Cụ thể, tại khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 44 tuổi, ngụ Tiền Giang, đến khám trong tình trạng vùng da hai bên gò má, đặc biệt là gò má bên phải bị thương tổn nặng, trợt da, rỉ dịch mủ vàng đục…
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BV |
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó hơn 1 tháng chị có nghe người quen giới thiệu một loại “thuốc chứa axit” có giá hơn 200.000 đồng, được bán ở chợ có tác dụng trị sạm, nám rất hiệu quả nên mua về sử dụng. Tuy nhiên, sau khi thoa thuốc lên da thì chị có cảm giác châm chích, bỏng rát nhiều, khi hỏi người quen thì người này cho biết tiếp tục thoa vì thuốc đang phát huy hiệu quả nên chị thoa tiếp.
Sau 3 ngày, vùng da hai gò má của chị bắt đầu khô căng, sau đó xuất hiện vết trợt giống bị bỏng, chỗ vết thương rỉ dịch, có mủ vàng đục. Lo sợ nên bệnh nhân này đã thoa dầu mù u để sát khuẩn nhưng thoa cả tháng, tình trạng vết thương không cải thiện lại càng sưng nề và rỉ dịch, chảy mủ nhiều hơn.
Ths.Bs Phan Ngọc Huy, khoa Thẩm mỹ da Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân trên bị nhiễm trùng da kéo dài dẫn đến vết thương không lành trên nền sẹo mất sắc tố. Do bệnh nhân này bị nhiễm trùng da kéo dài dẫn đến việc điều trị sẽ phức tạp.
“Di chứng sẹo rối loạn sắc tố thường gặp sẽ cần điều trị kết hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả thẩm mỹ cao như laser vi điểm tái tạo bề mặt da, laser Q-Switched hay laser pico giây để điều trị các tình trạng tăng sắc tố và trong các trường hợp tế bào sắc tố bị tổn thương vĩnh viễn, ghép da hoặc ghép tế bào sắc tố sẽ được các bác sĩ cân nhắc chỉ định”, bác sĩ Huy thông tin thêm.
Theo bác sĩ Huy, loại thuốc bệnh nhân thoa để trị nám nêu trên có chứa axit. Hiện nay có nhiều người vì mong muốn trị nám, tàn nhang nhanh với chi phí thấp nên đã sử dụng các loại “thuốc chứa axit” để điều trị các tình trạng tăng sắc tố như đốm nâu, tàn nhang, rám má... Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị nhiễm trùng sẹo xấu do bệnh nhân tự ý mua các thuốc không rõ nguồn gốc có chứa axit để trị sạm nám dẫn đến da bị bỏng, phồng rộp, gây tổn thương da.
Hầu hết, các loại thuốc này đều không được dán nhãn về thành phần, nơi sản xuất và chưa được cơ quan chức năng kiểm định. Chính vì vậy, việc sử dụng các chế phẩm này trên các vùng da nhạy cảm như mặt, mi mắt rất nguy hiểm, chúng tiềm ẩn các nguy cơ phá hủy cấu trúc sinh lý làn da và gây nên các biến chứng như bỏng da, nhiễm trùng, sẹo xấu và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của người bệnh trong thời gian rất dài.
Bác sĩ Phan Ngọc Huy khuyến cáo, để điều trị sạm, nám hiệu quả, khách hàng hãy tham vấn bác sĩ da liễu để có được phác đồ điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, phòng ngừa sạm, nám cần có chế độ chăm sóc da phù hợp; không sử dụng các hoạt chất kích ứng làn da; chọn lựa phương pháp trẻ hóa da phù hợp.