Nhà báo Phan Thanh Phong: Đã có chiến lược dài hạn cho Radio Nhân Dân

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Đọc truyện chỉ là bước đi đầu tiên, dựa trên nguồn tài nguyên có sẵn với những lợi thế có sẵn của báo Nhân Dân. Chúng tôi đã có một chiến lược dài hạn và những kế hoạch ngắn hạn để mở rộng nội dung trên kênh podcast của báo", nhà báo Phan Thanh Phong nhấn mạnh.
Nhà báo Phan Thanh Phong: Đã có chiến lược dài hạn cho Radio Nhân Dân

Tận dụng lợi thế riêng trong mảng văn học nghệ thuật

Thưa chị, xin chúc mừng Báo Nhân Dân vừa có thêm một sản phẩm mới trên các nền tảng kỹ thuật số. Được biết, Radio Nhân Dân khởi kênh bằng chương trình đọc truyện. Thực ra điều này trong thời gian qua cũng đã có nhiều cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện. Vậy, chị có thể cho biết: rND thu hút thính giả bằng sự khác biệt, đặc biệt nào?

Theo nhiều nghiên cứu, podcast là một trong những loại hình truyền thông phát triển nhanh nhất hiện nay và thậm chí được coi là phao cứu sinh đối với nhiều người sử dụng trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Đối với các cơ quan báo chí như New York Times (với sản phẩm The Daily) và Guardian (Today in Focus), những chương trình phát thanh theo nhu cầu đang thu hút đông đảo thính giả mỗi ngày, tạo ra thói quen cũng như sự trung thành với các thương hiệu báo chí, và còn mang lại nguồn thu.

Đương nhiên, ở nhiều nơi khác, podcast chưa thực sự được ưa chuộng tuy nhiều cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình đã triển khai trong thời gian gần đây. Tại Việt Nam, số người biết đến podcast càng ít, số người thường xuyên theo dõi podcast còn ít hơn nữa. Nhiều người thích nghe đọc tin, đọc truyện, nhưng lại nghe qua YouTube chứ không phải các kênh podcast. Dẫu còn ít như thế, việc đọc truyện, đọc sách bằng tiếng Việt trên các nền tảng công nghệ số không phải là điều gì mới mẻ.

Một số nhà xuất bản, cơ quan báo chí, doanh nghiệp phát hành, thậm chí các cá nhân đã lập kênh đọc truyện, đọc sách trên các nền tảng khác nhau. VOV nổi tiếng với mục “Đọc truyện đêm khuya” đã xây dựng kênh YouTube với cả trăm ngàn người theo dõi.

Vậy nhưng Báo Nhân Dân chúng tôi vẫn quyết định tiến vào thị trường ngách này với mục tiêu mở rộng quy mô người dùng thông qua loại nội dung gần gũi, thân thiện, mang tính thư giãn, khác với cách nghĩ và sự ấn tượng của phần đông độc giả là báo Nhân Dân chuyên đăng tải thông tin chính luận, chính thống. Việc chọn loại hình thông tin gây ra sự chú ý, tò mò cũng là một lợi thế.

Lý do tiếp theo là báo Nhân Dân đang được sở hữu số lượng lớn, hàng trăm tác phẩm truyện ngắn của các tác giả nổi tiếng, thành danh, viết riêng cho Nhân Dân. Các truyện ngắn này từng được đội ngũ biên tập viên uy tín tuyển chọn kỹ lưỡng và đã từng được đăng tải trên báo tuần, báo tháng và các sản phẩm thông tin khác. Có lẽ ít tòa soạn báo chí nào hội tụ, thu hút được nhiều cây bút, nhiều văn sĩ trí thức uy tín, có tiếng trong làng văn nghệ cộng tác, giúp đỡ chúng tôi trong công tác tuyển chọn, biên tập cũng như viết tác phẩm riêng cho báo.

Có nhiều người giữ trọng trách trụ cột trong làng văn cũng luôn sát cánh đồng hành với chúng tôi để chăm lo cho các tác phẩm hay, đẹp trên ấn phẩm, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Hữu Việt, nhà văn Nguyễn Văn Thọ... Suốt nhiều năm họ gắn bó đồng hành giúp chúng tôi tuyển chọn, biên tập, bình tác phẩm trên mỗi số báo.

Không chỉ thế, mỗi truyện ngắn đăng trên báo Nhân Dân đều đi cùng với một tác phẩm hội họa chất lượng cao của một họa sĩ danh tiếng – đây cũng chính là một lợi thế riêng, tạo thêm giá trị cho truyện ngắn, dù là đăng báo in hay đưa lên các nền tảng kỹ thuật số. Cho đến nay, tôi tự tin cho rằng ít có tòa soạn nào đầu tư, chăm sóc kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ cho tác phẩm văn học như ở Báo Nhân Dân. Và thật sự, nếu những sản phẩm này chỉ nằm trên báo in thì mức độ tiếp cận, lan tỏa của nó tới người đọc sẽ bị hạn chế, thiệt thòi. Bởi vậy chúng tôi quyết định mở rộng sự giao lưu, tiếp cận cho nó tới đông đảo người thưởng thức hơn qua rND.

Nhà báo Phan Thanh Phong: Đã có chiến lược dài hạn cho Radio Nhân Dân ảnh 1

Nhà báo Phan Thanh Phong - Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân dân Hàng tháng- phụ trách kênh Radio Nhân dân (rND) – Báo Nhân dân

Và, một điểm độc đáo nhất của các podcast trên Radio Nhân Dân là sau mỗi truyện ngắn đều có lời bình của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng – điều hiếm có trên thị trường sách nói hiện nay. Mỗi thính giả có cảm nhận riêng về tác phẩm , nhưng khi nghe lời bình của các chuyên gia, họ cảm nhận được một góc nhìn chuyên môn cao hơn, được khai mở nhiều điều thú vị và ý nghĩa hơn. Cũng cần nói thêm rằng Radio Nhân Dân hiện nay sử dụng nhiều giọng đọc khác nhau – giọng nam, giọng nữ, giọng miền bắc, giọng miền nam, những giọng đọc đã nổi tiếng và những giọng đọc mới , thậm chí trong những văn bản sáng tạo đặc biệt chúng tôi mời chính tác giả của nó thể hiện tác phẩm để tăng sự tương tác, giao lưu giữa tác giả cùng công chúng. Với cách thức này, chúng tôi tin sẽ đáp ứng nhiều gu khác nhau của thính giả.

Người trẻ luôn đòi hỏi sự mới mẻ, nên báo chí cũng cần liên tục đổi mới

Thưa chị, như chị chia sẻ, hiện tại thế mạnh của rND đang là khai thác mảng văn học nghệ thuật với các tác phẩm văn chương của những người thành danh, nổi tiếng; vậy trong tương lai gần rND có dự kiến mở rộng sang các lĩnh vực khác hay chỉ độc quyền về văn hóa nghệ thuật như hiện nay?

Đọc truyện chỉ là bước đi đầu tiên, dựa trên nguồn tài nguyên có sẵn với những lợi thế có sẵn của báo Nhân Dân. Chúng tôi đã có một chiến lược dài hạn và những kế hoạch ngắn hạn để mở rộng nội dung trên kênh podcast của báo – và chắc chắn phải theo cách thức tổ chức mới mẻ, khác biệt với những gì đang có trên thị trường Việt Nam vốn ở quy mô phát triển sơ khai. Quan điểm của chúng tôi là phải đưa tư duy sản phẩm vào quá trình ra quyết định và chọn lựa nội dung. Bất kể cái gì đưa ra thị trường thì cũng phải thăm dò nhu cầu và thị hiếu, chọn được đúng tệp người dùng rồi thì phải lập quy trình để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, thậm chí có sự khác biệt rõ ràng so với các sản phẩm cùng thể loại, cùng phân khúc trên thị trường. Sản phẩm đưa ra rồi thì phải nghĩ đến chuyện chăm sóc khách hàng để nắm bắt phản hồi của họ, tiếp tục cải thiện và cải tiến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, phải nghĩ ra những sản phẩm sáng tạo mới, nhắm đến những tệp khách hàng mới, chứ không thể chỉ bám lấy một sản phẩm, cho dù đạt được những thành công nhất định.

Hiện nay chúng tôi đã đưa Radio Nhân Dân lên nhiều nền tảng như Apple Podcasts, Spotify, Google Podcasts, SoundCloud và YouTube – đều là những nền tảng quen thuộc với người dùng Việt Nam. Còn có những nền tảng khác như iHeart Radio, Castbox, Acast, Pocket Casts, Stitcher hay Amazon Music nhưng chưa phải là ưu tiên của chúng tôi.

Trong môi trường cạnh tranh thông tin gay gắt, đặc biệt giới trẻ luôn đòi hỏi cái mới, cái hấp dẫn, vậy cơ quan báo chí truyền thông chính thống như Nhân Dân và cụ thể là rND cần xác định hướng đi như thế nào để vẫn giữ bản sắc mà vẫn không bị lỡ nhịp với xu hướng và thu hút người dùng, đặc biệt giới trẻ, thưa chị ?

Podcast là loại hình phát thanh theo nhu cầu, tức là người nghe tự quyết định chọn nội dung nào phù hợp với mình. Người đọc có thể tìm kiếm nội dung họ ưa thích chứ không cần chờ đến giờ phát cố định. Người đọc có thể bị thu hút và đăng ký theo dõi một kênh vào thời điểm này nhưng có thể bỏ bẵng không truy cập vào những lúc khác, thậm chí bỏ theo dõi chỉ bằng một cú click chuột đơn giản. Các nền tảng digital hiện nay tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hành vi và thói quen của người dùng, từ đó gợi ý những nội dung liên quan, thông báo cho người sử dụng khi có nội dung mới thuộc chủ đề mà họ quan tâm hoặc kênh mà họ theo dõi hoặc đăng ký. Người dùng cũng có thể chia sẻ, bình luận, nêu quan điểm của họ, và từ đó cơ quan báo chí có thể điều chỉnh chiến lược nội dung của mình.

Người nghe podcast đa phần là trẻ tuổi. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Báo chí Reuters, đa phần thính giả podcast ở Anh là dưới 35 tuổi. Đài phát thanh NPR của Mỹ cũng cho biết người dùng podcast của họ trẻ hơn đến 20 tuổi so với thính giả đài phát thanh.

Nhưng trong một môi trường cạnh tranh thông tin gay gắt, một cơ quan báo chí không chỉ cạnh tranh với các đối thủ trong lĩnh vực của mình, mà còn phải cạnh tranh với hàng tỷ kênh trên mọi nền tảng để thu hút sự chú ý của người dùng. Cơ quan báo chí chính thống lại không thể chạy đua bằng những nội dung không lành mạnh, câu khách rẻ tiền, trong khi người dùng lên Internet ngày càng thiên về xu hướng giải trí, trong đó không ít người sẵn sàng tiêu tốn hàng giờ mỗi ngày để xem những video, những chương trình phát thanh thậm chí vô bổ, hóng chuyện showbiz, những lối sống lệch chuẩn, những vụ cãi vã, thách đấu trên mạng, v,v…

Nghe theo nhu cầu và có thể chủ động tương tác chính là bản chất của các nền tảng podcast, vì vậy câu chuyện ở đây chỉ là việc cơ quan báo chí có tận dụng được những đặc điểm khác với phát thanh truyền thống đó để có tư duy sản phẩm phù hợp và tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo, chất lượng cao, có thời gian sống lâu dài hay không mà thôi. Đừng lập podcast hay tạo ra một chương trình nào đó như kiểu chạy theo mốt nhất thời, mà hãy suy nghĩ nghiêm túc và chuyên nghiệp với mỗi sản phẩm của mình, và đương nhiên phải coi việc phục vụ thính giả là trên hết. Đặc biệt, người trẻ luôn trông đợi những điều mới mẻ, nên cơ quan báo chí cũng phải liên tục đổi mới nội dung, đổi mới cách thức thể hiện.

Theo Nhà báo & Công luận
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
(Ngày Nay) - Một cuộc đua cạnh tranh kéo dài từ lúc mới sinh cho đến lúc đi học, đi làm khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy kiệt quệ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của họ.
Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
(Ngày Nay) - Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, các thí sinh sẽ chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Trong đó, thí sinh tự do sẽ đăng ký dự thi trực tiếp, không phải trực tuyến như học sinh đang học lớp 12; địa điểm đăng ký dự thi do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Mỹ tìm cách tăng cường viện trợ cho Gaza
(Ngày Nay) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Jordan để thảo luận về các cách thức thúc đẩy vận chuyển hàng viện trợ đến Dải Gaza và thảo luận về tình hình căng thẳng trong khu vực thời gian qua.
Vốn FDI thực hiện 4 tháng cao kỷ lục trong 5 năm
Vốn FDI thực hiện 4 tháng cao kỷ lục trong 5 năm
(Ngày Nay) - Theo Báo cáo kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6.28 tỷ USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
(Ngày Nay) - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực đã gia tăng đáng kể, khi Moskva chỉ trích những tuyên bố của Washington về Bắc Cực cũng như việc Mỹ gia tăng hoạt động quân sự. Bất đồng đó có thể lên đến đỉnh điểm khi Lầu Năm Góc dự kiến ​​công bố Chiến lược Bắc Cực mới.