Một tấm bằng cử nhân thường mất trung bình bốn năm đèn sách, và tiêu tốn một khoản tiền đáng kể của gia đình. Trong bối cảnh hiện tại, giáo dục đại học có chiều hướng trở nên đắt đỏ hơn nữa. Bởi vậy, dù bạn là một thanh niên trẻ tuổi đang bước tới ngưỡng cửa cuộc đời hay một phụ huynh đang định hướng cho con mình, hãy chậm lại đôi chút để cân nhắc một con đường ít người lựa chọn hơn.
Bỏ thói suy nghĩ theo đám đông
Những bộ phim dành cho lứa tuổi học đường thường vẽ ra con đường đại học như một lựa chọn tất yếu, nhưng trên thực tế, số thanh niên đi học đại học không phải chiếm đa số trong xã hội. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2013, tỉ lệ người vào đại học, cao đẳng trên tổng số dân ở Việt Nam chỉ là 25%, ở Trung Quốc là 30% và ở Malaysia là 37%.
Việc coi đại học là lựa chọn đương nhiên một phần xuất phát từ quan niệm cứng nhắc cho rằng đại học là giai đoạn tiếp theo của giáo dục sau phổ thông trung học. Nhiều người tin rằng nếu không có giảng đường và thầy cô giáo đồng hành cùng chúng ta, con đường học hành coi như kết thúc. Đây là quan niệm hoàn toàn không đúng.
Sai lầm lớn nhất bạn có thể mắc phải là cho rằng giáo dục gắn chặt với lớp học, bảng đen và những bài thi chuẩn hóa. Tuy nhiên, ngay cả sinh viên tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng nhất cũng phải tiếp tục học những kỹ năng mới sau khi rời ghế nhà trường, ví dụ như kỹ năng kiểm soát tài chính cá nhân, kỹ năng thương lượng - vốn dĩ là những kỹ năng không được giảng dạy trong trường đại học - và rất nhiều người đã vấp ngã bởi chính sự tự tin thái quá của mình. Hãy thay đổi thái độ nhìn nhận để hiểu rằng những nội dung giáo dục quan trọng nhất phần nhiều không liên quan đến bằng cấp. Nếu bạn cảm thấy những cuộc tranh luận hàn lâm về những đề tài cao siêu sẽ giúp ích cho bạn thì hãy theo đuổi con đường đại học, nhưng nếu bạn cảm thấy chúng sẽ không có ích thì vẫn còn hàng trăm công việc có mức thu nhập khá khác mà không đòi hỏi bạn phải mất quá nhiều thời gian.
Học để làm việc, không phải vì bằng cấp
Ông chủ Facebook là người thành công mà không có bằng ĐH. |
Bạn đã lựa chọn được một nghề nghiệp bạn muốn theo đuổi? Hãy theo đuổi nó ngay hôm nay.
Tại Đức, có khoảng 60% thanh niên được đào tạo dưới hình thức học nghề - trong đủ mọi lĩnh vực từ tài chính ngân hàng đến công nghệ thông tin và sản xuất chế tạo. Tại Mỹ, tỉ lệ này chỉ là dưới 5% và chủ yếu là trong lĩnh vực xây dựng. Sự khác biệt này có nguyên nhân từ khái niệm “đào tạo song hành” - chia quỹ thời gian giữa lớp học và môi trường thực hành trong các doanh nghiệp, phổ biến ở châu Âu hơn ở Mỹ.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng những thanh niên trẻ tuổi ở ngoài châu Âu không thể áp dụng ý tưởng này. Nếu bạn cảm thấy hứng thú với nghề hàn, nghề tiện, nghề chế tác đá, nghề thiết kế cảnh quan hay bất cứ loại công việc lao động trực tiếp nào khác, không khó khăn gì để kiếm được cơ hội học nghề, thực tập và có công việc ổn định. Đối với những ngành nghề như mỹ thuật, báo chí, âm nhạc, mọi thứ có thế khó khăn hơn, tuy nhiên, trong thị trường ngày một đi vào cạnh tranh thực chất như hiện nay, nhiều nhà tuyển dụng trong những ngành nghề này đang quan tâm đến kinh nghiệm và tài năng của bạn hơn là những tấm bằng hay bảng điểm. (Nhưng nếu bạn muốn trở thành bác sĩ, thì đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác).
Không theo đuổi những trường quá cạnh tranh
Nếu nghề nghiệp bạn hướng đến nhất định đòi hỏi bạn phải có bằng cấp, thì cũng không có nghĩa bạn phải theo đuổi những ngôi trường danh tiếng hay đắt đỏ nhất. Trong thời đại hiện nay, khi hiệu quả công việc của mỗi người được thể hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết, thì việc bạn học trường nào và điểm số ra sao đang ngày một không còn là tiêu chí quan trọng để các nhà tuyển dụng lựa chọn ứng viên.
Công nhân không phải là lựa chọn tồi. |
Một dẫn chứng là công ty công nghệ Google hoàn toàn không còn đặt bằng cấp ra làm tiêu chí mà chỉ yêu cầu ứng viên phải a) biết giải quyến vấn đề, b) có năng lực lãnh đạo, và c) mang tới cho công ty những ý tưởng mới mẻ. Một ông lớn khác ở thung lũng Silicon là công ty công nghệ IBM cũng cho biết có từ 10-15% nhân viên mới được tuyển dụng không có rằng đại học. Google thậm chí còn có quan niệm rằng việc dành quá nhiều thời gian trong giảng đường đại học là một sự bất lợi cho các ứng viên bởi điều này phần nào thể hiện họ ngần ngại không dám bước chân ra ngoài cuộc đời.
Tìm hiểu các khóa huấn luyện và khóa học ngắn ngày
Các khoa huấn luyện lập trình viên đã nở rộ tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, trong những năm trở lại đây. Nếu bạn muốn theo đuổi một sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học máy tính, những khóa huấn luyện này sẽ là lựa chọn hợp lý để bạn chạm tới ước mơ của mình.
Do đây là một thị trường nhiều tiềm năng, nhiều cơ sở đào tạo với những mô hình kinh doanh, phong cách giảng dạy và trọng tâm đào tạo khác biệt với nhau đã xuất hiện. Điều cần thiết là bạn phải nghiên cứu kỹ lưỡng để xác định đâu là khóa huấn luyện phù hợp, có thể thật sự mang tới những gì họ hứa hẹn.
Tận dụng kho tri thức số
Một trong những lựa chọn hiển nhiên nhưng chưa được đánh giá đúng tầm để thay thế cho giáo dục trong trường đại học chính là mạng internet. Những khóa học online, dù vẫn đang bị giới sư phạm nghi hoặc về độ thực chất và hiệu quả, vẫn đang ngày một trở nên phổ biến hơn do các nền tảng giáo dục số hóa ngày một được cải thiện. Coursera, nền tảng giáo dục trực tuyến hàng đầu thế giới, hiện đang cung cấp hàng nghìn chương trình đào tạo khác nhau với mục đích trang bị cho người học những kỹ năng quan trọng.
Coursera không phải nền tảng duy nhất. Các nền tảng khác trên thế giới như edX, Udacity, Khan Academy, UoPeople hay các nền tảng địa phương tại các quốc gia cũng cung cấp các khóa học online, rất nhiều trong số những khóa học đó được phát triển bởi các giáo sư của đại học Harvard và các trường top đầu thế giới khác.
Nếu không vướng bận với việc phải có một tấm bằng, thì bạn có thể hưởng thụ chất lượng giáo dục ngang ngửa với chất lượng tại các trường đại học danh tiếng ngay từ ngôi nhà của mình mà không phải bỏ ra quá nhiều chi phí.
Khám phá ngành dịch vụ
Vẫn chưa thể xác định bạn muốn làm gì? Ngành dịch vụ - bán lẻ, nhà hàng, chăm sóc khách hàng - là một hướng đi dễ dàng cho những ai không có bằng cấp mà vẫn muốn lựa chọn một công việc họ có thể theo đuổi lâu dài. Dù ngành nghề dịch vụ có thể không có thu nhập quá cao, nhưng đây lại là ngành rèn luyện cho chúng ta nhiều kỹ năng sống quan trọng có thể áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực cuộc sống như kỹ năng quản lý thời gian, phân công công việc, làm việc nhóm, tiếp thị, tối ưu hóa và sự kiên nhẫn. Không phải tình cờ mà nhiều doanh nhân thành đạt có xuất phát điểm là bồi bàn tại một nhà hàng nào đó.
Thành lập công ty riêng
Mark Zuckerberg sau một thập kỷ bỏ dở dang việc học hành tại Đại học Harvard đã sáng lập ra Facebook. Khi trở về thăm trường cũ trong tư cách một doanh nhân thành đạt, anh đã có một vài lời khuyên thật sự đáng suy ngẫm với những lứa sinh viên sau này như sau:
“Mục tiêu trong cuộc sống mang lại cảm giác được là một phần của điều gì đó to lớn hơn mỗi chúng ta, là cảm giác có ích, là có một điều tốt đẹp hơn để vươn tới. Mục tiêu chính là điều tạo ra hạnh phúc đích thực.
Văn hóa kinh doanh sẽ đâm chồi nảy lộc trong một môi trường mà chúng ta có thể dễ dàng thử nghiệm những ý tưởng mới. Facebook không phải thứ đầu tiên tôi xây dựng. Tôi đã xây dựng trò chơi điện tử, phần mềm hội thoại, công cụ học tập và phần mềm chơi nhạc. Tôi không phải cá biệt. Nhà văn J. K. Rowling đã bị từ chối bản thảo tới 12 lần trước khi xuất bản bộ sách Harry Potter. Ngay cả ca sĩ Beyoncé cũng đã phải viết hàng trăm bài hát mới sáng tác ra được bài ‘Halo’. Những thành công vĩ đại nhất thường đến từ việc dám thất bại. Hiện tại, xã hội của chúng ta quá cứng nhắc trong việc đánh giá thành công, và chúng ta chưa nỗ lực khuyến khích mọi người dám thử nghiệm và thất bại”.
Thông điệp của Zuckerberg không có gì mới: Nếu bạn có một ý tưởng, hãy có niềm tin vào nó, hãy có đôi chút liều lĩnh, và hãy làm việc thật chăm chỉ. Nhưng những lời này khi xuất phát từ Zucberberg chính là lời nhắc nhở với chúng ta rằng những thành công lớn nhất, táo bạo nhất hoàn toàn không liên quan đến việc làm theo những khuôn thước sẵn có.