Sáng 1/12, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 11/2022. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp.
Tại Phiên họp, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022; tình hình thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022; tình hình triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đặc biệt, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Báo cáo trung tâm tại Phiên họp cho thấy, tháng 11 và 11 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực với nhiều điểm sáng.
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02%. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước vượt 16,1% dự toán, xuất siêu 10,6 tỷ USD, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi, chỉ số IIP tháng tăng 8,6% so cùng kỳ. Trong 11 tháng, gần 195 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 33,2% cùng kỳ, gấp 1,47 lần số doanh nghiệp rút lui. Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỷ USD tăng 15,1%-cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua...
[Kinh tế chia sẻ tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ]
Bên cạnh đó, những vấn đề thường xuyên, nhất là về an sinh xã hội, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc phòng an ninh được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả nổi bật như phòng, chống hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ trên 87,5 nghìn tỷ đồng cho trên 55,3 triệu lượt người lao động và gần 851,3 nghìn người sử dụng lao động. Các hoạt động văn hóa, thể thao tiếp tục diễn ra sôi động. Nhiều sự kiện được tổ chức thành công, ý nghĩa...
Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đến nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 16/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách theo Nghị quyết 11/NQ-CP; giải ngân đạt gần 71,5 nghìn tỷ đồng; chi đầu tư phát triển đạt 176 nghìn tỷ đồng.
Đối với ba Chương trình mục tiêu Quốc gia, hiện Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 69 văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. 52/52 địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực và dự báo lạc quan về tăng trưởng năm 2022, 2023.
Trong đó, IMF đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong “bức tranh xám màu,” dự báo năm 2022 Việt Nam tăng 7%-là mức tăng trưởng kỳ tích và đứng đầu ASEAN. Fitch Ratings giữ xếp hạng Việt Nam ở mức triển vọng tích cực BB và dự báo tăng trưởng Việt Nam 2022 là 7,4%...
Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế như ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 58,33% kế hoạch. Xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, sa thải lao động.
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là nạn cá độ dịp World Cup...
Bên cạnh thảo luận đánh giá kết quả, hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội trong tháng 11 và 11 tháng năm 2022, các thành viên Chính phủ thảo luận về thời cơ, thách thức trong thời gian tới, nhất là giải pháp xử lý, ứng phó với những vấn đề mới nổi như thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản, giải ngân đầu tư công, quản lý xăng dầu, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phòng, chống tội phạm, nhất là dịp cuối năm, Tết Nguyên đán đến gần...
Cùng với đó, tiếp tục xử lý các vấn đề căn cơ như xây dựng thể chế, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, việc tích hợp cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành...
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 11, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu.