Chúng tôi tìm về làng Chuồn còn gọi là làng An Truyền (xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để thăm ngôi nhà nhỏ của gia đình cựu chiến binh Trần Văn Tự - người đã tham gia xây dựng và bảo vệ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Trầm luân đời lính
Đến nhà, chúng tôi gặp chị Đào Thị Thảo (46 tuổi, vợ anh Tự) và được chị ân cần chào đón ngay từ cổng. Khi được hỏi về những ký ức của người chồng, chị không ngần ngại chia sẻ. Chồng chị sinh năm 1964, quê ở làng Chuồn. Vào tháng 3/1986, anh Tự nhập ngũ và trở thành người lính thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 Hải quân.
Những danh hiệu mà anh Tự được trao sau khi bị thương và trở về |
Hai năm sau, anh cùng Trung đoàn của mình vào Khánh Hòa để xây lô cốt ở đảo Trường Sa nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của ta. Vào sáng 14/3/1988, trong lúc đang vận chuyển hàng xuống đảo Gạc Ma thì lính Trung Quốc tấn công quân ta bằng pháo khiến rất nhiều người bị thương. Anh Tự bị thương nặng ở mắt. Cũng trong trận đánh đó, có đến 64 người lính đã hy sinh.
Theo lời chị Thảo, lúc bị thương thì mắt anh Tự máu chảy rất nhiều, phổi cũng trúng đạn và canh tay cũng đầy máu. Anh được người bạn cùng quê là Huỳnh Đức đưa vào bênh viện Quân đội 175 (Sài Gòn) để chữa trị. Đến đầu năm 1989 thì anh Tự xuất ngũ, trở về cuộc sống thường ngày. Anh được công nhận là thương binh hạng A, được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy chương chiến sĩ vẻ vang.
Trở về nhà, lúc đầu anh làm ruộng cho bố mẹ. Đến năm 1991, anh nên duyên vợ chồng với chị Thảo. Sau khi đám cưới xong, anh vào Đà Nẵng kiếm việc. Chị Thảo ở nhà làm ruộng và chằm nón. Mãi đến năm 2008, để tiện chăm sóc con cái và gần gũi với vợ con, bố mẹ; anh mới trở lại quê nhà và tiếp tục công việc bán bánh bao.
Chiếc dép lúc anh Tự gặp tai nạn được chị Thảo cất giữ |
Mỗi ngày như thế, người vợ ở nhà làm bánh rồi đến chiều đưa bánh cho chồng đạp xe đạp lên TP Huế để bán. Khi 1-2 h sáng, lúc người người nhà nhà đã ngủ sâu thì đó mới là lúc anh Tự trở về nhà. Sau đó, thấy anh vất vả quá, chị Thảo mới tính mua chiếc xe máy để anh đi bán bánh cho tiện. Nhưng sự việc không ai ngờ đã xảy ra.
“Đó là tối 5/12/2009, khi đó tôi mới đặt lưng ngủ thì con gái nhận được cuộc gọi báo là ba gặp tai nạn trên phố. Tôi thất thần chạy lên Huế với suy nghĩ chắc cũng bị gì đó nhẹ thôi. Không ngờ đó là lần cuối tôi nhìn anh, anh đã bỏ tôi cùng các con mà ra đi không trở lại...”, chị Hiền rươm rướm nước mắt. Cũng theo chị Hiền, anh Tự bị ba thanh niên say xỉn chở ba tông vào. Anh vốn hiền lành, không rượu chè.
Hạnh phúc từ các con
Kể từ ngày người chồng anh dũng ra đi, mọi việc trong nhà đều đặt lên trên đôi vai của người mẹ. Nhà có mấy sào ruộng nhưng chị không kham nỗi nên cho hàng xóm thuê. Trong khi đó, chị cần mẫn từ ngày đến đêm để chằm từng chiếc nón lá, kiếm tiền nuôi các con ăn học.
Những ngày nay, đôi chân chị bị viêm khớp nên tạm gác công việc chằm nón. Thỉnh thoảng, chị trông giữ mấy đứa cháu từ nhà hàng xóm nhờ vả để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mỗi khi các con xin tiền học phí, chị chạy đôn chạy đáo mượn khắp làng rồi làm từ từ trả lại. Chị quyết không cho các con nghĩ học giữa chừng.
Nghị lực tuyệt vời của người mẹ hiền |
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cả 4 người con của chị Thảo đều chăm chỉ giúp mẹ và nỗ lực học hành. Nhắc đến các con, đôi mắt chị dường như sáng lên, nụ cười nở trên môi, bởi đó là niềm tự hào của chị. Hiện cả 4 con của chị đều đã và đang ngồi trên ghế giảng đường Đại học. Cô con gái đầu đã tốt nghiệp trường Đại học Y và sang Nhật Bản để lập nghiệp. Hai đứa tiếp theo đều học ở các trường Đại học Huế. Con gái út của chị cũng đã vừa đậu Đại học Kinh tế Huế.
“Tôi rất vui và tự hào với mọi người, đặc biệt là với chồng vì các con đều học giỏi. Lúc còn sống, anh Tự hay bảo dù mình nghèo, ít chữ nhưng cứ cố hết sức để các con nó được sống đàng hoàng, sung túc hơn sau này. Điều đó tôi luôn khắc ghi trong lòng”, chị Thảo nói.
Một điều nho nhỏ khiến chị Thảo cũng hạnh phúc đó là cô con gái thứ hai là em Trần Thị Mộng Kiều còn mở lớp dạy học miễn phí cho các em nhỏ hàng xóm. Kiều tâm sự: “Thấy các trẻ nhỏ trong xóm ít đi học hoặc học yếu nên mình mở lớp. Dù bận học nhưng mình dành thứ Bảy và Chủ nhật để dạy. Mình không lấy học phí nhưng nhiều bà con tốt bụng cứ cho mình ít chục ngàn mua sách vở, góp thêm tiền cho mẹ.”.
Trong căn phòng chừng 10m2, những đứa trẻ chăm chỉ làm bài tập. Đến giờ ra chơi, tiếng trẻ cười đùa, giỡn nhau làm cho không khí ngôi nhà chị Thảo bớt phần u buồn khi thiếu người đàn ông trụ cột.
Rời khỏi căn nhà của mấy mẹ con, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự vất vả, sự hi sinh của người phụ nữ tảo tần. Mong chị sẽ tiếp tục cố gắng để nuôi các con thành tài, xứng đáng là người phụ nữ tuyệt vời của người chồng anh hùng Gạc Ma.