĩ ngoại lừng danh về Việt Nam không đủ sức kéo người xem đến sân khấu. Liveshow của Richard Cladyerman, hay Bi Rain (Hàn Quốc) bị lỗ nặng hàng chục tỷ đồng. Ban nhạc Backstreet Boys, Westlife… vốn rất quen thuộc và nổi ở Việt Nam, khi “đổ bộ” về Việt Nam thì trớ trêu thay chẳng lấp đủ số ghế, lỗ hoàn lỗ… Trừ khi được những ngân hàng “chống lưng”, còn lại, chuyện kinh tế vẫn là chuyện đau đầu với các nhà tổ chức, “bầu sô”.
Dù thế, chấp nhận bỏ nhiều tiền, thậm chí lỗ nặng, nhiều “bầu sô” Việt vẫn nuôi ước mơ mang đến không gian thưởng thức âm nhạc mới lạ, đột phá với những nghệ sĩ quốc tế được yêu thích tại Việt Nam. Với những người yêu nhạc, đây thực sự là điều tuyệt vời vì họ có cơ hội được thưởng thức thần tượng trình diễn ngay tại Việt Nam mà không cần phải chi tiền mua vé bay sang các nước khác.
Bấy lâu nay, các sao quốc tế chỉ thường nhìn đến Thái Lan, Singapore là “bãi đáp” cho những chương trình biểu diễn của họ. Người hâm mộ Việt muốn tận mắt xem sẽ phải đáp các chuyến bay ra nước ngoài. Nhưng, khi Việt Nam được chọn, cũng là một sự tự hào nhất định, bởi điều này cho thấy sự phát triển của Việt Nam đã ở trong “tầm ngắm” của thế giới. Nói gì thì nói, trong tình trạng thị trường âm nhạc hiện nay đang quá nặng về game show, các cuộc thi truyền hình thực tế thì sự xuất hiện của những ngôi sao quốc tế đến Việt Nam luôn được đón nhận là một luồng gió mới, là sự nỗ lực cống hiến của những nhà tổ chức cho đời sống âm nhạc Việt.