Xóa bỏ giới hạn cho trẻ bại não
Chiều thứ sáu, chị Lan - một cán bộ văn phòng UBND ở một huyện thuộc tỉnh Hà Nam khấp khởi nghỉ việc sớm, bắt chuyến xe nhanh nhất từ Hà Nam lên Hà Nội thăm con gái. Vừa thấy con, chị chào rất to: “Mẹ chào Nấm”, Nấm thấy mẹ ánh mắt cũng rạng rỡ chỉ muốn nhào đến ôm mẹ. Chị Lan hỏi gì, con cũng trả lời rất ngoan: “Con sổ mũi hả? Con đau họng không? Có mệt không?”. Nấm trả lời hết, khi thì gật đầu, khi thì nói “Có”.
Nếu không chứng kiến cảnh cô giáo bế Nấm xuống cho chị Lan đón, không nhìn thấy Nấm bị liệt, chẳng ai biết được Nấm là một đứa trẻ bại não. Từ ngày đi học ở mầm non Trúc Lâm, Nấm đã biết chào mọi người rất lễ phép, khác hẳn với lúc mới vào lớp, Nấm bị rối loạn cảm xúc, ai hỏi cũng cúi gằm xuống đất, hỏi tiếp là khóc vật vã.
Chị Lan kể: “Nhà tôi ở Hà Nam, chồng làm kỹ sư cơ khí ở nhà máy xi măng Đồng Bành tỉnh Lạng Sơn. Anh chị sinh được 2 cháu thì cả hai đều bị tổn thương não. Con trai đầu 7 tuổi mắc chứng tự kỉ, giờ vẫn chưa nói được nên không thể đi học lớp hòa nhập, con gái sau 3 tuổi thì bị bại não. Các bác sĩ phán đoán do gen hai vợ chồng kết hợp có tổ hợp gen bất thường, chứ lý do chính xác thì chịu…”. Hai vợ chồng xa nhau, ngày thường chị ở nhà chăm con trai, cuối tuần chị lại bắt xe lên Hà Nội với con gái. Những tiến bộ rõ rệt của con gái sau mỗi tuần chị lên gặp khiến chị hạnh phúc vô cùng.
Ở mầm non Trúc Lâm này, có khoảng 20 đứa trẻ bại não như Nấm đang theo học. Lớp học đặc biệt dành cho trẻ bại não hoạt động song hành với lớp mầm non dành cho những trẻ bình thường. Nhiều bé từ 2-3 tháng tuổi bị tổn thương về não được bố mẹ “gõ cửa” xin cô giáo cho đi lớp với mong muốn các cô can thiệp sớm.
Trong căn phòng vận động dành cho trẻ bại não, bé Trà đang tập những bài tập khá thành thạo theo sự hướng dẫn của thầy giáo. Theo các cô giáo ở đây, Trà vào trường khi tròn 18 tháng, không biết đi, không biết nói, cơ thể mềm oặt…
Mẹ Trà kể khi đang mang thai Trà thì chị phát hiện bị u xư tử cung, phải gây tê để mổ. 18 tháng, mức độ nhận thức và vận động của Trà chỉ rơi vào tầm đứa trẻ 6-7 tháng. Nhưng sau hơn 1 năm học mầm non, được các cô giáo can thiệp tích cực, Trà đã nhận thức tốt, khả năng tiếp thu bài giảng của Trà thậm chí hơn cả các bạn bình thường. Trà nay đã đi được, chạy nhảy tốt, đá bóng rất giỏi, leo cầu trượt nhanh nhẹn. Tóc tết gọn hai bên, gặp người lạ, Trà “chào cô” rất nhanh, thậm chí lém lỉnh trêu cô giáo. Nếu chỉ nhìn dáng đi còn vụng về, chưa thật thẳng của Trà, người ta chỉ nghĩ Trà bị khiếm khuyết về dáng đi, chứ chẳng có “lỗi” gì trong não.
Thậm chí, có trường hợp bé Minh Anh bị bại não nặng, được bác sĩ bên Singapore tư vấn nên cắt bỏ nửa bán cầu não nhưng gia đình quyết định không tiến hành phẫu thuật, đưa con về nước, “gửi gắm” các cô giáo ở Trúc Lâm giúp đỡ. Minh Anh là trường hợp bại não nặng, ngày mới đến lớp con chỉ biết lăn lộn trên sàn. Ấy vậy mà sau 1 năm, Minh Anh đã có thể ngồi lên, thậm chí có lúc tự ngồi đến 20 phút không mệt. Cô hỏi tay đâu, Minh Anh đã hiểu cô và giơ tay lên để trả lời. Các cô nói, vận động của Minh Anh đang tiến bộ trông thấy.
Điều trị kết hợp với giáo dục
Theo cô giáo Đặng Khánh Hòa – chủ nhiệm Câu lạc bộ Flame Club, mầm non Trúc Lâm, bại não không phải là bỏ đi. Bại não chỉ là một nhóm các tổn thương ở não gây ra các rối loạn về vận động, giác quan, ngôn ngữ của trẻ. Quà tặng ý nghĩa nhất cho những đứa trẻ bại não là cho các bé được hòa nhập, được đến lớp, quan sát mọi người xung quanh và được trải nghiệm những gì mà một đứa trẻ bình thường được hưởng. Sai lầm của rất nhiều gia đình có con bại não hiện nay là loay hoay chưa tìm ra con đường nào cho trẻ, mặc cảm “giấu” con trong nhà hoay chỉ đưa con điều trị tại viện khiến trẻ bị cô lập. Cuộc sống giữa 4 bức tường vô tình cản trở cơ hội học tập và tiến bộ của một đứa trẻ, thậm chí đánh mất giai đoạn “vàng” phù hợp để trẻ rèn luyện và can thiệp kịp thời.
“Mặc dù trẻ bại não có những giới hạn nhưng khi bố mẹ đưa con đi học hàng ngày, đi chơi bình thường, cha mẹ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Có những bố mẹ đưa con đến lớp mầm non với cảm giác rất hạnh phúc, vì được đưa con đi học, đến lớp đón con như bao đứa trẻ bình thường. Thử tưởng tượng một người mẹ ở cùng con 24/24h, suốt ngày nhìn con nằm một chỗ, không có nghiệp vụ điều trị, giúp đỡ con tập vật lý trị liệu thì sẽ vô cùng ức chế, mệt mỏi. Bản thân phụ huynh thấy con mình có một trường mầm non để đi học, nơi mà tình trạng của con được tôn trọng cũng thoải mái hơn” - Hòa chia sẻ.
Cũng theo Hòa, “việc học tập tại môi trường mầm non với các bạn bình thường không chỉ giúp các bé bị tổn thương não tự tin hơn mà còn giúp các bé hiểu được môi trường giao tiếp xã hội, từ đó thúc đẩy các bé cố gắng thể hiện bản thân vượt qua các khó khăn, trở ngại của bản thân để có thể hoà nhập tốt”. Các cô giáo ở mầm non Trúc Lâm luôn khuyến khích các phụ huynh đưa trẻ bị tổn thương não đến lớp để được can thiệp sớm, điều trị sớm.
Điều đặc biệt ở ngôi trường này là số lượng giáo viên tốt nghiệp trường y nhiều hơn trường giáo. Số lượng giáo viên khoảng 20 người. Già nửa trong số đó tốt nghiệp trường y, một cô giáo thạc sĩ tâm lý. Ngay chủ nhóm lớp mầm non tư thục Trúc Lâm – chị Nguyễn Thanh Ngà cũng từng là nữ hộ sinh, sau đó theo học Đại học Y tế công cộng.
Lý giải về sự đặc biệt này, chị Ngà cho hay: Đối với trẻ “siêu nhân” thì việc chăm sóc, dạy dỗ như những đứa trẻ bình thường hay sự điều trị, can thiệp của y tế là không đủ. Trẻ cần một môi trường phù hợp đáp ứng cả hai nhu cầu, bên cạnh đó còn cần sự phối hợp một cách kiên trì của chính các gia đình siêu nhân. “Phương pháp giáo dục dạy trẻ bại não tương tự giống dạy trẻ tự kỉ, nhưng việc dạy vận động, phục hồi chức năng cho trẻ thì đặc biệt hơn, cần phải có sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên chuyên biêt, những giáo viên có chuyên môn về bệnh. Vì thế, các cô giáo phải hiểu về bệnh, hiểu về y”.
Mầm non Trúc Lâm là một trong những nơi “mạo hiểm” đi theo cách giáo dục đặc biệt kết hợp giữa điều trị và giáo dục. Trường áp dụng phương pháp “Conductive Education” của Peto – một phương pháp nổi tiếng toàn thế giới. Phương pháp đặc biệt này của đất nước Hungary, phù hợp với các bệnh nhân bị giảm vận động do rối loạn thần kinh như bại não, pakinson, những người bị tổn thương ở não… Các bài tập không chỉ có tác dụng điều trị cơ, khớp thông thường mà nó còn giúp trẻ học được những hoạt động cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày, giúp trẻ nhận biết và sử dụng khả năng vốn có của nó trong mỗi giai đoạn phát triển.
“Đứa trẻ nào cũng đều có khả năng học, chỉ là mỗi đứa học theo một cách khác nhau, điều cần làm là phải tìm ra cách học đặc biệt và phù hợp với từng trẻ. Mỗi đứa trẻ bại bão đều được kiểm tra sức khỏe cẩn thận, các cô giáo nắm rõ bệnh tình, sau đó lên giáo trình, giống như kiểu chẩn đoán bệnh và có phương án điều trị phù hợp. Các con đến trường không chỉ được dạy dỗ kiến thức, được vui chơi bổ ích mà còn đươc các cô giáo bắt bệnh rồi điều trị, dựa trên các chỉ số, kiến thức nền tảng cơ bản từ những năm theo học ngành y của mình” - Hòa chia sẻ.
Đã từng có thời điểm, khi bắt đầu mở lớp dành cho những trẻ bại não, các cô giáo đối mặt với vô vàn khó khăn vì một số phụ huynh thẳng thừng phản đối. Nhưng rồi, bằng những nỗ lực thực sự, qua những hoạt động ngoại khóa, các buổi vui chơi ngoài trời, phụ huynh đã dần mở lòng cho các con được hòa nhập, được học tập như những đứa trẻ bình thường. Bởi với trẻ nhỏ, với tình yêu thương xóa bỏ ranh giới bệnh tật, nỗ lực đáng khâm phục của các cô giáo, khó khăn nào rồi cũng sẽ có được cái kết có hậu.