“Giải thưởng danh giá này được trao cho bà Karen Uhlenbeck là một sự khích lệ to lớn đối với các nhà khoa học nữ. Trong thời đại của trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng kỹ thuật số, toán học là ngôn ngữ phổ quát và phụ nữ phải thể hiện vai trò toàn diện của mình. Bởi vì sự đa dạng thúc đẩy sự đổi mới, chúng ta cần những bộ óc ưu việt như Karen Uhlenbeck trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ mới và đổi mới, để giải quyết những thách thức phức tạp của thế kỷ 21”, Tổng Giám đốc Audrey Azoulay nói.
Ngày nay, chỉ có 30% số nhà nghiên cứu trên thế giới là phụ nữ theo Báo cáo Khoa học của UNESCO và chỉ có 3% giải thưởng Nobel về khoa học được trao cho các nhà nghiên cứu nữ.
Toán học, một ngành học uy tín đang có sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực, là một trong những lĩnh vực khoa học mà phụ nữ ít nhìn nhận và vinh danh ở cấp độ cao nhất. Kể từ khi thành lập ra ba giải thưởng toán học quốc tế uy tín nhất (Huy chương Fields, Giải Wolf về Toán học và Giải Abel), đã có 142 người đoạt giải nhưng chỉ có hai người trong số họ là nữ: Và Maryam Mirzakhani, Huy chương Fields năm 2014 và giờ là bà Karen Uhlenbeck.
Chính vì những lý do này mà Giải thưởng L’Oréal-UNESCO dành cho phụ nữ trong khoa học đã được mở rộng trong năm nay để bao gồm toán học và khoa học máy tính. Lần đầu tiên, hai nhà toán học nữ đã nhận được giải thưởng L’Oréal-UNESCO dành cho phụ nữ về khoa học năm nay, trong một buổi lễ diễn ra tại UNESCO vào ngày 14/3: Bà Claire Voisin (châu Âu) cho công trình xuất sắc của mình trong hình học đại số và bà Ingrid Daubechies (Bắc Mỹ) cho công trình sáng tạo của mình về lý thuyết wavelet trong xử lý tín hiệu.
Bà Uhlenbeck, 76 tuổi, nhà nghiên cứu cao cấp thỉnh giảng tại ĐH Princeton (Mỹ). Bà còn là Giáo sư Toán làm việc tại Đại học Texas tại Austin. Một trong những đột phá của bà Uhlenbeck là đã đi tiên phong trong một lĩnh vực giải tích hình học và lý thuyết trường chuẩn của Keskulla Uhlenbeck đã thay đổi đáng kể nền toán học. Những lý thuyết ấy đã thay đổi hoàn toàn cách hiểu về những bề mặt rất nhỏ, ví như những thứ được tạo nên từ các bong bóng xà phòng và những vấn đề vi mô tổng quan hơn trong các chiều kích cao hơn.
Giải Abel (giải thưởng khoa học dành cho Toán học được mệnh danh là “giải thưởng Nobel cho toán học) được trao lần đầu tiên vào năm 2003. Đây là một giải thưởng nhằm tôn vinh những cống hiến cho lĩnh vực toán học và đánh giá tầm ảnh hưởng của các nhà toán học. Giải Abel được đặt theo tên nhà toán học người Na Uy Niels Hendrik Abel. Năm 2018, giải Abel được trao cho nhà toán học người Mỹ gốc Canada Robert P. Langlands. “Chương trình Langlands” do ông đề ra năm 1967 được lưu hành giữa các nhà toán học, là nền tảng của những thành tựu lớn trong nửa thế kỷ qua.