Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mời tỷ phú Elon Musk xây dựng một bãi phóng vệ tinh trên hòn đảo Biak (tỉnh Papua).
Một đại diện của chính phủ Indonesia cho biết kế hoạch này vẫn đang được phát triển với sự tham vấn của chính quyền tỉnh Papua và cộng đồng địa phương, đặt mục tiêu biến Biak thành "hòn đảo không gian và sẽ mang lại những tác động kinh tế tích cực” cho người dân trên đảo.
Tuy nhiên, những người Papuan trên đảo Biak đã phản đối dữ dội dự án này, cho rằng bãi phóng sẽ thúc đẩy nạn phá rừng, gia tăng sự hiện diện của quân đội Indonesia và đe dọa tương lai của người dân tộc thiểu số. Ông Manfun Sroyer - một tù trưởng bộ lạc trên đảo, cho biết ông sợ người Papuan sẽ bị buộc rời khỏi nhà của họ nếu chính phủ giao đất cho Space X.
“Sân bay vũ trụ này sẽ khiến chúng tôi mất các bãi săn truyền thống, làm tổn hại đến sinh kế của chúng tôi. Nhưng nếu chúng tôi phản đối, chúng tôi sẽ bị bắt ngay lập tức", ông Sroyer bày tỏ lo ngại.
Cơ quan vũ trụ của Nga Roscosmos cũng đặt mục tiêu xây dựng một bãi phóng tên lửa lớn trên đảo Biak vào năm 2024.
“Năm 2002, người Nga muốn có đất của chúng tôi để phóng vệ tinh. Chúng tôi đã phản đối và nhiều người đã bị bắt và thẩm vấn, bây giờ họ lại đem kế hoạch này trở lại", vị tù tưởng nói.
Bờ biển phía đông của Biak hướng ra Thái Bình Dương và do vị trí của đảo thấp hơn một độ so với đường xích đạo, nên đây là nơi lý tưởng để phóng vệ tinh vào quỹ đạo thấp để liên lạc, với ít nhiên liệu cần thiết hơn để lên quỹ đạo.
Vị trí gần với các khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên cũng khiến Biak trở thành một địa điểm hấp dẫn để xây dựng các bệ phóng. Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều mỏ đồng và niken, vốn là những kim loại quan trọng nhất cho tên lửa cũng như pin tầm xa được sử dụng trong xe điện của Tesla.
Elon Musk có kế hoạch phóng 12.000 vệ tinh vào năm 2026 để cung cấp internet tốc độ cao giá rẻ thông qua dịch vụ internet Starlink. Một tên lửa thử nghiệm của SpaceX đã phát nổ trên bệ hạ cánh trong tháng này sau khi hạ cánh, đánh dấu lần thứ ba liên tiếp thất bại.
Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu thu hút Tesla đến Indonesia để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Nếu thành công, các hoạt động của Tesla và SpaceX có thể đẩy nhanh hơn nữa việc khai thác tài nguyên ở hai tỉnh Papua và Tây Papua.
Vào tháng 7 năm ngoái, Elon Musk nói với các quan chức Indonesia rằng Tesla sẽ đưa ra một hợp đồng khổng lồ trong một thời gian dài nếu nước này khai thác niken hiệu quả và theo cách nhạy cảm với môi trường.
Nhưng người dân Papuan và các chuyên gia môi trường lo ngại một bãi phóng tên lửa sẽ gây tổn hại thêm cho hệ sinh thái mỏng manh của hòn đảo.
Trong nhiều thập kỷ, người dân tại tỉnh Papua đã có xu hướng ly khai chính phủ Indonesia.
Vào tháng 7 năm 1998, đảo Biak là nơi xảy ra một trong những vụ thảm sát tồi tệ nhất trong lịch sử khi quân đội Indonesia chiếm đóng tỉnh Tây Papua, khiến hàng loạt thường dân bị tra tấn và sát hại.
Biak cũng rất quan trọng về mặt chiến lược đối với quân đội Indonesia, nơi nước này đã xây dựng các căn cứ hải quân, lục quân và không quân.
Người phát ngôn của chính phủ Indonesia khẳng định rằng Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Indonesia đã tham vấn sâu rộng với chính quyền tỉnh Papua về kế hoạch xây dựng sân bay vũ trụ cho Biak.
“Chính quyền tỉnh Papua cho rằng việc xây dựng sân bay vũ trụ ở Biak sẽ biến quận Biak Numfor trở thành một trung tâm và mang lại những tác động kinh tế tích cực cho chính quyền khu vực và cộng đồng địa phương. Quốc hội Indonesia cũng nhận thấy rằng việc xây dựng Biak như một ‘đảo không gian’ sẽ mang lại hiệu ứng cấp số nhân cho cộng đồng xung quanh".
Trước đây là New Guinea thuộc Hà Lan, tỉnh Papua được chính phủ Indonesia sáp nhập vào năm 1963.
Indonesia chính thức kiểm soát tỉnh này vào năm 1969 dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. Chính quyền Jakarta luôn coi Papua và Tây Papua là hai phần không thể chia cắt của quốc gia thống nhất Indonesia.