Người già đáng thương nơi phố thị

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Phải giam mình trong nhà 24/24, chịu va đập cảm xúc với 4 bức tường, với sự tù tùng, bí bách, với lũ trẻ con hiếu động cũng đang phải nghỉ học ở nhà… Đó là một cực hình thực sự.
Người già đáng thương nơi phố thị

Bố tôi thường giẫy nguây nguẩy khi được con cái mời ở lại Hà Nội chơi vài hôm. Với ông, Hà Nội quá chật chội, ồn ào, nó vượt qua sức chịu đựng của một người đã chỉ quen với ruộng đồng, sân vườn, mở mắt ra là thấy cây cối, ao chuôm, gà vịt như ông.

Tôi biết, nhiều bạn bè mình đã đón bố mẹ ở quê lên Hà Nội. Tất nhiên mọi hoàn cảnh, mọi tính cách của các cụ già đều không giống nhau, có người chọn Hà Nội bởi lo sợ cô đơn, bệnh tật khi con cái ở xa. Họ phải thay đổi cuộc đời để thích nghi với phố thị.

Nhưng sự thích nghi đó, chỉ với một Hà Nội đang bình thường khỏe mạnh. Với Hà Nội đang phong tỏa, giãn cách dài ngày, đó là một thách thức quá lớn, sợ rằng nó sẽ vượt qua sức chịu đựng của người già.

Với người già, “bộ phận” cần được “bảo dưỡng” chăm sóc thường xuyên nhất có lẽ chính là hệ thần kinh. Khi già, thần kinh yếu nhược đi, sự “đàn hồi” cũng kém hẳn, nên mỗi ngày, phải giam mình trong nhà 24/24, chịu va đập cảm xúc với 4 bức tường, với sự tù tùng, bí bách, với lũ trẻ con hiếu động cũng đang phải nghỉ học ở nhà… Đó là một cực hình thực sự.

Để giúp những người già “bảo dưỡng” hệ thần kinh, ở các trung tâm dưỡng lão người ta luôn phải giúp các cụ ra ngoài hong nắng, hít thở không khí bên ngoài, nhìn ánh mặt trời, đón gió sớm mai... Thậm chí cả những cụ không thể ngồi dậy được thì không khí bên ngoài căn phòng kín luôn rất cần thiết với họ.

Xét cho cùng, đó là những ngày tháng cuối đời mà họ được hít thở bầu không khí thoáng đãng, được đón ánh bình minh, hoàng hôn... Họ cần những ngày tháng đó vì biết đâu, ngày mai, ngày kia… họ sẽ chẳng bao giờ thức giấc nữa. Người già như ngọn đèn sắp tắt, và cảm giác tù tùng sẽ khiến họ lụi tàn nhanh hơn.

Thứ người già cần, thực sự không phải là vật chất, không phải là cơm ngon áo đẹp, mọi tiện nghi trong nhà. Họ cần một thứ đơn giản hơn, đó là bầu không khí thoáng đãng, thế thôi.

Viết ra những điều này, không phải để biện minh cho những người già trót trốn ra ngoài đi thể dục khi thành phố đang phong tỏa, giãn cách tuyệt đối. Viết ra để chúng ta có thể thông cảm cho họ - những người già nơi phố thị.

Trên mạng đang xuất hiện nhiều đoạn clip mà lực lượng chức năng “lùa” người già chạy thục mạng khi phát hiện họ vi phạm lệnh giãn cách.

Khi bị phát hiện, những ông cụ cuống cuồng chạy trốn, họ trốn vì lo sợ mất đi tháng lương hưu, lo sọ bị bẽ mặt trên mạng xã hội, lo sợ bị con cái mang tiếng… Nhưng họ chạy đâu có thoát. Có những ông bà già thậm chí chắp tay xin những người chấp pháp, rằng họ biết họ sai rồi, cho các bác xin, hết lần này thôi rồi sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Nhưng họ xin cũng không được, những anh công an, ốp họ về phường trên chiếc xe thùng và đồng thời tung những đoạn clip “lùa” những ông bà già tội nghiệp đó lên mạng. Cả những người đứng xem cũng thẳng tay livestream cho ngàn người vào hóng. Họ xem đó là cách để dạy cho những ông bà già cứng đầu một bài học.

Hôm qua, mạng xã hội lại dậy sóng với hình ảnh cụ già cầm thẳng chiếc mũ cối quật vào mặt người công an đang thực hành nhiệm vụ. Cụ già đó chắc chắn đã sai rồi. Nhưng anh công an tôi cho rằng không đúng. Đứng trước một người già đang rất kích động, thậm chí có vẻ như hệ thần kinh bình thường đã không chỉ huy được cụ nữa rồi.

Trong tay cụ là chiếc mũ cối, có thể tạo ra sát thương nguy hiểm nhưng anh công an vẫn đứng trọn vẹn trong tầm tay cụ. Anh công an thay vì tìm cách đứng ở vị trí an toàn, tìm cách thuyết phục, trò chuyện một cách bình thường thì tay lăm lăm chiếc điện thoại để quay lại hành vi của cụ.

Cách hành xử đó giống hệt như một lời thách thức, này ông, tôi đang quay phim đấy, nếu ông mà dám tấn công người thực thi công vụ, ông sẽ phải ở tù trong những ngày tháng cuối đời. Và ông cụ đó đã ra tay một cách bạo liệt nhất.

Ông cụ bạo lực đó có lỗi, có vi phạm pháp luật không? Chắc chắn là có. Có đáng trách không, cũng có. Nhưng những người chấp pháp, họ cũng phải xem lại việc mình làm, việc mình đối xử với những người già cả. Thay vì chọn cách đối đầu, đứng trong tầm tay của ông già đang kích động, tại sao không tìm một cách thức khác, ít nhất là đứng xa để tránh cho mình và tránh cho cả ông già không có cơ hội phạm tội.

Và lực lượng chấp pháp, cả y tế, công an, dân phòng, họ không được, không có quyền tung hình ảnh của những người vi phạm lên mạng như một chiến công, hành vi đó cũng là vi phạm pháp luật và không đảm bảo các tiêu chí ứng xử văn minh với công dân.

Nếu đặt trường hợp, những người vi phạm là bố mẹ, ông bà chúng ta, liệu rằng chúng ta có bật khóc hay không? Bố mẹ của chúng ta đó, vì ham muốn thể dục, vì muốn hít thở bầu không khí trong lành sau lớp khẩu trang, mà họ bị đưa hình ảnh lên facebook, youtube, báo chí.. và bị những đứa trẻ ranh đáng tuổi con cháu ở đâu lao vào chửi rủa, miệt thị bằng những lời lẽ rất kinh khủng. Tôi tự hỏi, vì sao, ở thời Covid này, người ta lại dễ dàng sống ác với nhau đến vậy?

Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị lớn khác có lẽ sẽ còn phải giãn cách dài ngày. Và có lẽ sẽ còn một số ít cụ già “phá cũi, xổ lồng”, họ vi phạm thì xin cứ phạt. Nhưng đề nghị những người chấp pháp hãy cư xử ôn hòa, nếu có quay phim để làm cơ sở xử phạt thì cứ quay nhưng xin đừng tiện tay up những đoạn clip đó lên mạng xã hội. Họ không đáng bị cư xử như vậy. Hãy nghĩ tới cha mẹ mình, để cảm thông cho họ.

Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.