"Cứ 10 ngân hàng đến chúng tôi tư vấn để vào thị trường Việt Nam thì có 9 đơn vị tha thiết được mở nhà băng 100% vốn chứ không chỉ dừng lại ở chi nhánh hay văn phòng đại diện", đại diện một công ty quốc tế chuyên tư vấn và hỗ trợ lập đề án, xin giấy phép kể.
Hiện tại, Việt Nam có 5 ngân hàng 100% vốn, gồm ANZ (Australia), Hong Leong (Malaysia), HSBC (Anh), Shinhan Vietnam (Hàn Quốc) và Standard Chartered (Anh).
Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho phép thêm một ngân hàng ngoại 100% vốn hoạt động. Ảnh: Thanh Lan. |
Ngân hàng Thái Lan Kasikorn là cái tên mới nhất từ ASEAN gia nhập thị trường Việt. |
Trong khối ASEAN, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào đã có mặt tại Việt Nam, riêng Malaysia góp 2 nhà băng 100% vốn (Hong Leong và PBB). Đa số các ngân hàng Việt vẫn coi Nhật Bản là đối thủ cạnh tranh chính, đặc biệt sau khi Mizuho, Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) và Sumitomo Mitsui Financial là đối tác chiến lược tại các ngân hàng lớn. Tiếp đến mới là các tổ chức tài chính đến từ châu Âu trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo ông Keith Pogson, lãnh đạo Ernst & Young phụ trách châu Á – Thái Bình Dương, các ngân hàng trong khối ASEAN mới là một đối thủ đáng lo ngại với nhà băng nội địa, nhất là khi ngày Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập không còn xa. "Việt Nam rất có tiềm năng về ngân hàng bán lẻ nhưng đây không phải là thế mạnh của Nhật Bản. Các bạn nên lo ngại hơn về đối thủ đến từ cộng đồng kinh tế ASEAN", vị này nói.
Ông Keith Pogson nhận định so với Việt Nam, các ngân hàng ngoại có những lợi thế riêng như công nghệ, quy trình, sản phẩm. Tất cả đều đã mang tính quốc tế và họ chỉ việc mang vào Việt Nam để áp dụng, miễn là được các cơ quan quản lý cho phép.
Đây cũng là những lợi thế mà tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - nhìn thấy từ các đối thủ ngoại. Theo ông sự đổ bộ của họ sẽ giúp thị trường thêm cạnh tranh chứ không chỉ làm miếng bánh thị phần của ngân hàng Việt thu hẹp. "Ngành ngân hàng còn tương đối lạc hậu so với thế giới. Mình đang thua họ về vốn, sản phẩm, công nghệ. Do đó, việc họ nhảy vào sẽ buộc các ngân hàng trong nước thay đổi. Riêng với những đơn vị đang phải tái cơ cấu, áp lực cạnh tranh sẽ càng phải lớn hơn nữa", ông nói.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần trụ sở ở Hà Nội cũng nhìn thấy những sức ép này. Ông lý giải, hiện các đối thủ ngoại không chỉ tìm kiếm doanh thu từ việc thu xếp tài chính cho doanh nghiệp của nước họ ở Việt Nam mà còn vươn mạnh tới các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam. "Điều này thực sự khiến mọi ngân hàng nội địa lo lắng", ông nói.
Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch đến năm 2017 giảm số ngân hàng đang hoạt động từ hơn 40 hiện nay xuống 15-17. Nhiều chuyên gia cho rằng, đến lúc này bộ máy có thể gọn nhẹ hơn và rất có thể "quota" cho nhà đầu tư ngoại vào thị trường sẽ thoáng hơn.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, mở cửa cho các ngân hàng ngoại là xu hướng không thể tránh khỏi. "Nếu ký Hiệp định AEC thì phải chấp nhận để các nhà băng nước ngoài lập công ty con 100% vốn tại Việt Nam. Chưa kể, theo cam kết với WTO, đến năm 2020, thị trường ngân hàng cũng phải mở rộng không giới hạn cho nước ngoài", ông phân tích
Nếu tính cả Public Bank Berhad, hiện Việt Nam mới có 6 ngân hàng 100% vốn ngoại, quá ít ỏi so với mong muốn ngày một lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
>>> Xem thêm:
Nguyên nhân hàng loạt ngân hàng dồn dập giảm lãi suất
Từ tháng 4/2015 tăng lương cho công chức, viên chức có hệ số dưới 2,34
GS Nguyễn Văn Hiệu: Tỷ lệ người trung thực mà tôi gặp hơi ít
Theo VNE