Đua nhau tăng học phí
Ngày 8/10/2019, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT "Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ".
Từ 1/12/2019, Thông tư 38 chính thức có hiệu lực. Tại Thông tư 38, nhiều quy định mới nhằm siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được bổ sung. Từ đó, nhiều tin đồn về việc tăng học phí đào tạo lái xe được lan truyền trên các trang mạng xã hội. Sau vài tháng rục rịch, một số cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe trên địa bàn TP.HCM đã tăng học phí.
Trường Cao đẳng nghề số 7 là một trong những nơi đầu tiên tăng học phí lái xe tại TP.HCM. Các khóa học lái ôtô khai giảng từ tháng 10/2020 sẽ được áp dụng mức học phí mới, từ 12,7 triệu đến 14,7 triệu đồng.
Trước đó, các mức học phí của trường này dao động 6,2-9,7 triệu đồng. So với học phí cũ, học phí lái ôtô của trường này tăng nhiều nhất là hơn 2 lần. Một trường dạy lái xe có trụ sở tại quận Bình Tân cũng tăng mức học phí lên 17 triệu đồng.
Thông tư 38 ra đời nhằm nâng cao kỹ năng và ý thức lái xe của người tham gia giao thông. Những quy định mới nhằm siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Thông tư 38 cũng được dùng để "dọa" học viên, nhằm mục đích lôi kéo thêm học viên cho những khóa học chưa được áp dụng quy chế mới.
Cần lưu ý rằng Thông tư 38 không quy định về các mức học phí trong việc đào tạo, sát hạch lái xe. Việc quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ được quy định tại Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT. Theo Thông tư liên tịch 72, học phí học lái ôtô do các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới xây dựng và quyết định dựa trên nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, định mức về tiêu hao nhiên liệu, chi tiêu tài chính... Do đó, mức học phí các cơ sở xây dựng hoàn toàn khác nhau.
Cần đưa học phí về giá trị thực
Xung quanh việc tăng học phí thi bằng lái xe ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp Giấy phép lái xe (Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) thông tin, theo báo cáo của các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn thành phố, cho đến thời điểm này, các cơ sở đào tạo lái xe có tăng học phí, cao nhất có cơ sở tăng khoảng 20%. Trong tuần tới, đơn vị sẽ xin ý kiến lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải hướng xử lý những trung tâm đào tạo lái xe tăng học phí nhưng không có báo cáo.
Các chuyên gia giao thông nhận định, trước đây, do phải cạnh tranh nên nhiều trung tâm đào tạo lái xe ô tô đưa ra mức giá từ 3 - 5 triệu đồng trọn gói cho việc đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình học, học viên phải đóng thêm nhiều khoản chi phí khác, dẫn tới chi phí thực để có tấm bằng bị đội lên gấp 2 thậm chí gấp 3 lần. Vì vậy, đã đến lúc cần đưa các chi phí cho việc đào tạo, sát hạch lái xe về giá trị thực của nó.
Về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hiện đơn vị chưa có số liệu tổng hợp cụ thể nhưng qua nắm bắt tại các Sở Giao thông Vận tải, nhu cầu đào tạo lái xe ngay từ những tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ. Còn về vấn đề học phí đào tạo lái xe vẫn đang thực hiện theo Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.
Ông Lương Duyên Thống khẳng định, hiện nhà nước không quản lý về giá đào tạo lái xe mà giao cho các cơ sở đào tạo tự xây dựng mức giá, sau đó công bố công khai và báo cáo cơ quan quản lý.
Ông Thống cho biết, căn cứ vào các quy định về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn giáo viên và định mức về tiêu hao nhiên liệu, chế độ chi tiêu tài chính, các cơ sở đào tạo xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần báo cáo cơ quan chủ quản để theo dõi. Đặc biệt, phí đào tạo này cũng được công khai cho học viên biết trước khi ký hợp đồng đào tạo. Nếu các cơ sở tăng không đúng quy định sẽ bị xử lý ngay.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, ông Lương Duyên Thống cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ với những thay đổi về chương trình, tăng cường thiết bị đào tạo và ứng dụng công nghệ, công tác giám sát khâu sát hạch cấp giấy phép lái xe được thực hiện rất chặt chẽ.
Điểm đáng chú ý nhất của Thông tư này là bổ sung nhiều nội dung liên quan đến các cơ sở đào tạo, sát hạch để đầu tư thêm cơ sở vật chất, nâng cao kỹ năng thực hành, làm quen với nhận diện tình huống giao thông thực tế.