Ngư dân nước này cũng sẽ ngừng các hoạt động săn bắt cá voi ở Nam Cực và chỉ săn bắt các loài cá được cho là có số lượng "dồi dào", theo một tuyên bố chính thức được công bố hôm thứ Tư
"Trong lịch sử lâu dài của mình, Nhật Bản đã sử dụng cá voi không chỉ như một nguồn thực phẩm cung cấp protein mà còn cho nhiều mục đích khác", tuyên bố cho biết. "Tham gia vào việc săn bắt cá voi đã và đang hỗ trợ các cộng đồng địa phương và do đó đã phát triển cuộc sống và văn hóa sử dụng cá voi".
Động thái này đã thu hút sự chỉ trích từ các nhóm bảo tồn động vật và một số chính phủ trên thế giới.
Sam Annesley - giám đốc điều hành của tổ chức môi trường Greenpeace Nhật Bản cho biết: "Tuyên bố ngày hôm nay không phù hợp với cộng đồng quốc tế, chứ đừng nói đến việc cần thiết để bảo vệ tương lai của đại dương và những sinh vật hùng vĩ này. Chính phủ Nhật Bản phải khẩn trương hành động để bảo tồn các hệ sinh thái biển, thay vì tiếp tục đánh bắt cá voi thương mại".
Australia cho biết quyết định rút khỏi IWC của Nhật Bản là "đáng tiếc" và kêu gọi nước nước này trở lại Ủy ban.
Đánh bắt cá voi thương mại đã bị cấm theo lệnh của Ủy ban Cá voi Quốc tế năm 1986. Nhưng Nhật Bản đã "lách luật" để tiếp tục săn cá voi một cách hợp pháp kể từ năm 1987 với lý do phục vụ khoa học.
Iceland và Na Uy đã phản đối lệnh cấm và tiếp tục săn cá voi thương mại mà không dựa vào khoa học như một cái cớ cho việc khai thác.
Vào tháng 9 năm 2018, phần lớn các quốc gia thành viên tại hội nghị thường niên của IWC ở Brazil đã phê chuẩn một nghị quyết không ràng buộc cho biết đánh bắt cá voi thương mại không còn là một hoạt động kinh tế hợp lệ, hoặc cần thiết cho nghiên cứu khoa học.
Trong khi tầng lớp chính trị Nhật Bản đã tìm cách nối lại các hoạt động săn bắt cá voi thương mại, các nhà vận động cho rằng việc ăn cá voi đang trở nên "ngày càng ít phổ biến hơn".
"Trên thực tế, nhiều người (thường xuyên) không có hứng thú với cá voi hay săn bắt cá voi ở Nhật Bản", Nanami Kurasawa - thành viên của tổ chức Mạng lưới hành động Cá heo và Cá voi (IKAN), cho biết.