Người đàn ông được nhắc đến tên là Lâm Thành Thuận (hay còn gọi là chú Tí, 70 tuổi, trú ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Được biết, chú Tí là người duy nhất hành nghề dán và sửa áo mưa ở chợ Đông Ba - khu chợ lớn nhất vùng đất Cố đô.
Nhâm nhi tách trà nóng một ngày se lạnh, chú Tí chia sẻ, do nhà nghèo nên chưa học hết lớp 5 thì chú đã phải đi bốc vác thuê ở các chợ, bán vé số, lượm ve chai hay làm quán nhậu để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.
Đồ nghề để sửa vá áo mưa khá đơn giản |
Theo chú Tí, ngày trước ở thời bao cấp thì nghề vá áo mưa khá thịnh hành và đông người theo nghề. Có những ngày trời mưa gió nên “thất nghiệp” bốc vác, chú loanh quanh đến chợ Đông Ba xem những người lớn tuổi vá áo mưa, học theo và dần yêu thích cái nghề này từ khi gần 30 tuổi. Cũng từ đó, chú Tí quyết định mang cái nghề mình “học lỏm” được ra chợ “kiếm cơm” và gắn bó cho đến nay...
“Lúc trước kinh tế còn khó khăn, sắm được cái áo mưa cũng không phải là điều dễ. Vả lại hồi đó áo mưa tiện lợi chưa phổ biến nên hầu hết ai cũng sử dụng áo mưa cánh dơi, áo mưa bộ. Cứ mỗi khi rách, thủng chỗ nào là người ta lại mang đi vá, nhiều cái áo vá đi vá lại hàng chục lần ấy chứ...”, chú Tí nói.
Chỗ làm việc của chú Tí khép nép một góc chợ. Đồ nghề để sửa vá áo mưa khá giản đơn, gồm dũa, mỏ hàn, dao, kéo, lò than, kềm và vài ba miếng nilon. Nhìn khuôn mặt khắc khổ, mái tóc đã chấm bạc, da đã nhăn nhó nhiều nhưng đôi tay chú thoăn thoắt lật từng mảng miếng để dán áo mưa, chúng tôi hiểu nếu không có sự yêu nghề thì chú đã không làm nghề này lâu đến vậy.
Tỉ mỉ trong từng công đoạn |
Thường khi khách hàng đến vá, chú Tí sẽ xem độ dài rộng của chỗ rách áo mưa rồi ướm, cắt miếng nilon cùng loại với chiếc áo mưa đó một cách vừa vặn. Sau đó, chú nhẹ nhàng rút chiếc dùi sắt trước đó đã nung đỏ sẵn trong lò than ra và chà qua sáp nến (để giảm nhiệt độ giúp nilon không bị cháy). Khi dùi đã vừa nhiệt độ thì lấy một miếng nilon khác (loại không dính) đặt lên trên miếng vá áo mưa, bên dưới có kê sẵn một tấm sắt bề mặt sần sùi. Rồi chú dùng mỏ hàn đang nóng đè mạnh, dí lên dí xuống nhiều lần để miếng nilon bám chặt vào áo mưa.
Chú Tí cho biết chú có “nguyên tắc” là chỉ lấy giá áo mưa 5.000 đồng/cái và hiếm khi lấy giá cao hơn. Bởi theo chú "khi xưa mình cũng mang đi vá và người ta lấy giá rất rẻ, thậm chí là cho luôn". Vả lại những người mang áo mưa đến vá đa số là người nghèo, gia đình đông con; họ cũng chắt chiu, tiết kiệm từng đồng nên giá đó là vừa phải, hợp tình...
Chị Lê Hoàng Thanh Hương (một tiểu thương chợ Đông Ba) bộc bạch: “Chú Tí mưu sinh nghề này cũng khá lâu. Mỗi lần vá chú ấy lấy 5.000 đồng thôi. Mùa mưa năm nào tôi cũng thu gom áo mưa rách của mấy đứa con trong nhà mang ra nhờ chú Tí vá. May mà chú còn làm nghề chứ áo vứt đi thì uổng quá, phí tiền...”.
Lẽ dĩ nhiên là vào mùa mưa thì quán của chú mới đông khách. Có những ngày có gần cả trăm lượt người tìm đến chú để vá áo. Còn về mùa nắng thì khó khăn hơn, ít người đến. Dù thu nhập không cao và bấp bênh như vậy nhưng chú cho rằng mình rất hạnh phúc và đâu đó tự hào vì duy trì được cái nghề một thời. Nghề cũng giúp chú cùng vợ nuôi sống gia đình và lo cho 3 đứa con ăn học.
“Hiện nay ít người làm nghề này như chú lắm. Sau này nếu chú già, mắt yếu thì chú sẽ truyền nghề lại cho con trai. Cái gì có cha truyền con nối cũng hay mà. Nhưng nếu nó không theo nghiệp thì chịu thôi chứ sao. Hy vọng là vẫn còn người làm công việc bình dị này...”, chú Tí vừa vá áo vừa tâm sự.