Trong không khí trang nghiêm, xúc động, người dân thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) lặng lẽ tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, người con của quê hương, người đã gắn bó trọn cuộc đời với sự nghiệp cách mạng và nhân dân.
![]() |
Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong lần về thăm quê hương năm 2016 |
Sinh ngày 5/5/1937 tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Đức Lương lớn lên giữa những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt. Mảnh đất miền Trung giàu truyền thống cách mạng ấy đã sớm tôi luyện trong ông tinh thần kiên cường, ý chí phấn đấu và lòng yêu nước cháy bỏng. Từ một kỹ sư địa chất sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ông từng bước trưởng thành trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giữ những cương vị then chốt như Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1997–2006).
Lãnh đạo gần dân
Dù giữ trọng trách cao nhất của Nhà nước, ông Trần Đức Lương luôn giữ tác phong điềm đạm, gần gũi, đặc biệt là với quê hương Quảng Ngãi. Trong tâm trí người dân nơi đây, ông không chỉ là vị lãnh đạo cấp cao mà còn là người con, người bác, người hàng xóm chân tình.
Mỗi lần trở về quê, ông luôn dành thời gian thăm hỏi bà con, trò chuyện với cán bộ cơ sở, thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ, tri ân thầy cô giáo cũ. Ông không về như một lãnh đạo, mà như một người con xa quê trở về với mảnh đất đã nuôi dưỡng mình.
Ông Huỳnh Quý, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Phổ, xúc động kể lại: “Lần nào bác cũng ghé Huyện ủy, hỏi thăm tình hình rồi căn dặn chúng tôi phải đoàn kết, phải gần dân. Bác nói: ‘Đất nước giành độc lập nhờ đoàn kết, phát triển kinh tế cũng phải dựa vào sức dân’. Tôi không bao giờ quên.”
Ông Nguyễn Đức Thọ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phổ Khánh, nhớ lại: “Bác rất gần gũi, ân cần. Ông thường nhắc rằng mọi công trình phục vụ dân sinh phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, có ý kiến người dân, để không chỉ là công trình của Nhà nước mà còn là tài sản chung của cộng đồng.”
Chính tình cảm chân tình ấy khiến người dân nơi đây không chỉ quý trọng mà còn coi ông như người thân trong gia đình. Câu chuyện của ông Đinh Văn Lâm ở thôn Gò Ra, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà là một minh chứng. Ông kể: “Lần đó bác về, bắt tay tôi, hỏi thăm rất thân tình. Một Chủ tịch nước mà gần dân, hỏi chuyện như một người bác trong nhà, tôi thực sự xúc động.”
![]() |
Chủ tịch nước Trần Đức Lương ghi dấu ấn với dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất |
Dấu ấn với quê hương
Dưới cương vị Chủ tịch nước (1997–2006), ông Trần Đức Lương đã ghi dấu ấn sâu sắc với những quyết sách lớn góp phần đưa đất nước hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ông là người đóng vai trò quan trọng trong tiến trình Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở rộng quan hệ hợp tác đa phương, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Ông tham gia ký ban hành nhiều luật quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường kỷ cương hành chính, cải cách tư pháp và quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Tuy nhiên, điều mà người dân Quảng Ngãi ghi nhớ sâu sắc hơn cả là tình cảm ông dành cho quê hương. Chính ông là người góp phần định hướng hình thành Khu kinh tế Dung Quất, bước ngoặt lớn trong chiến lược phát triển của tỉnh. Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông sang công nghiệp hóa.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: “Từng bước phát triển của Quảng Ngãi hôm nay đều in đậm dấu ấn sự quan tâm của đồng chí Trần Đức Lương. Từ hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục đến quy hoạch phát triển vùng, đều có sự định hướng từ bác. Với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, bác không chỉ là niềm tự hào mà còn là người dẫn đường thầm lặng.”
![]() |
Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại quê nhà Quảng Ngãi |
Mãi mãi là tấm gương
Không chỉ lúc đương nhiệm, ngay cả sau khi nghỉ hưu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vẫn một lòng hướng về quê hương. Những năm tháng cuối đời, dù sức khỏe giảm sút, ông vẫn thường xuyên dõi theo tình hình phát triển của Đức Phổ nói riêng và toàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư xã Phổ Khánh, cho biết: “Chúng tôi đã đưa lời căn dặn của bác vào nghị quyết và biến thành hành động cụ thể. Năm 2021, xã đạt chuẩn nông thôn mới, các tuyến đường khang trang, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.”
Tình cảm đó còn thể hiện qua hàng loạt công trình bác vận động hỗ trợ cho địa phương: nhà văn hóa, trường học, nhà tình nghĩa… Với người dân nơi đây, những công trình ấy không chỉ là vật chất mà còn là biểu tượng của lòng yêu thương và sẻ chia.
Ông Nguyễn Nuôi, thương binh ¼, bùi ngùi: “Nhờ bác quan tâm, nhà tôi được xây nhà tình nghĩa. Nghe tin bác mất, tôi buồn vô cùng. Căn nhà này là kỷ vật, là ân tình bác để lại.”
Không khí thương tiếc bao trùm khắp Phổ Khánh khi nghe tin bác Trần Đức Lương từ trần. Người dân như mất đi người thân. Bà Nguyễn Thị Thu, người dân thôn Diên Trường, nghẹn ngào: “Bác rất giản dị, gần gũi. Nghe tin bác mất, lòng tôi như thắt lại. Chúng tôi biết ơn và tự hào về bác, người con ưu tú của quê hương.”
Ngay sau khi hay tin, Thị ủy Đức Phổ phát đi thông điệp xúc động: “Cán bộ và nhân dân thị xã Đức Phổ kính cẩn cúi đầu tiễn biệt cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Chúng tôi nguyện đoàn kết, vượt khó, xây dựng quê hương giàu đẹp, nghĩa tình như mong ước của bác.”
Hơn cả một lãnh đạo cấp cao, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là hiện thân của đức độ, giản dị, chân thành và phụng sự. Cuộc đời ông là minh chứng sống động cho lý tưởng “lấy dân làm gốc”, cho tinh thần yêu nước và cống hiến không ngừng nghỉ.
Ông Lê Trung Việt, nguyên Chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, chia sẻ: “Với tôi, bác Lương là tấm gương lớn về đạo đức cách mạng, luôn lấy dân làm gốc. Sự ra đi của bác là mất mát lớn.”
Từ những lời căn dặn, những lần trở về quê thăm bà con, cho đến những di sản tinh thần để lại, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã in dấu không phai trong lòng người dân Quảng Ngãi. Dẫu ông đã yên nghỉ, nhưng tấm gương sống của ông vẫn tiếp tục lan tỏa, truyền cảm hứng cho các thế hệ lãnh đạo và nhân dân quê nhà.
Với cán bộ, đảng viên và nhân dân thị xã Đức Phổ, ông mãi là người thầy, một tấm gương của tinh thần “vì dân phục vụ”. Như một lời tri ân sâu sắc từ lòng đất quê hương: “Người con của núi Ấn – sông Trà đã đi xa, nhưng hình bóng và tâm huyết của ông sẽ mãi ở lại trong tim nhân dân”.