Nghiện mua sắm – một hội chứng nguy hiểm

(Ngày Nay) - Khi mua hàng, não bộ của họ sẽ tiết ra các chất endorphin và dopamine là những chất gây nghiện. Hiện tượng này xảy ra ở khoảng từ 10 đến 15% dân số.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở tuổi 45, cô Isabella Fels, người Australia, đã chật vật đấu tranh với bệnh nghiện mua sắm trong suốt 25 năm. Từ tuổi 20, khi bắt đầu làm chủ tài chính, Isabella đã lao vào mua sắm đủ thứ quần áo, mỹ phẩm và quà tặng - đặc biệt là trong những dịp khuyến mại “mua hai tặng một”.

Có mua sắm bao nhiêu, Isabella cũng cảm thấy chưa đủ. Thoạt đầu, cô chỉ mua sắm khi tiền bạc dư dả. Nhưng rồi nhanh chóng, Isabella bắt đầu cân nhắc lựa chọn mua đồ ăn và mua quần áo. Thường thường, quần áo sẽ chiến thắng dù sau đó Isabella phải ăn mì tôm trừ bữa trong nhiều ngày liền. Những khi thực sự nhẵn túi, cô vẫn cố gắng mua bằng được một thứ gì đó, dù chỉ là một đôi tất rẻ tiền mà cô chẳng bao giờ dùng đến.

Nghiện mua sắm – một hội chứng nguy hiểm ảnh 1

Những người bán hàng nhanh chóng quen mặt thuộc tên Isabella. Mỗi khi cô xuất hiện, họ chào hỏi niềm nở và giới thiệu về đợt khuyến mại sắp tới vì biết chắc rằng thế nào cô cũng sẽ có mặt. Đến một ngày, một người bán hàng nói vui với Isabella rằng chỉ mình cô đã đủ trả lương nhân viên cửa hàng cho cả tháng. Đó là lúc Isabella chợt nhận ra rằng thói quen mua sắm của mình đã vượt tầm kiểm soát.

Isabella không phải một trường hợp đặc biệt. Theo những khảo sát mới nhất, cứ 12 người Australia thì có một người mắc hội chứng nghiện mua sắm (CBD). Trong đó, có từ 80 đến 90% là phụ nữ.

Nguyên nhân

Hội chứng CBD thường xuất hiện ở những thanh niên khoảng tầm tuổi 20. Bệnh nhân CBD không chỉ bao gồm những người mua sắm vượt quá khả năng tài chính của mình, mà còn gồm cả những người dành quá nhiều thời gian cho việc mua sắm hay thậm chí là những người thường xuyên tơ tưởng đến việc mua sắm dù không thực sự làm điều đó.

Theo các chuyên gia của Đại học Indiana, một số người nghiện mua sắm do phản ứng của não bộ trong quá trình mua sắm. Khi mua hàng, não bộ của họ sẽ tiết ra các chất endorphin và dopamine là những chất gây nghiện. Hiện tượng này xảy ra ở khoảng từ 10 đến 15% dân số. Có thể đây chính là lý do dẫn đến thói quen mua sắm vô độ của Isabella khi cô mua những thứ thừa thãi, không cần dùng đến. Trong tủ quần áo của cô có đến 50 chiếc áo thun với đủ kích cỡ từ nhỏ, trung, lớn đến rất lớn, 50 chiếc đầm màu đen nhìn na ná nhau, 60 chiếc khăn quàng cổ và 125 sợi dây chuyền.

Nghiện mua sắm – một hội chứng nguy hiểm ảnh 2Ảnh minh họa

Theo một số nghiên cứu, CBD không nhất thiết là một hội chứng rối loạn tâm lý độc lập, mà là sự phản ánh của các hội chứng tâm lý khác. CBD thường xuất hiện đồng thời với hiện tượng lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích và hội chứng rối loạn ăn uống. Những người có biểu hiện nghiện mua sắm rõ ràng nhất thường cũng là những người tâm lý bất ổn và có khả năng chịu áp lực tâm lý kém. Đối với họ, mua sắm là một cách để đối phó với trạng thái tâm lý tiêu cực của mình.

CBD cũng có xu hướng xuất hiện ở những người thiếu tự tin vào bản thân hoặc sống phụ thuộc. Đối với những đối tượng này, mua sắm là một cách khẳng định giá trị bản thân do các món hàng hóa một phần nào đó mang lại cho họ cảm giác có vị trí trong xã hội.

Bên cạnh những lý do tự thân, điều kiện xã hội cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc biến một người bình thường thành một người nghiện mua sắm. Sự vươn lên mạnh mẽ của chủ nghĩa tiêu dùng đã tạo điều kiện cho bệnh nghiện mua sắm trỗi dậy. Thẻ tín dụng khiến cho người có xu hướng chi tiêu vượt số tiền mình có. Sự tiện lợi và phổ biến của hình thức mua sắm trên mạng cũng khiến xu hướng đam mê mua sắm trở nên trầm trọng.

Hậu quả

Điều khiến hội chứng nghiện mua sắm khác biệt với thói quen mua sắm lành mạnh chính là tính chất mất kiểm soát, lặp đi lặp lại của hành vi mua sắm. Trong khi mua sắm trong chừng mực là một cách tích cực để thể hiện bản thân, thì mua sắm quá độ chính là một nguy cơ tự hủy hoại bản thân đầy nguy hiểm.

Cụ bà 77 tuổi Joan Cunnane, người Anh, mất tích bí ẩn trong dịp Giáng sinh năm 2009. Vài ngày sau đó, cảnh sát tìm thấy cụ đã tử vong bên dưới một núi đồ điện tử, quần áo, ô dù, đèn nến và vật trang trí mà cụ đã mua trong nhiều năm nhưng không dùng tới. Núi đồ này đã đổ sập xuống người cụ bà xấu số sau khi được chất quá cao trong nhà. Ngôi nhà chứa nhiều đồ đến nỗi chỉ có một khe nhỏ để đi qua lại. Ngay cả trong xe ô tô của cụ cũng đã chất đầy hàng hóa, từ gấu bông, đồ trang sức, tới bánh kẹo và thức uống. 

Alan Hruby, một thanh niên 20 tuổi người Mỹ, đã sát hại cha mẹ và em gái mình vào một ngày mùa đông năm 2014 với mục đích lấy tiền thừa kế. Hruby được mô tả là một con nghiện mua sắm nặng, thường xuyên mua sắm vượt kiểm soát và thậm chí còn lấy trộm cả thẻ tín dụng của bà ngoại để chi tiêu. Vào thời điểm sát hại người thân của mình, Alan Hruby đang có khoản nợ tín dụng tiêu dùng trị giá 3.000 USD.

Cùng năm đó, tại Anh, cậu thanh niên James Hammond, 19 tuổi đã nhảy cầu tự sát sau khi bí mật lấy gần 8.000 bảng Anh từ tài khoản của mẹ mình để mua sắm vô độ trong vòng 10 tuần. Trước đó, trong 6 năm, James đã chật vật đối phó với hội chứng nghiện mua sắm sau khi cha cậu qua đời năm 2008.

Cụ Joan, Alan Hruby và Hammond là những minh chứng sống về tác hại khôn lường của hội chứng nghiện mua sắm.

Những người mắc hội chứng nghiện mua sắm ban đầu tìm đến mua sắm như một cách để thỏa mãn nhu cầu cảm thấy mình đặc biệt. Nhưng sau đó, khi việc mua sắm mất kiểm soát cũng không thể đáp ứng được nhu cầu này, họ sẽ bị rơi vào một vòng xoáy nghiện ngập ngày càng trầm trọng. Người nghiện mua sắm sẽ liên tục rung lắc giữa hai trạng thái cảm xúc đối lập. Cảm giác thăng hoa hạnh phúc khi mua được một món đồ nào đó sẽ nối tiếp bằng cảm giác thất vọng, tội lỗi. Khi những cảm xúc tiêu cực tích tụ, người nghiện sẽ lại tìm đến mua sắm như một cách trị liệu tinh thần. Hành vi và những cảm xúc này lặp đi lặp lại theo chu kỳ, khiến tình trạng nghiện mua sắm ngày càng trở nên tồi tệ.

Khi đến giai đoạn nợ nần và mất kiểm soát về tài chính, người nghiện mua sắm sẽ bắt đầu phát sinh những hành vi che đậy, giấu diếm. Họ có thể cất giấu hoặc tiêu hủy những món đồ mình mua về do cảm giác xấu hổ, tội lỗi về thói quen mua sắm của mình. Cái giá phải trả cho CBD về cả tinh thần, cảm xúc và tiền bạc vì thế càng trở nên cao hơn.

Hậu quả của chứng nghiện mua sắm có thể kéo dài ngay cả sau khi hành vi mua sắm đã kết thúc. Nghiện mua sắm gây tổn hại đến công việc, các mối quan hệ và hôn nhân của người bệnh. Bên cạnh đó, chứng nghiện mua sắm đẩy người bệnh vào tình trạng khó khăn, thậm chí là khủng hoảng về tài chính. Áp lực vật chất và tinh thần đến từ hội chứng nguy hại này trong nhiều trường hợp đã dẫn tới những ca tự vẫn.

Một căn bệnh kinh niên

Không quá khó để mỗi người tự chẩn đoán tình trạng nghiện mua sắm của mình. Nếu bạn mua sắm vượt khả năng tài chính, mua sắm khi cảm thấy tức giận hay buồn bã, mất kiểm soát hành vi mua sắm hoặc thường xuyên giấu hóa đơn và các món đồ mua sắm được khỏi gia đình và người thân, có thể bạn đã trở thành con bệnh nghiện mua sắm.

Isabella cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất trong việc điều trị CBD là nghiện mua sắm là điều được xã hội chấp nhận, thậm chí là cổ súy khi hàng hóa hiện diện ở khắp nơi, và người mua luôn được coi là thượng đế.

Để vượt qua hội chứng nghiện mua sắm, Isabella không chỉ phải trải qua các buổi trị liệu tâm lý mà còn cần đến sự giúp đỡ của gia đình. Cha mẹ của cô đã phải đến từng cửa hàng, mang theo chứng nhận của bác sĩ tâm lý để thuyết phục họ không bán hàng cho Isabella, bởi cô là một bệnh nhân nghiện mua sắm không thể kiểm soát được hành vi của mình. Một số cửa hàng chấp nhận hoàn tiền, một số cửa hàng đồng ý hủy các đơn đặt hàng của cô. Điều này gây cho Isabella những áp lực tâm lý mới, nhưng cô hiểu đó là điều cần phải làm.

Tuy nhiên, giống như một thứ ma túy, CBD luôn rình rập trở lại vào những lúc con người mềm yếu. Khi mẹ của Isabella qua đời vào năm ngoái, cô bắt đầu mua sắm trở lại như một cách để đối phó với nỗi đau của mình. Từ từ, những cơn nghiện mua sắm lại nổi lên và công cuộc trị liệu đầy khó khăn lại bắt đầu.

Nhưng lần này, Isabella không chậm trễ tìm kiếm sự giúp đỡ. Các nhân viên công tác xã hội tới thăm cô thường xuyên, yêu cầu cô giữ lại tất cả hóa đơn mua sắm và giải trình lý do mua từng món đồ.

Isabella luôn lo sợ họ sẽ buộc cô phải đem trả một món hàng đã mua nào đó lại cho cửa hàng - và điều này xảy ra rất thường xuyên - nhưng cô cũng dần dần nhận ra rằng, dù trên thế giới có vô số những món đồ xinh đẹp, cô không nhất thiết phải sở hữu tất cả những món đồ đó.

Ảnh minh hoạ.
Còn những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm cả tuyến huyện và tuyến tỉnh, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và tạo động lực cho y tế tuyến huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ…
Khung cảnh mua bán được tái hiện trong không gian Trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đánh thức tiềm năng du lịch bền vững ở làng nghề trăm tuổi
(Ngày Nay) - Dòng kênh Thầy Cai nhộn nhịp với những chiếc ghe chở gạch, chở trấu, những chiếc ghe hàng... tưởng chừng như bị lãng quên đã được gợi nhớ lại trong những ngày diễn ra Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên vào năm 2024.
Ảnh minh hoạ.
Tạo dấu ấn từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
(Ngày Nay) -  Là khu vực gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, vùng trung du và miền núi phía Bắc có liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc.
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
(Ngày Nay) - Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam dự kiến sẽ tăng cường các giải pháp để chống thi thay, thi hộ như bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ.
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
(Ngày Nay) - Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sự "đảo chiều" trong quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ
(Ngày Nay) - Quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ đang trải qua một sự đảo chiều mạnh mẽ, chuyển từ hợp tác quân sự sang tập trung vào thương mại dầu mỏ và hàng hóa. Với kim ngạch thương mại tăng đột biến lên 65 tỷ USD vào năm 2023, Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga.
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
(Ngày Nay) - Chùa Pháp Hoa là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở trung tâm thành phố xô bồ, chùa Pháp Hoa yên bình tĩnh lặng đến lạ. Không chỉ là ngôi chùa cổ có lịch sử gần 100 năm, nơi đây còn là cái nôi văn hóa Phật pháp, được nhiều du khách thập phương tìm về hành hương mỗi dịp lễ Phật.