Nghịch cảnh hai võ sĩ vô địch ASIAD bị 'đá bay' khỏi SEA Games

[Ngày Nay] - Từng lập kỳ tích đoạt 2 HCV tại đấu trường đỉnh cao ASIAD 2018 song Pencak Silat Việt Nam lại đang lo không biết có đoạt nổi 1 HCV ở SEA Games 30 vào cuối năm nay hay không.
VĐV Trần Đình Nam
VĐV Trần Đình Nam

Nghịch cảnh này xuất phát từ việc các võ sĩ hàng đầu, kể cả chính hai nhà vô địch ASIAD cũng bị loại khỏi cuộc đấu này. Và nhìn rộng ra, cũng chính vì một chương trình thi đấu bị biến dạng nghiêm trọng mà ngành thể thao Việt Nam đã xác định trước nguy cơ có thể văng ra khỏi tốp 3 toàn đoàn, lần đầu tiên kể từ năm 2003.

“Hội làng” không có chỗ

Năm ngoái, chỉ trong vài tháng, võ sĩ hạng 85-90 kg môn Pencak Silat Nguyễn Văn Trí đã rơi vào vòng quay tăng rồi ép cân vô cùng khốn khổ. Trí đã phải gồng mình tăng cả chục cân để được dự ASIAD, rồi lại phải ép mình giảm đúng số cân nặng ấy để kịp đấu giải vô địch thế giới. Thế nhưng, đến SEA Games 30 năm nay, Trí tuyệt nhiên không có cơ hội. Nước chủ nhà Philippines đã đưa ra một chương trình thi đấu môn Pencak Silat hoàn toàn mới lạ, đến mức quái dị, với ý định là gạt bỏ những hạng cân nặng sở trường của Việt Nam, cường quốc Pencak Silat số một thế giới. Họ chỉ tổ chức 5 nội dung đối kháng và đó đều là những hạng cân nhẹ mà các nhà vô địch ASIAD Nguyễn Văn Trí, Trần Đình Nam hay các nhà vô địch thế giới Nguyễn Duy Tuyến, Phạm Văn Tý muốn dự giải phải ép được xuống 20-30kg, một điều không tưởng. Điều này đồng nghĩa, các ngôi sao này đã phải xác định tinh thần ngồi nhà xơi nước.

Nghịch cảnh hai võ sĩ vô địch ASIAD bị 'đá bay' khỏi SEA Games ảnh 1

Từ một chương trình tranh tài quá bất lợi như vậy, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam coi như vắt chân lên cổ chuẩn bị SEA Games với những gương mặt hoàn toàn mới, cho những nội dung không hề là sở trường, chính xác hơn là sở đoản. Trong số các nhà vô địch thế giới, châu lục và ASIAD, chỉ còn sót lại duy nhất Trần Thị Thêm ở hạng 55kg. Và như một chuyện lạ có thật, cường quốc số một thế giới về Pencak Silat, vừa đoạt tới 2 HCV ASIAD, nay chỉ mong giành 1 HCV SEA Games 30 mà cũng chưa biết có hoàn thành nổi hay không, nhất là khi vấn nạn trọng tài vẫn luôn là nỗi ám ảnh.

Có lẽ chỉ có môn đặc thù khu vực Pencak Silat và ở “hội làng” SEA Games mới có chuyện bi hài một cách vô lý và vô lối như vậy.

Lo văng khỏi tốp 3

Điều đáng nói, nghịch cảnh có thật của môn Pencak Silat này chẳng hề mới lạ ở SEA Games. 

Theo công bố của nước chủ nhà Philippines, SEA Games 30 sẽ có một chương trình thi đấu gồm 56 môn với 523 nội dung, với sự xuất hiện của hàng loạt “món” mới lạ, điển hình như võ gậy, hockey, thể thao điện tử…, song song đó là sự biến mất của nhiều môn, nội dung cơ bản, không chỉ ở Pencak Silat mà còn cả điền kinh, bơi.

Nghịch cảnh hai võ sĩ vô địch ASIAD bị 'đá bay' khỏi SEA Games ảnh 2

Như chia sẻ của Tổng cục phó Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, với một chương trình thi đấu như vậy, Việt Nam chỉ có thể dự 36 môn và 350 nội dung. Quan trọng hơn, so với kỳ SEA Games trước, chúng ta đã coi như “mất trắng” tối thiểu 30 HCV do các nội dung thế mạnh bị cắt.

Và ngành thể thao xác định mục tiêu rất nửa vời cho đoàn thể thao Việt Nam sẽ là lọt vào tốp 4, có nghĩa là có thể lần đầu kể từ SEA Games 2003 không đứng trong ba thứ hạng đầu. Việt Nam sẽ chắc chắn thua chủ nhà Philippines có ưu thế quá lớn về số môn, nội dung sở trường, Thái Lan có nền tảng, sức mạnh thực thụ, và phải tranh chấp quyết liệt với Indonesia, Malaysia, Singapore.

Chính từ đây, việc lọt vào tốp 3 SEA Games lại gây nên những tranh cãi nảy lửa, từ ngay cả các nhà quản lý chuyên môn.

Đã 8 kỳ đại hội kể từ SEA Games 22 vào năm 2003 đến nay, thể thao Việt Nam có một vị trí ổn định trong tốp 3 đoàn dẫn đầu và vì thế, việc lọt vào tốp 3 cũng đã mặc định trở thành nhiệm vụ của đoàn thể thao Việt Nam mỗi khi khi tham dự đại hội. Rất nhiều tranh cãi xung quanh mục tiêu này đã xuất hiện vì sự thiết thực của nó song cho đến cuối cùng vẫn không có bất cứ sự thay đổi nào. Và kể từ khi nhiệm vụ “vào tốp 3” gắn chặt với thể thao Việt Nam thì SEA Games dường như đã trở thành nỗi khổ, một gánh nặng, một rào cản cho những mục tiêu tầm cao như Olympic hay ASIAD.

Bởi ở một đại hội thể thao mà ngoại trừ điền kinh và bơi lội, nước chủ nhà với quyền sinh quyền sát trong tay có thể loại bỏ bất cứ môn thể thao nào, đồng thời cũng có thể đưa vào bất cứ môn thể thao truyền thống quốc gia của mình vào chương trình thi đấu, thì việc đứng thứ ba trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc không phải chuyện dễ dàng.

SEA Games cũng là đại hội thể thao quốc tế duy nhất mà cơ cấu và số lượng các môn, các nội dung ở từng môn có thể thay đổi tới 60-70% sau mỗi lần tổ chức. Thế mới có chuyện, đánh bài hay trèo tường cũng có thể được coi như một môn thi của SEA Games.

Nguy cơ thể thao Việt Nam bị đánh văng ra khỏi tốp 3 SEA Games đã rất nhiều lần  hiện hữu song đều “thoát hiểm” vào phút chót. Tuy nhiên, chưa bao giờ nó lại lớn như ở SEA Games 30 cuối năm nay.

Và nếu SEA Games cứ hệt như một “hội làng” nơi chủ nhà có mọi đặc quyền, cùng căn bệnh thời vụ đã lên tới đỉnh điểm, có lẽ việc thể thao Việt Nam “thoát” khỏi tốp 3 lại là một điều tốt, một xu thế tích cực.

Top 3 SEA Games không còn là chỉ tiêu bắt buộc

“Chúng ta sẽ tham dự một cách tích cực, hiệu quả vào đấu trường thể thao lớn nhất khu vực, tiếp tục phấn đấu đạt kết quả tốt nhất trên các mặt song chỉ tiêu tốp 3 sẽ không còn bắt buộc. Thực tế ngành thể thao đã có sự điều chỉnh, phân cấp rõ ràng để làm sao SEA Games trở thành một bước “đệm” cho ASIAD và Olympic. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm ở điểm phải đạt thành tích cao nhất ở các môn Olympic và ASIAD để không chỉ khẳng định trình độ, năng lực chuẩn bị tại SEA Games mà còn liên thông trực tiếp cho các đấu trường tầm cao”- Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.