Tại Hội An, Quảng Nam, vùng đất du lịch nổi tiếng của miền Trung những ngày này đang ở trong tình trạng vắng lặng, đa số các điểm thăm quan tại khu phố cổ đều cửa đóng then cài.
Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch ở phố cổ Hội An điêu đứng, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phá sản, lâm cảnh nợ nần. Báo cáo của Chi cục Thuế thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, có hơn 250 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, trong đó có 62 doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh và hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau đợt dịch lần thứ 3, có thời điểm lượng khách đến Hội An rất đông, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và chính quyền thành phố đã lên các kịch bản, chương trình đón khách dịp lễ 30/4 - 1/5 và kỳ nghỉ hè năm nay. Nhiều doanh nghiệp, khu điểm du lịch bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư làm mới sản phẩm trở lại đón khách, bất ngờ dịch xảy ra đành phải dừng lại.
Một điểm thăm quan tại Hội An vắng lặng, không một bóng du khách sau khi mở cửa trở lại |
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, hiện nay, dịch ở Quảng Nam cơ bản được kiểm soát nhưng chính quyền thành phố chưa xem xét mở cửa tham quan phố cổ trở lại, trước mắt nối lại tuyến du lịch thăm Cù Lao Chàm: “Chúng tôi mạnh dạn mở cửa tuyến Cù Lao Chàm; ban đầu đón khách nội địa của Quảng Nam, rồi mở ra khách Đà Nẵng, các nơi ngoại trừ khách vùng dịch, hoặc dòng khách du lịch trải nghiệm, khám phá thắng cảnh, nơi tương đối biệt lập như lặn biển ngắm san hô… Nếu tình hình ổn thì sẽ tiếp tục mở cửa tham quan phố cổ, rừng dừa Bảy Mẫu, làng gốm, các làng nghề".
Cũng mong muốn người dân, doanh nghiệp được "hồi sức", ngày 8/6 Đà Nẵng đã cho phép mở lại hoạt động ăn, uống tại chỗ, tắm biển, từ 0h ngày 9/6.
Quyết định được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng đưa ra, sau 35 ngày đóng cửa các hoạt động trên vì bùng phát dịch Covid-19 (các nhà hàng, quán ăn, uống được phục vụ khách tại chỗ nhưng không quá 50% công suất và đóng cửa trước 21h hàng ngày).
Chính quyền thành phố khuyến khích các nhà hàng, quán ăn ứng dụng khai báo điện tử, sử dụng thiết bị để quét QR-Code khai báo y tế cho khách. Riêng chủ quán, người chế biến, nhân viên phục vụ phải khai báo y tế hàng ngày, mở ứng dụng Bluezone trong suốt thời gian làm việc; đeo khẩu trang, găng tay khi làm thức ăn, đồ uống; giữ khoảng cách với khách.
Đà Nẵng đã mở cửa trở lại nhưng du khách vẫn rất thưa vắng |
Đà Nẵng cũng người dân tắm biển trở lại. Tuy nhiên phân chia theo hai khung thời gian. Buổi sáng từ 4h30 đến không quá 7h30; buổi chiều từ 16h30 đến 18h30. Người dân phải đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển xong; chỉ tắm tại các khu vực được cho phép, không tập trung đông người trên bãi biển, giữ khoảng cách 1 mét với người khác; cấm tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn uống, bán hàng rong tại bãi biển; chưa được tắm nước ngọt.
Cũng trong tình đóng cửa chống làn sóng Covid lần 4, sau hơn 1 tháng tạm "khóa" du lịch, đến ngày 8/6 UBND tỉnh Quảng Ninh mới quyết định cho mở cửa trở lại du lịch, tuy nhiên chỉ mở cửa cho các du khách nội tỉnh.
Triển khai quyết định của UBND tỉnh, TP. Hạ Long thành lập 2 đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch và chỉ đạo các cơ sở dịch vụ du lịch lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên hằng tuần bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hoặc RT-PCR cho 20% người lao động.
Mặc dù chuẩn bị khá kỹ lưỡng, chu đáo để mở cửa trở lại nhưng theo ghi nhận của các phóng viên, sau khoảng 10 ngày, tình hình du lịch tại các địa điểm nổi tiếng tại Quảng Ninh như thành phố Hạ Long, Vịnh Hạ Long vẫn vắng lặng, hiu hắt. Tại cảng Tuần Châu, hàng trăm con tàu du lịch nằm im lìm hàng tháng trời vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhiều chủ tàu chọn phương án dừng hẳn vì chi phí vận hành không đủ để bù lỗ khi hoạt động.
Bãi biển tại Hạ Long không một bóng người sau khi tái mở cửa (ảnh Báo Tiền Phong) |
Tuy nhiên việc dừng hẳn cũng không giúp các chủ tàu tiết kiệm được tối đa chi phí, hàng tuần họ vẫn phải cho tàu của mình khởi động, chạy đi chạy lại trong khoảng thời gian nhất định để hạn chế hư hỏng, han gỉ.
Theo thống kê của Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, lượng tàu xuất bến đi thăm vịnh mỗi ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi người dân tại Quảng Ninh, Hạ Long tất nhiên đã quá quen với các địa điểm, loại hình du lịch ở địa phương mình.
Chính vì vậy, dù mở cửa trở lại nhưng tình cảnh khó khăn của các công ty du lịch, các chủ du thuyền, nhà hàng, khách sạn... không được cải thiện bao nhiêu.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn rất phức tạp nên chắc chắn những khó khăn của doanh nghiệp, người làm nghề du lịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. "Viễn cảnh phá sản là điều khó có thể tránh khỏi nếu mọi thứ vẫn đóng băng như hiện nay". Một chủ du thuyền đang neo đậu tại vịnh Hạ Long cho biết.