Trong cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 24/4, tại Hà Nội, thông tin về Lễ đón bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một trong những nội dung quan trọng. Theo đó, buổi lễ trang trọng này sẽ được tổ chức vào ngày 5/5, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên ghi nhận: Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng, các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Kết quả này cũng đồng thời ghi nhận sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương cùng các nghệ nhân trong việc bảo vệ di sản văn hóa nói chung, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ nói riêng.
Nghệ thuật Bài Chòi sẽ đón bằng của UNESCO vào ngày 5/5, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. |
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm nhận vai trò làm Tổng đạo diễn. Chương trình được sắp xếp công phu từ sân khấu, âm thanh, ánh sáng đến dàn dựng; quy tụ gần 400 nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ của 9 tỉnh có di sản Bài Chòi tham gia, trình diễn.
Ông Nguyễn Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bình Định cho biết, bên cạnh phần lễ, phần hội cũng được trú trọng với các nội dung: Nói về cội nguồn nghệ thuật Bài Chòi; thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa, đời sống cộng đồng của người dân miền Trung; bảo tồn, phát huy giá trị của Bài Chòi trong thời gian tới. Các tiết mục, hình ảnh và làn điệu Bài Chòi đặc sắc của 9 tỉnh trong khu vực Trung bộ được trình diễn, giới thiệu trong chương trình.
Ông Thành nói: “Chương trình nghệ thuật chào mừng mang chủ đề Âm vang nghệ thuật Bài Chòi chia làm 3 chương. Chương 1 nói về quá trình hình thành và phát triển của Bài Chòi. Chương 2 tập trung nhấn mạnh nét văn hóa này đặc sắc của người miền Trung Việt Nam. Chương 3 nói về sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi của khu vực Nam Trung Bộ. Điểm nhấn của chương trình là chúng tôi huy động tất cả các nghệ nhân, NSƯT của tất cả các tỉnh có di sản Bài Chòi, để khai thác cả về hình ảnh, tính nghệ thuật, những làn điệu khác nhau làm tôn vinh giá trị nghệ thuật Bài Chòi đối với các tỉnh miền Trung Bộ của Việt Nam.
Cũng theo ông Thành, sau lễ vinh danh, tình Bình Định nói riêng và các tỉnh Trung Bộ nói chung cũng sẽ có kế hoạch cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị Bài Chòi. “Hiện nay, những người trẻ yêu mến nghệ thuật Bài Chòi không nhiều, thế nên nhiệm vụ chính của tỉnh, đặc biệt là sau khi được vinh danh, sẽ chú trọng vào việc này hơn. Một mặt là cho tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu để bảo tồn các giá trị nguyên bản của nghệ thuật bài chòi. Thứ hai là phát huy các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 50-70 nghệ nhân ưu tú. Những người này đang giữ cái gốc của nghệ thuật Bài Chòi cổ, và sẽ có nhiệm vụ trao truyền lại cho các thế hệ trẻ để giá trị nghệ thuật của Bài Chòi ngày càng được nhân rộng”.
Theo VOV