Chưa làm hết trách nhiệm
Đầu năm 2013, Nguyễn Minh Hùng đã thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix pharmaceuticals của Canada để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 19/9/2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc H-Capita không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, trị giá hàng buôn lậu 251.000 USD.
Tuy nhiên, để số thuốc này vào Việt Nam một cách trót lọt còn có sự “giúp sức” của rất nhiều cơ quan khác, trong đó có Cục quản lý Dược. Theo quy định đối với việc nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp hồ sơ để Cục quản lý Dược xét duyệt, cấp giấy phép nhập khẩu cho lô hàng. Quan trọng là trong hồ sơ phải có Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) và tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm. Để có các loại giấy tờ này, Hùng đã chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ sau đó gửi lên Cục quản lý Dược xin nhập thuốc. Căn cứ trên hồ sơ VN Pharma cung cấp, ngày 30/12/2013 Cục Quản lý dược đã cấp Giấy phép nhập khẩu cho VN Pharma nhập khẩu thuốc H-Capita. Ngày 11/4/2014, VN Pharma đã nhập khẩu 9.300 hộp H-Capita qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất với giá trị 697.500 USD.
Kết quả điều tra vụ án làm rõ hồ sơ kỹ thuật thuốc do VN Pharma nộp cho Cục Quản lý dược Bộ Y tế là hồ sơ giả. Việc xác định hồ sơ bị giả mạo theo luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TPHCM có phần trách nhiệm của Cục Quản lý dược. “Chính Cục Quản lý dược đã ban hành văn bản số 22113 ngày 30/12/2013, đồng ý cho VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita, có giá trị 1 năm. Dựa trên giấy phép này thì VN Pharma mới nhập khẩu và làm thủ tục thông quan 9.300 hộp thuốc H-Capita”- vị luật sư nói.
Ngoài ra, tại Văn bản số 41 ngày 8/1/2016, CQ An ninh điều tra cho rằng các cán bộ thuộc Cục quản lý dược Bộ Y tế không phát hiện Công ty Austin hết hạn giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam, nội dung hồ sơ kỹ thuật có những điểm không thống nhất giữa Giấy chứng nhận FSC và tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm. Hội đồng giám định Bộ Y tế tiến hành giám định, kết luận lô thuốc trên là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Nguyên nhân là do Cục Quản lý dược chưa làm hết trách nhiệm, để cho VN Pharma lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, cấp phép, thực hiện hành vi buôn lậu thuốc.
Các bị cáo nghe Tòa tuyên án ngày 25/8. Ảnh: Tân Châu. |
Có sự “giúp sức”?
Gần 30 năm làm thẩm phán, nguyên thẩm phán TAND TPHCM Nguyễn Minh Cảnh nói với Tiền Phong tội phạm buôn bán hàng giả thuốc là chữa bệnh thường được thực hiện bởi những người không thuộc diện là cán bộ y tế. “Trong vụ án VN Pharma, cộng đồng xã hội rất phẫn nộ khi những người thầy thuốc kinh doanh trên sự đau khổ của bệnh nhân không còn hy vọng sống, cố bám lấy sự giúp đỡ của mọi người. Họ là người có trình độ cao về y học, rành tác dụng của thuốc nên những người này phải chịu trách nhiệm nặng hơn người buôn bán bình thường đối với hành vi này”- ông Cảnh đề nghị.
Tuy nhiên, ông cũng đặt vấn đề: “Tại sao những bị cáo trong vụ VN Pharma lại bị truy tố về tội buôn lậu mà không bị truy tố về tội buôn bán hàng giả theo điều 157 BLHS 1999?”. Bởi theo thẩm phán này thì trong vụ án VN Pharma, việc nhập khẩu thuốc giả chắc chắn phải có sự giúp sức của cán bộ khác của ngành y tế về thủ tục nhập khẩu”.
Các công chức được “chỉ mặt điểm tên” là ông Nguyễn Tấn Đạt - phó cục trưởng Cục QLD, ông Phan Công Chiến - Trưởng phòng quản lý kinh doanh dược, bà Lê Thúy Hương - chuyên viên Phòng Quản lý kinh doanh dược. “Các công chức này đã không phát hiện sai phạm trong hồ sơ, đã đề xuất cho cấp phép các đơn hàng của VN Pharma là chưa làm hết trách nhiệm. HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công và VKSND Tối cao làm rõ hành vi của các công chức này, đủ căn cứ thì truy cứu trách nhiệm hình sự”- Toà đề nghị.