Những đứa trẻ mắc kẹt trước ngưỡng cửa ‘Giấc mơ Mỹ’

(Ngày Nay) - Trẻ em luôn có quyền được sống trong một thế giới tốt đẹp, nơi chúng được ăn uống và học hành đầy đủ, được tạo điều kiện để phát triển bản thân. Khi thế giới chuẩn bị bước sang một thập kỷ mới đầy hứa hẹn, thì tương lai của những đứa trẻ tị nạn từ Trung Mỹ vẫn bao phủ một màu u ám do bị mắc kẹt trước ngưỡng cửa “giấc mơ Mỹ” của cha mẹ mình.
Những đứa trẻ dạo chơi tại trại tị nạn Matamoros. Nguồn: The Intercept
Những đứa trẻ dạo chơi tại trại tị nạn Matamoros. Nguồn: The Intercept

Bỏ mạng khi vượt biên

Vào tháng 4 năm nay, bức ảnh về thi thể của một người đàn ông và con gái mình nằm úp mặt dưới dòng nước đục đầy cỏ lau và vỏ chai bia xuất hiện dày đặc trên truyền thông thế giới. Phần đầu của hai cha con được che phủ bởi một chiếc áo phông đen - cánh tay phải nhỏ bé của bé gái quàng qua vai cha mình…

Hình ảnh gây sốc này là một lời nhắc nhở nghiệt ngã về hành trình nguy hiểm mà những người di cư phải trải qua để có thể tiến vào lãnh thổ nước Mỹ. Sau khi anh Oscar Alberto Martínez Ramírez đưa cô con gái 23 tháng tuổi băng qua dòng sông Rio Grande, nằm giữa biên giới Mỹ-Mexico, rồi quay lại đón vợ thì bất chợt bé gái hoảng sợ lao xuống nước cùng cha mình.

Những đứa trẻ mắc kẹt trước ngưỡng cửa ‘Giấc mơ Mỹ’ ảnh 1
Hình ảnh thi thể hai cha con Oscar Alberto Martínez Ramírez trên sông Rio Grande.

Người đàn ông cố gắng lao ra cứu con gái mình trước khi bị dòng nước cuốn trôi cả hai người, theo lời kể của Julia Le Duc - nhiếp ảnh gia đã chụp lại hình ảnh này. Người vợ - cô Vanessa Ávalo, đã không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến cảnh chồng và con gái mình dần biến mất trong làn nước đen đặc giữa đêm tối. Thi thể của hai cha con được tìm thấy tại bờ sông bên phía lãnh thổ Mexico.

Gia đình di dân này tới từ El Salvador và đã phải sống trong một trung tâm tị nạn ở thành phố Matamoros (Mexico) và đợi có được giấy nhập cư vào Mỹ, theo người vợ.

Sau hai tháng chờ đợi dưới cái nóng thiêu đốt lên tới 45 độ C trong trại tị nạn, gia đình trẻ này quyết định vượt sông Rio Grande trong tuyệt vọng nhằm thoát khỏi cảnh sống vất vưởng dù người vợ cho biết họ đã lấy được visa nhân đạo từ chính phủ Mexico.

Chứng kiến cái chết của hai cha con nhà Ramírez, Ngoại trưởng El Salvador - Alexandra Hill, đã yêu cầu người dân cố gắng ở lại đất nước và hợp tác cùng chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, vốn gây ra làn sóng di cư tới Mexico và Mỹ. "Đất nước của chúng ta lại phải trải qua sự tang tóc một lần nữa. Tôi cầu xin các bạn, những gia đình, những người cha, người mẹ, xin đừng liều lĩnh vứt bỏ mạng sống của mình", bà Hill cho biết. Chính phủ El Salvador đang đàm phán với phía Mexico để làm thủ tục đưa thi thể hai cha con Ramírez được hồi hương.

 Hình ảnh hai cha con đuối nước tại biên giới Mỹ mới đây đã gợi nhớ đến bức ảnh tương tự của cậu bé Syria 3 tuổi Aylan Kurdi, khi người ta phát hiện thi thể của em trôi dạt vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015. Bức ảnh gây sốc này đã khiến các lãnh đạo Liên Hợp Quốc và châu Âu đẩy nhanh quá trình thảo luận về các chính sách nhập cư cho người tị nạn Bắc Phi và Trung Đông.

Tương lai vô định

Tuyệt vọng trước cuộc sống đầy rẫy bạo lực, đói nghèo và tham nhũng, hàng trăm nghìn người từ Guatemala, Honduras và El Salvador đã quyết định rời bỏ quê nhà để gia nhập các đoàn hành hương lên phía bắc, đích đến là biên giới nước Mỹ.

Vào ngày 29/10/2019, chính phủ Mỹ cho biết số người nhập cư không có giấy tờ tại biên giới Mỹ-Mexico đã đạt hơn 970.000 người trong năm tài khóa 2019, đánh dấu mức tăng 88% so với năm ngoái.

Dưới áp lực của Mỹ, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, đã điều động 1/3 lực lượng an ninh trên cả nước để tuần tra dọc tuyến biên giới phía bắc và ngăn chặn hoạt động vượt biên bất hợp pháp của người tị nạn.

Động thái này càng khiến “giấc mơ Mỹ” của hàng chục nghìn người di cư Trung Mỹ trở nên xa vời, hình ảnh một người mẹ bật khóc trong tuyệt vọng khi cầu xin binh lính Mexico để được sang phía bên kia biên giới như phản chiếu nỗi lòng của tất cả những nạn dân Trung Mỹ.

Những đứa trẻ mắc kẹt trước ngưỡng cửa ‘Giấc mơ Mỹ’ ảnh 2

Bà mẹ Ledy Pérez tuyệt vọng ôm lấy cậu con trai 6 tuổi Anthony Díaz tại biên giới Mỹ-Mexico. Nguồn: Reuters

Người phụ nữ tên Ledy Pérez đã ôm chầm lấy đứa con trai 6 tuổi Anthony Díaz của mình và khóc nức nở khi cầu xin một người lính Mexico cho phép cô đưa con mình vượt qua biên giới Mỹ.

Vẫn đứng vững để làm điểm tựa cho người mẹ của mình, thế nhưng trong mắt cậu bé Anthony chỉ có sự trống rỗng và bần thần hướng về phía những người lính. Qua tiếng nức nở, Pérez liên tục cầu xin các sĩ quan cho phép cô vượt biên: "Đứng để họ gửi trả chúng tôi về nước. Tôi muốn một cuộc sống tốt đẹp cho con trai mình".

Những đứa trẻ mắc kẹt trước ngưỡng cửa ‘Giấc mơ Mỹ’ ảnh 3

Giống như hai mẹ con Pérez, hàng chục nghìn người tị nạn Trung Mỹ đang mắc kẹt trước ngưỡng của "Giấc mơ Mỹ". Nguồn: Reuters

Nhiếp ảnh gia Jose Luis González đã chụp lại những bức ảnh này và cho biết người lính đã từ chối Pérez và giải thích rằng anh chỉ đang thi hành phận sự của mình. Tuy nhiên, ngay khi những người lính không để ý, Pérez đã bế cậu con trai rồi chạy sang phía bên kia biên giới, trước khi bị lực lượng biên phòng Mỹ bắt giữ.

Hai mẹ con Perez đã bị đưa vào một cơ sở giam giữ của Mỹ, nhiều khả năng sẽ được trả tự do sau khi tham dự một phiên tòa án xét xử tội vượt biên rồi bị gửi trả sang Mexico trong khi yêu cầu xin tị nạn của cô được xử lý.

Hành động vượt biên của mẹ con Pérez bị coi là "bất hợp pháp" và sẽ bị bắt giữ trước khi trục xuất trở lại Mexico. Gần 20.000 người đã tìm cách xin tị nạn và bị mắc kẹt tại Mexico trong thời gian chờ đợi được cấp phép. Nhiều trường hợp người tị nạn kể lại họ bị tống tiền, tấn công và hãm hiếp ở Mexico.

Nhiếp ảnh gia González cho biết ông không rõ số phận của hai mẹ con Pérez sau này thế nào, nhưng ánh mắt vô định của cậu bé Anthony đã khiến ông bị ám ảnh trong một thời gian dài.

Hành trình vượt biên một mình

Tháng 4 năm 2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã ban hành chính sách “Không dung thứ”, quy định bất cứ ai vượt biên trái phép sẽ bị bắt giữ và truy tố, trẻ em sẽ bị chia tách khỏi cha mẹ và bị giam giữ tại các cơ sở riêng không đủ điều kiện sống.

Những đứa trẻ này sau đó sẽ được đưa đến các cơ sở trông giữ thuộc Văn phòng Tái định cư người tị nạn (ORR) trong 72 giờ sau khi cha mẹ chúng bị bắt giữ và dành hàng tháng trờ chờ đợi các nhà chức trách Mỹ tìm kiếm họ hàng hoặc người nhận nuôi. Hiện tại có hơn 10.000 trẻ em nhập cư, bao gồm những trẻ tự vượt biên một mình, bị giam giữ trong các cơ sở của ORR.

Những đứa trẻ mắc kẹt trước ngưỡng cửa ‘Giấc mơ Mỹ’ ảnh 4

Hai cha con tị nạn ngủ trên võng trong trại tị nạn ở Matamoros. Nguồn: The Intercept

Những đứa trẻ bị mắc kẹt ở biên giới đang đứng trước viễn cảnh phải mãi mãi rời bỏ cha mẹ và băng qua biên giới Mỹ một mình để thoát khỏi cảnh sống tạm bợ nơi đất khách quê người.

Lang thang trong một trại tị nạn ở Matamoros, Mexico, ông Danilo Ruiz, 46 tuổi, bất ngờ hay tin con gái ông đã quyết định bỏ trốn sang phía bên kia biên giới.

Người cha cảm thấy hụt hẫng nhưng không ngạc nhiên. Yolani vừa tròn 17 tuổi nên thuộc diện được miễn khỏi MPP – buộc nhưng người tị nạn vượt biên trái phép trở về Mexico và chờ đợi các phiên tòa để quyết định đơn xin tị nạn của họ. Tổ chức Ân xá Quốc tế coi MPP là một chương trình vô nhân đạo và nhằm làm nản lòng mong muốn xin tị nạn của người di cư Trung Mỹ.

Những đứa trẻ mắc kẹt trước ngưỡng cửa ‘Giấc mơ Mỹ’ ảnh 5
Người tị nạn dùng nước sông Rio Grande giữa biên giới Mỹ-Mexico để sinh hoạt.

Khi Danilo Ruiz và con gái của ông vượt biên vào đầu tháng 8 và xin tị nạn, các nhà chức trách Mỹ nói rằng họ sẽ được gửi đến Matamoros để trú ẩn trong thời gian đợi xét thủ tục tị nạn. “Nhưng chẳng có nơi trú ẩn nào”, Ruiz nói. “Cuối cùng chúng tôi phải ngủ trên mặt đất, họ chỉ phát cho chúng tôi một tấm chăn”. Cha con Ruiz sống như thế trong một tháng trước khi một nhóm tình nguyện cho họ một chiếc lều, nhưng không đi kèm nệm hay gối.

“Bố ơi, con không thể ngủ được. Hãy đưa con thoát khỏi đây”, ông Ruiz nhớ lại những lời cầu xin của con gái mình khi đó. Không lâu sau khi được đưa tới trại tị nạn ở Matamoros, Yolani đã lên kế hoạch một mình vượt sang phía bên kia biên giới.

Yolani quyết định sau khi hai người bạn là Erika và Jairo đã bỏ đi trước mình, cả hai cùng 17 tuổi. Cả Erika và Jairo đều đi cùng cha mẹ rời bỏ quê nhà Trung Mỹ để tới biên giới Mỹ, sau đó cả hai thiếu niên này quyết định băng sang bên kia biên giới mà không cần sự cho phép của cha mẹ.

Những đứa trẻ mắc kẹt trước ngưỡng cửa ‘Giấc mơ Mỹ’ ảnh 6

Người tị nạn chuẩn bị lên xe buýt để trở về Trung Mỹ, một số người sẽ trở lại để điều trần tại tòa án MPP, những người khác sẽ định cư ở Mexico hoặc trở về quê nhà. Nguồn: The Intercept

Cha của Erika - ông Jose Angel, cho biết con gái mình đã kiếm được một công việc ở Matamoros tại một cửa hàng nhưng chỉ kiếm được hơn 5 USD/ngày, làm việc từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Cô bé phải làm việc bảy ngày một tuần và có thể bị mắng chửi nếu xin nghỉ. “Con bé chán nản với cuộc sống tạm bợ kiểu này. Nó muốn được đi học tại Mỹ. Trước khi bỏ đi, con bé an ủi tôi rằng rồi mọi thứ sẽ ổn”, ông Jose Angel nói..

Nhiều trẻ tị nạn chấp nhận vượt biên một mình và gánh theo “giấc mơ Mỹ” của cha mẹ mình. Những người như Danilo Ruiz hay Jose Angel đều không muốn rời xa con cái mình nhưng cũng không thể ngăn cản chúng, một phần họ rồi sẽ trở về quê nhà ở Trung Mỹ, phần còn lại sẽ bám trụ ở các trại tị nạn hằng mong chính phủ Mỹ sẽ thay đổi chính sách nhập cư để được đoàn tụ với con mình.

“Bây giờ, tôi rất sợ phải liên lạc với con bé”, ông Jose Angel, cha đẻ của Erika, cho biết. “Tôi cảm thấy rất buồn và cô đơn khi ở trong trại tị nạn một mình. Nhưng nếu con bé ở đây sẽ còn nguy hiểm hơn, chỉ một trong hai chúng tôi tới được Mỹ là đủ”.

Vào ngày 20/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu cơ quan nhập cư bảo đảm các gia đình người nhập cư khi bị bắt giữ vượt biên trái phép phải được giam giữ cùng nhau trong thời gian chờ xét xử.

Nhiều người cho rằng dù sắc lệnh này có thể không ngay lập tức đem tới sự thay đổi cho tương lai của những đứa trẻ tị nạn, nhưng ít nhất chúng sẽ được ở bên cha mẹ để tiếp tục hành trình mưu cầu hạnh phúc.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?